Người Mỹ Gothic

Trang Thanh Hiền 16/03/2015 09:22

Là một trong những tác phẩm hội họa làm nên hình ảnh của nước Mỹ trên bản đồ nghệ thuật thế kỷ XX, American Gothic (Người Mỹ Gothic) phản ánh trung thực một cách châm biếm nông thôn Mỹ đầu thế kỷ XX.

Hai nhân vật chiếm trọn vẹn vị trí tiền cảnh của bức tranh như lối chụp ảnh thời thượng những năm 30 của thế kỷ XX. Ngôi nhà phía sau hai nhân vật có thể xem là tâm điểm của bức tranh. Không chỉ vậy kiểu thức kiến trúc Gothic được nhìn thấy trên cửa sổ tầng áp mái chính là chủ đề của Grant Wood. Gothic vốn là phong cách kiến trúc mang tính cách tân trong nghệ thuật châu Âu thế kỷ XI - XIII thời Trung Cổ, trước khi chuyển sang thời kỳ Phục hưng rực rỡ. Nếu thoạt nhìn, người ta dường như không thắc mắc gì với hình ảnh chiếc cửa sổ quá to như vậy, bởi hai nhân vật đã chiếm trọn tầm nhìn cận cảnh. Nhưng rõ ràng, cách thức Grant Wood cố tình đặt chiếc cửa sổ đó vào khoảng trống chính giữa hai cha con, mà chiếc đinh ba trên tay người cha như nhại lại hình thức chiếc cửa sổ theo một lối khác. Điều này đã khiến cho chiếc cửa sổ lộ ra như một sự lố bịch trong kiến trúc gỗ của ngôi nhà thấp vùng nông thôn Mỹ.

American Gothic, sơn dầu của Grant Wood, kích thước 72 x 62cm, vẽ năm 1930, hiện được lưu giữ tại Viện Nghệ thuật Chicago
American Gothic, sơn dầu của Grant Wood, kích thước 72 x 62cm, vẽ năm 1930, hiện được lưu giữ tại Viện Nghệ thuật Chicago
Để tạo sự đồng điệu trong việc giễu nhại thói phô trương của tầng lớp trung lưu nông thôn Mỹ, Grant Wood cố tình kéo dài thân hình cũng như gương mặt của hai nhân vật. Người cha được lấy nguyên mẫu từ chân dung của bác sỹ Byron McKeeby - bác sỹ quen của gia đình ông với cặp kính và sự khắc khổ thái quá. Còn cô con gái dường như già quá tuổi, đến nỗi nhiều người lầm tưởng đây là một cặp vợ chồng, cũng đang cau có với ánh mắt như nhìn đi chỗ khác. Nhân vật nữ được Grant Wood vẽ chính là em gái ông, Nan Wood. Ông từng chia sẻ: “Tôi tưởng tượng người Mỹ Gothic phải có khuôn mặt kéo dài để thích hợp sống trong căn nhà Gothic Mỹ này”.

Càng nhìn sâu hơn vào tranh, có thể thấy tính chất hư cấu, giễu nhại của tác phẩm được nhân lên gấp bội trong các chi tiết mang tính tượng trưng. Rèm cửa của ngôi nhà có họa tiết giống hệt chiếc áo của cô gái. Còn chiếc tạp dề của người cha, như thể có hình chiếc đinh ba - vật dụng tượng trưng cho sự lao động chăm chỉ một cách cực nhọc. Một số nhà phê bình cho rằng, trang phục cuối thế kỷ XIX của cô gái và người cha như thể hiện ra một chân dung tang tóc. Đặc biệt là chiếc váy đen dưới chiếc tạp dề, và thái độ của cô gái liếc nhìn xa, như thể đang giữ nước mắt. Cô mang tâm trạng đau buồn cho người cha đứng bên cạnh với ít nhiều cảm xúc được liên hệ với chính hoàn cảnh của Grant Wood, khi 10 tuổi, cha của ông qua đời. Chỉ có điều, với hai nhân vật một cha và một con ở bức tranh này, sự mất mát lại là người mẹ. Điểm nhấn quan trọng thường được nhắc đến là hình ảnh chậu cây ba lá phía trên vai trái của cô gái, như hàm chỉ ý đó.

Với bút pháp hiện thực sinh động, hầu như các nhân vật trong tranh và ngôi nhà làm thành những thực thể độc lập, khiến cho bức tranh trở nên ấn tượng kỳ lạ. Nó dường như đã tạo nên sự chú ý đáng kinh ngạc trong giới khi lần đầu tiên trưng bày ở Viện Nghệ thuật Chicago năm 1930. Đây cũng là giai đoạn nước Mỹ lâm vào khủng hoảng. Cây đinh ba và nắm tay của người cha như thể khẳng định một tinh thần kiên định, đầy chất tiên phong trong bối cảnh đại suy thoái đó. Bởi vậy, American Gothic vừa như một sự giễu nhại, châm biếm nông dân Mỹ, nhưng đồng thời lại như khẳng định niềm tin của Wood vào nước Mỹ. Kỳ tích sẽ được tạo ra từ một nền tảng khác như khuôn cửa mang phong cách Gothic gắn vào ngôi nhà gỗ đầy lập dị vậy.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Người Mỹ Gothic
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO