Bảo đảm chất lượng của mật ong
Nghị viện châu Âu gần đây đã đồng ý với các quy tắc ghi nhãn mới và khởi động hệ thống truy xuất nguồn gốc mật ong từ khi thu hoạch đến tay người tiêu dùng, đánh dấu bước quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tính xác thực và chất lượng của mật ong. Các nhà sản xuất và bán mật ong ở Anh muốn các quy tắc trên được áp dụng ở xứ sở sương mù.
Mật ong là một trong những loại thực phẩm phổ biến nhất mà những kẻ lừa đảo nhắm đến. Theo cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu vào tháng 3 năm ngoái cho thấy, 46% sản phẩm được lấy mẫu bị nghi ngờ là bị pha trộn. Các quy tắc được đề xuất là một phần trong quá trình sửa đổi “Chỉ thị về bữa sáng”, bao gồm cả Chỉ thị về mật ong.
Bà Lynne Ingram, một nhà nuôi ong bậc thầy tại Wesley Cottage Bees và Chủ tịch Mạng lưới xác thực mật ong Vương quốc Anh, bày tỏ sự lạc quan về những thay đổi này: "Những thay đổi đối với Chỉ thị về mật ong của EU là bước tiến tích cực trong việc ngăn chặn việc buôn bán mật ong bị tạp nhiễm. Nó giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn về chất lượng và tính xác thực của mật ong họ mua”.
Dán nhãn xuất xứ cho mật ong
Theo các quy định hiện hành ở EU và Anh, không có yêu cầu xác định quốc gia xuất xứ đối với mật ong được pha chế từ nhiều quốc gia. Tuy nhiên, sắp tới, quốc gia xuất xứ sẽ phải được dán nhãn theo các quy định mới được đề xuất của EU và nghiên cứu mới được thực hiện để xác định các giải pháp kỹ thuật số nhằm theo dõi mật ong dọc theo chuỗi cung ứng.
Chính phủ Anh phải đối mặt với áp lực phải bảo đảm các nhà sản xuất mật ong cung cấp thông tin tương tự cho người tiêu dùng Anh. Trước đây, Chính phủ từng cho rằng việc dán nhãn xuất xứ cho mật ong sẽ “rất nặng nề” và làm tăng chi phí sản xuất. Ông Iain Millar, người đồng sáng lập Công ty Ong Scotland, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ghi nhãn xuất xứ, nói rằng: "Ghi nhãn xuất xứ là một phần quan trọng để hiểu rõ nguồn gốc mật ong."
Trong khi đó, giáo sư Norberto Garcia, Chủ tịch Ủy ban kinh tế nuôi ong của Apimondia, hoan nghênh việc cập nhật Chỉ thị về mật ong, cho rằng tầm quan trọng của sản xuất công bằng là để bảo vệ cả người nuôi ong và người tiêu dùng trung thực.