Người mang “ngòi bút rượt đuổi thời gian”
Cố nhà báo Huỳnh Hùng Lý từng ở tổ Thư ký Báo chí của Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, sau tham gia phái đoàn Chính phủ Lâm thời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973. Ký ức về ông được người con trai - nhà báo HUỲNH DŨNG NHÂN chia sẻ nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris.
Dấn thân và tận tụy
- Thưa ông, Cha ông - nhà báo Huỳnh Hùng Lý tham gia Hội nghị Paris năm 1973 như thế nào?
- Thời điểm năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi vừa đi bộ đội. Trước đó, ngày 21.12.1972 nhà tôi ở khu tập thể Báo Nhân Dân tại ngõ Lý Thường Kiệt bị trúng bom Mỹ sập hoàn toàn, ba tôi và nhiều nhà báo may mắn xuống hầm trú ẩn nên an toàn. Khi tôi nhập ngũ, ba tôi không đi tiễn vì lúc đó ông có mặt trong đoàn báo chí tháp tùng đoàn của Chính phủ Lâm thời Mặt trận dân tộc giải phóng do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình dẫn đầu đang ở Hội nghị Paris.

Ba tôi có kể lại, trong đoàn báo chí cả hai miền Nam - Bắc của Việt Nam lúc đó có nhiều nhà báo cùng công tác ở Báo Nhân Dân như Hà Đăng, Lê Bình, Nguyễn Thành Lê, Huỳnh Hùng Lý, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hồng Hà. Trong đó có 3 người nhà bị bom đánh sập vẫn đi Paris là Hà Đăng, Nguyễn Thành Lê và ba tôi. Suốt thời gian phục vụ Hội nghị Paris, ba tôi và các nhà báo cứ đi rồi về, tận tụy và cẩn trọng trong mọi công việc.
- Cha ông có kể lại câu chuyện tác nghiệp tại Hội nghị Paris không, và ông học được gì từ cha mình, nhà báo Huỳnh Hùng Lý?
- Ba tôi may mắn được tác nghiệp tại 3 sự kiện lớn của đất nước là Hiệp định Genève, Hiệp định Paris và Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Song, để tham gia phục vụ tác nghiệp xung quanh các cuộc hội đàm tại Paris, ba tôi có nói “đó phải là những người thành thạo tiếng Pháp, tác nghiệp nhanh, dám dấn thân và không ngại nguy hiểm”.
Quá trình làm việc trong những ngày tháng ấy, duy chỉ có ba tôi trong phái đoàn miền Nam thuộc Chính phủ Lâm thời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; 5 nhà báo còn lại của Báo Nhân Dân thuộc phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở miền Bắc. Tuy cùng đơn vị nhưng các nhà báo vẫn phải bắt tay nhau trong các buổi làm việc, giữ bí mật thông tin của hai phái đoàn, đến từ hai miền đất nước. Sau này, những ngày được gặp ba, tôi âm thầm để ý và học theo ông từ việc chụp ảnh, dùng câu từ chính xác, cách nói chuyện trước đám đông. Ông cũng dạy tôi, muốn làm một nhà báo giỏi phải đi và viết nhiều, thạo sinh ngữ, viết xã luận tốt và hơn hết là chịu khó học hỏi.
Ngòi bút rượt đuổi thời gian
- Tác nghiệp tại một hội nghị mang ý nghĩa thời đại, qua ghi chép, câu chuyện của nhà báo Huỳnh Hùng Lý, câu chuyện gì đáng nhớ nhất?
- Cha tôi là một người lưu trữ tư liệu tuyệt vời. Ông lưu giữ được khá nhiều tư liệu, hình ảnh... Song đặc biệt ấn tượng với tôi là những bài ghi nhanh tại Hiệp định Paris trong tuyển tập “Ngòi bút rượt đuổi thời gian” mà ông để lại. Có những câu chuyện mà chúng tôi cứ truyền nhau đọc để rồi luôn nhớ đến ông, nhớ cách ông đã dạy chúng tôi quan sát và ghi chép nhanh sự kiện. Những văn cảnh mà chúng tôi phải học nhiều hơn nữa để có những bài viết hay, chính xác như thế tại Hội nghị Paris.
“Tối hôm ấy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình chiêu đãi. Đại sứ Porter, Phó trưởng đoàn Mỹ, Bộ trưởng Bétancourt, Phó trưởng đoàn Pháp, cùng tất cả các trưởng đoàn khác và đông đảo đại sứ, đại biểu các nước, đông đảo những nhân vật có tên tuổi của miền Nam Việt Nam như ông Trần Văn Hữu, Trần Đình Lan, Ngô Công Đức, linh mục Nguyễn Đình Thi, người đại diện của nhà sư Thích Nhứt Hạnh, đại biểu của Hội liên hiệp Việt kiều đã đến dự. Cuộc chiêu đãi đông vui vì thắng lợi của Hội nghị, vì thắng lợi của Việt Nam…
Cuộc đấu tranh thi hành Điều 19 Hiệp định Paris nhằm bảo đảm sự thành công của Hội nghị quốc tế về Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp. Lễ ký định ước diễn ra tại phòng lớn của Trung tâm Hội nghị quốc tế phố Kléber. Phòng họp đông hơn thường lệ. Tất cả đoàn viên và một số đông chuyên gia của các đoàn đều có mặt. Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình trong chiếc áo dài sáng, gương mặt rạng rỡ ngồi giữa hai vị Phó đoàn, Thứ trưởng Hoàng Bích Sơn từ trong nước sang và ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng đoàn đại diện đặc biệt Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Hàng ghế thứ hai của đoàn đại biểu Mỹ được họ giành cho các thượng nghị sĩ Mensfield và Hugh Scott, Chủ tịch phe đa số và thiểu số tại thượng nghị viện, Đoàn đại biểu Sài Gòn cũng có khách mới, mấy thượng nghị sĩ từ Sài Gòn qua.
Phòng họp bỗng im bặt khi trưởng đoàn đại biểu Ba Lan nện chiếc búa gõ điều khiển xuống bàn. Các đại biểu bắt đầu cầm bút đặt chữ ký lên bản Định ước làm bằng 5 thứ tiếng đóng bìa màu cà phê sữa. Lúc ấy là 3 giờ 20 phút giờ địa phương.
Mỗi đại biểu phải ký đến 60 chữ ký. Đoàn đại biểu Chánh phủ cách mạng lâm thời, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa, và một số đoàn khác đã dùng nhiều bút để ký vào Định ước…
Một lần nữa, bàn tay xinh xắn của một phụ nữ Việt Nam bình thường nhưng là một nữ Bộ trưởng Ngoại giao duy nhất trên thế giới lại đặt chữ ký của mình bên cạnh chữ ký của đại biểu các cường quốc, ghi nhận thêm một thắng lợi ngoại giao cho Chánh phủ Cách mạng lâm thời trong Hội nghị quốc tế nầy. Đó cũng là chữ ký ghi nhận thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong sự nghiệp cứu nước”.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!