Người Mông giữ lửa trong nhà
Không có huyền tích “ba ông đầu rau”, cũng không có tích “Táo quân”, nhưng trong đời sống tâm linh của đồng bào Mông, thần giữ lửa luôn có vị trí đặc biệt.
Sinh khí của gia đình
Đồng bào Mông có câu “Lửa cháy đến đâu người Mông theo đến đó” để nói về tập quán du canh du cư trước đây nhưng đồng thời cũng đề cao vai trò của lửa trong đời sống. Trong nếp nhà người Mông, bếp không mấy khi tắt lửa. Họ quan niệm mỗi nhà, mỗi dòng họ đều có vị thần giữ lửa, bếp lửa là nơi ẩn chứa quyền linh của đấng siêu nhiên. Không gian bếp lửa vì vậy được đặc biệt coi trọng. Lễ rước thần giữ lửa là một trong những lễ trọng của người Mông, với những nghi thức đặc sắc, đậm chất tâm linh.
Theo ông Vương Văn Tề, người Mông Trắng ở xã Ma Bản, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, vị thần lửa trong đời sống tâm linh của người Mông không những bảo vệ sự bình an của cả gia đình, dòng họ mà còn coi sóc cây trồng, vật nuôi, để chúng phát triển, sinh sôi, giúp cho công việc làm ăn được thịnh đạt. Nhà người Mông thường làm 3 gian 4 cột, trong đó, bếp lửa bao giờ cũng nằm ở vị trí trung tâm, xung quanh là không gian cho người ngồi sưởi.

Lễ cúng thần lửa là một trong những lễ trọng trong hệ tâm linh của đồng bào Mông. Mỗi năm các gia đình sẽ làm lễ cúng thần lửa một lần, hoặc gia đình có việc chẳng lành, có người ốm đau, bệnh tật cũng sẽ làm lễ cúng thần lửa. Theo lệ xưa, các nhà thường làm lễ vào dịp 30 Tết. Đó là thời điểm sum họp gia đình, là lúc con lợn nuôi một năm vừa đủ béo tốt, thịt ngon để làm lễ cúng. Đối với những nhà có con cái, anh em tách ra làm nhà mới cũng bắt buộc phải thực hiện nghi thức rước thần lửa, nếu không gia đình sẽ bị xui xẻo, chăn nuôi, trồng trọt không thể phát triển.
Riêng đối với người Mông Trắng, thần lửa còn có ý nghĩa bảo trợ cho mỗi đứa trẻ. Khi chúng được sinh ra, nhau thai sẽ được bố mẹ chôn ở chân cột nhà. Con trai thì chôn chân cột chính bên trái, con gái thì chôn chân cột chính bên phải, đều gần bếp lửa nhất, những mong sẽ được ma nhà, ma giữ lửa - thần lửa che trở, cho hay ăn chóng lớn.
Người Mông có một nơi tôn nghiêm để thờ vị thần lửa của mình, đó là chiếc rọ nhỏ đan bằng lá tre, bên trong đựng một quả bầu khô. Chiếc rọ được treo trên vách tường, bên trên chiếc giường của chủ nhà, cạnh bếp lửa. Quả bầu khô ở đây phải rỗng ruột, tay bầu càng cong càng tốt. Nhưng vì quả cầu ít khi cong nên khi chuẩn bị cho việc hệ trọng cần lập nơi thờ thần lửa thường phải chuẩn bị quả bầu từ khi còn nằm trên cây. Quả bầu non được chăm sóc, bẻ cong dần theo ngày tháng. Ông Vương Văn Tề cho biết, sở dĩ tay bầu phải cong vì quả bầu đó có ý nghĩa thu hút linh khí giữ trong mình, nếu tay bầu thẳng thì linh khí đó sẽ bị thoát ra ngoài nhiều.
Đời đời truyền nối
Theo quan niệm của người Mông, riêng việc thờ thần lửa, kể cả khi lập ban thờ thần đều không ai khác chính là ông chủ nhà. Ban thờ ấy sẽ được giữ cho đến khi ông chủ nhà khuất núi. Thể hiện cô đọng nhất phong tục thờ thần lửa là nghi lễ rước thần lửa vào nhà mới. Nghi lễ này không phải thực hiện bởi thầy mo hay thầy cúng mà chính chủ nhà là người hành lễ và nhờ người thân, họ hàng phụ giúp. Lễ rước thần giữ lửa được thực hiện với các nghi lễ chính, gồm: mời thần giữ lửa của gia đình, dòng họ; đón thần giữ lửa vào trong nhà để nhận lễ của gia đình; giữ thần giữ lửa trong nhà.
Theo quan niệm tín ngưỡng của người Mông, con vật tế trong nghi lễ này bắt buộc phải là “con cái”. Người Mông thường cúng lợn, nhưng với riêng tộc họ Vương phải cúng bằng chó (có thể thêm lợn hoặc không). Người già trong dòng họ Vương truyền tai cho con cháu rằng xưa kia khi chiến tranh loạn lạc, người Mông phải dùng thuyền lánh nạn. Người em trai lên thuyền, chị gái ở lại trên bờ dặn với theo nhớ phải làm lễ cúng thần lửa. Nhưng vì xa bờ cách trở, người em nghe không rõ, tưởng chị dặn mình phải làm lễ bằng con chó, nên từ đấy, dòng họ Vương khi làm lễ cúng thần giữ lửa đều không thể thiếu lễ vật này.
Một điều đặc biệt kiêng kị trong nghi lễ của người Mông là khi chủ nhà làm lễ, cửa phải đóng chặt, để ngăn ma xấu vào nhà. Mọi người trong nhà có thể nói chuyện, giao tiếp thoải mái nhưng phải bằng tiếng Mông, tuyệt đối không lẫn ngôn ngữ của dân tộc khác. Người Mông quan niệm thần giữ lửa là vị thần đặc biệt, lưu giữ những giá trị truyền thống thuần túy riêng của gia đình dòng họ người Mông. Nếu trong quá trình làm lễ mà có người nói chuyện bằng tiếng của dân tộc khác, thì vị thần đó không phải của riêng gia đình dòng họ người Mông nữa.

Bao đời nay, đồng bào Mông vẫn cần mẫn ứng xử, duy trì tập tục theo cách thức đã hình thành, truyền nối qua các thế hệ, không quên lãng từng lễ nghi, quy tắc. Ngày nay trong xu thế hội nhập và phát triển, trong toàn bộ kho tri thức dân gian, tuy có phần, có đoạn đã giản tiện, nhưng không có nghĩa là loại bỏ mà chính họ đang tìm một lối đi, một cách ứng xử cho thích hợp trên tinh thần trân trọng, gìn giữ và nâng niu giá trị của dân tộc.