Tản mạn

Người nhập cư

- Thứ Bảy, 09/10/2021, 05:27 - Chia sẻ
Họ là sinh lực của những khu công nghiệp, của những cơ sở sản xuất, là những tế bào năng động nhất của nền kinh tế vỉa hè. Chính là họ, với sức lao động giá rẻ của mình, đã khiến TP. Hồ Chí Minh trở thành thiên đường của dịch vụ.

Là đô thị lớn nhất, hoa lệ nhất nước, nhưng sức sống của TP. Hồ Chí Minh không phải được tạo nên bởi ai khác, mà chính là bởi sức vóc của những người lao động nhập cư. Họ là sinh lực của những khu công nghiệp, của những cơ sở sản xuất, là những tế bào năng động nhất của nền kinh tế vỉa hè. Chính là họ, với sức lao động giá rẻ của mình, đã khiến TP. Hồ Chí Minh trở thành thiên đường của dịch vụ. Và suốt nhiều năm qua, chúng ta đã luôn ngộ nhận rằng thành phố vốn dĩ là thiên đường, nơi cưu mang họ, và đem lại cơ hội để cho cuộc sống của họ tốt hơn. Cho đến khi đại dịch xảy ra.

Trong những người đã mất vì đại dịch ở TP. Hồ Chí Minh, thử hỏi, có bao nhiêu người mang hộ khẩu thành phố? Covid buộc chúng ta phải nhìn vào sự thật là một lực lượng lao động khổng lồ của thành phố đang phải sống một cuộc sống thiếu an sinh. Chúng ta nhìn thấy những xóm trọ tuềnh toàng của người lao động, nơi mà bảy, tám người phải ở chung một căn phòng chục mét vuông, mỗi người không có nổi quá 2m không gian sống, nơi mà bất cứ dịch bệnh nào xảy ra thì cũng dễ dàng trở thành thảm họa. Chúng ta nhìn thấy những gia đình không còn gì để ăn khi thành phố giãn cách, mà họ thì vốn sống theo cách ráo mồ hôi là hết tiền.

Trước dịch, chúng ta vẫn nghĩ thành phố cưu mang người lao động nhập cư khi mà tiền công nhật của lao động phổ thông thậm chí nhiều hơn lợi nhuận của một sào ruộng suốt một vụ mùa. Nhưng chúng ta quên rằng họ cũng phải sống ở một thành phố đắt đỏ và cố gắng để dành ra một chút tiền làm công rồi mang về quê nhà. Cho tới khi đại dịch kéo đến, và họ không thể có thu nhập hàng ngày.

Người lao động nghèo sẽ không rời thành phố nếu như các khu công nghiệp, các nhà máy có ký túc xá cho công nhân. Nếu vậy, thì cho dù giãn cách, cho dù không thể tiếp tục duy trì sản xuất để trả lương, thì việc tổ chức cứu trợ cũng sẽ dễ dàng hơn. Và khi dịch bệnh bùng phát, điều kiện ăn ở trong các ký túc xá có tiêu chuẩn sẽ an toàn, hoặc ít ra cũng dễ kiểm soát hơn rất nhiều so với các xóm trọ tồi tàn.

Nếu như thành phố có những trung tâm thu dung người lao động mất việc để chủ động tạo điều kiện trợ giúp đưa họ về quê trong tình thế khẩn cấp, mọi chuyện đã có thể dễ dàng kiểm soát hơn.

Việc xảy ra đã xảy ra rồi, chúng ta không có cách nào để quay ngược thời gian. Nhưng thành phố vẫn còn đó với những sức hút khi hồi phục sản xuất. Những dòng người lao động nhập cư rồi sẽ trở lại, và có lẽ những bài học của ngày hôm nay sẽ là tiền đề để thành phố ứng xử tốt hơn với những con người tạo nên sinh lực của mình.

Phạm Trung Tuyến