Người mở đầu truyện thơ Việt Nam
Truyện thơ Việt Nam là thể loại văn học rất thịnh hành trong khoảng từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Trong số các tác phẩm truyện thơ có những đỉnh cao như bản diễn nôm Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thể loại truyện thơ về sau phát triển thành một thể loại mới là trường ca. Tuy nhiên, truyện thơ vẫn được sử dụng, dù không còn đỉnh cao như trước nữa.
Tác phẩm truyện thơ còn lại đến nay có niên đại sớm nhất là Tứ thời khúc vịnh của Hoàng Sĩ Khải viết vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII khi nhà Lê đánh bại nhà Mạc và mở đầu thời Lê trung hưng. Như vậy có thể khẳng định Hoàng Sĩ Khải là người mở đầu thể loại truyện thơ Việt Nam.
Hoàng Sĩ Khải tên hiệu là Lãn Trai, quê Lai Xá (Lương Tài, Bắc Ninh) đỗ tiến sĩ khoa thi Giáp Thìn thời vua Mạc Phúc Hải (1544), làm quan đến chức Hộ bộ thượng thư kiêm Quốc Tử Giám tế tửu. Ông là thông gia với Đình nguyên hoàng giáp Vũ Kính, bạn đồng khoa, người làng Lương Xá cùng huyện. Chàng rể Vũ Giới cũng đỗ Trạng nguyên khoa thi năm 1577, làm quan đến chức Lại bộ thượng thư.
![]() Minh họa của Thúy Hằng |
Hoàng Sĩ Khải là người hay chữ, giỏi thơ văn. Theo sách Thư tịch chí của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú thì Hoàng Sĩ Khải có các tác phẩm Sứ bắc quốc ngữ thi tập, Đăng khoa lục, Sứ trình khúc, Tiểu độc lạc phú, Tứ thời khúc vịnh. Hiện nay chỉ còn lưu lại tác phẩm Tứ thời khúc vịnh dài 340 câu thể song thất lục bát. Điểm qua tên tác phẩm có thể nhận định Sứ trình khúc cũng là tác phẩm thuộc thể loại truyện thơ vì chuyến đi sứ ấy đã có một tập thơ riêng.
Tứ thời khúc vịnh kể về công việc theo phong tục tập quán từng tháng trong năm, qua đó ca ngợi vương triều tái lập thịnh trị tạo thái bình muôn thuở cho dân. Về thời điểm sáng tác Tứ thời khúc vịnh có thể khẳng định được vì ngay trong tác phẩm đã nhắc đến việc chính quyền Lê - Trịnh đã ổn định, tiết chế Trịnh Tùng đã được phong vương. Đó là câu: Chắp tay xem trị vô vi/ Vương thì khá bốn đé thì khá ba.
Hoặc câu cuối tác phẩm: Bốn mùa ước những mùa xuân/Trị dài Trịnh chúa Lê quân muôn đời.
Sở dĩ ông viết ca ngợi chính quyền mới vì suốt mấy chục năm làm quan nhà Mạc, ông đã chứng kiến cảnh nội chiến liên miên. Đất nước tiêu điều vì chiến tranh. Nhà Mạc dù đang nắm quyền cai trị nhưng vẫn bị coi là tiếm ngôi nên cuối cùng thất bại. Nhà Lê trung hưng thì thái bình mới bền vững. Những văn thần nhà Mạc vẫn được nhà Lê tin dùng để giúp ổn định triều chính. Thượng thư Hoàng Sĩ Khải cũng được trọng dụng nên ngay trong tác phẩm, ông đã thể hiện tâm trạng ngợi ca và mượn thơ để giãi bày lòng mình: Thác bốn mùa ý ngụ một thiên/ Nguyện cầm báu cả cho bền
Và: Cầm lành gặp bạn tri âm/Chẳng hiềm thửa vụng xảy ngâm chép làm.
Tuy tự nhận là “vụng” và là tác phẩm mở đầu cho một thể loại văn học mới nhưng nghệ thuật thơ của Tứ thời khúc vịnh vẫn rất đáng chú ý. Trước hết thể thơ song thất lục bát rõ ràng là một sự kết hợp nhuần nhuyễn thơ Đường với ca dao làm cho thể lục bát được mở hướng chuyển vần linh hoạt, phù hợp cho việc khai triển câu chuyện thơ kéo dài. Thế mạnh này đã được các danh sĩ đời sau vận dụng tạo nên bước đột phá về số lượng các khúc ngâm, các truyện thơ. Trong các cặp câu lục bát thì việc gieo vần lưng nhằm thay đổi nhịp thơ được chú ý thường xuyên: Phủ hòa một trận gió đông/ Muôn tía nghìn hồng thức thức đua tươi.
Cách tả thời gian theo phong cảnh, cây cối vừa mang tính ước lệ vừa mang tính điển lệ đã được vận dụng bước đầu: Lạc Dương chợt thấy đóa lê/ Ngẫm hay thời tiết lại về thanh minh.
Hoặc: Sáng đầu tường lựu lòe phun lửa.
Lối tả thời gian này đã được Nguyễn Du vận dụng nhiều lần để tả các buổi trong ngày, các mùa trong năm. Thậm chí nhiều câu Kiều cũng có dáng dấp câu thơ Tứ thời khúc vịnh: Cành lê trắng điểm một vài bông hoa/ Thanh minh trong tiết tháng ba và Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.
Ngôn ngữ Việt có lợi thế về điệp từ điệp ngữ tạo hiệu quả nghệ thuật cao nên thường được sử dụng trong ca dao và thơ ca hiện nay. Tác phẩm thơ Tứ thời khúc vịnh cũng được tác giả chú ý thủ pháp nghệ thuật này:“Non non nước nước trời trời”, “Nửa tô nửa bách nửa thông nửa người”, “Lạ gì trăng gió mây mưa/ Chúa tương mơ mết hiếu thừa chiêm bao”.
Người xưa quan niệm thi trung hữu họa nên đọc Tứ thời khúc vịnh ta thường gặp câu thơ gợi tả thế này:
Dưới lẫn trên làng bằng vằng vặc
Cùng xanh xanh một thức tày nhau
Dù không điểm nhạn thuyền câu
Hay đâu là nước hay đâu là trời.
Thậm chí thơ của mấy trăm năm trước mà đọc ngày nay vẫn thấy “mới” về ngôn ngữ thơ:
Nể gió thu thẹn mình càng lánh
Đem mành the nửa cánh còn phong
Hoặc các câu: “Sáng đầu tường lựu lòe phun lửa”, “Ngày sâu tựa bể tháng dài tựa sông”.
Dùng chữ nôm để viết tác phẩm truyện thơ Tứ thời khúc vịnh rõ ràng Hoàng Sĩ Khải đã rất có ý thức dân tộc và đã có công bước đầu làm giàu ngôn ngữ Việt. Đây là cái nền cao, rộng, vững để hai trăm năm sau dân tộc ta có được kiệt tác Truyện Kiều. Dù không đạt đến đỉnh cao nhưng với công đầu mở đường thể loại truyện thơ Việt Nam, Hoàng Sĩ Khải vẫn đáng được nhắc đến một cách trân trọng.