Người lang thang cuối cùng”

Vinh Hà 01/07/2010 00:00

Nhân vật Người đàn bà trong phim Con đường, bộ phim (Road, Movie) giống như người lang thang cuối cùng trên trái đất, và cũng phần nào đúng với Tannishtha Chatterjee…

05-NGuoi-18210-300A1.jpg

Tannishtha Chatterjee, 55 tuổi đã tham gia nhiều bộ phim đoạt giải thưởng nhưng chỉ riêng Bollywood không đủ hấp dẫn nữ diễn viên được mệnh danh là “công chúa của phim nghệ thuật” (Princess of Parallel Cinema). Trong sự nghiệp kéo dài hơn bảy năm cho đến nay, Tannishtha Chatterjee đã đóng các phim tiếng Bengal, Pháp, Đức, Hindi và Anh. Và mới đây nhất, bộ phim Road, Movie đã được công chiếu tại Ấn Độ vào ngày 5.3.2010. Trong phim của đạo diễn Dev Benegal, cô xuất hiện cùng với Abhay Deol, Satish Kaushik…

Hãy nói cho chúng tôi về cuộc hành trình từ bộ phim đầu tiên của chị…

Tôi mở màn với một bộ phim đoạt giải thưởng Quốc gia tên là Swaraj, trong đó tôi được đề cử giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Sau đó, tôi đóng phim Bas Yun Hi Sợi dây (Strings). Tôi cũng bắt đầu đóng các phim quốc tế như phim hợp tác Pháp – Indonesia Cho gió nổi lên (Let the Wind Blow), phim của đạo diễn đoạt giải Oscar Florian Gallenberger Bóng thời gian (Shadows of Time) và phim Anh Ngõ gạch (Brick Lane) mà tôi nhận được đề cử giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Lễ trao giải thưởng Phim Độc lập Anh (BIFAs) cùng với Anne Hathaway và Judi Dench năm 2007.

Đến bây giờ, tôi vẫn thường đi lại như con thoi giữa London và Mumbai. Tôi cũng đã đóng các phim Barah Aana, Con voi trắng (The White Elephant), Mùa hè Bombay (Bombay Summer)… Có một bộ phim quốc tế khác tôi đóng cùng Martin Sheen, Kal Penn và Rajpal Yadav là Bhopal – Cầu trời mưa xuống (Bhopal: Prayer for Rain) và bộ phim mới đây là Con đường, bộ phim. Tôi bắt đầu đóng phim cách đây bảy năm và có kha khá kinh nghiệm.

05-NGuoi-18210-300A2.jpg

Chị còn nhớ trải nghiệm của mình tại lễ trao Giải thưởng Phim Độc lập Anh?

Tôi được đề cử cùng với Judi Dench, đó quả là một vinh dự lớn đối với tôi. Người quản lý nói tôi đừng có mất tinh thần nếu không được giải nhưng chỉ riêng việc được đề cử cùng với Judi Dench và bước lên thảm đỏ đã là hết sức khó tin đối với tôi. Tại Lễ trao giải BIFA, Judi Dench và Daniel Craig ở trên thảm đỏ và tôi muốn đến chào đón họ. Người quản lý kéo tôi lại và bảo không thể làm như vậy bởi tôi được đề cử cùng với bà ấy và tôi cần phải kiềm chế sự hăng hái (cười).

Chị có muốn trở thành diễn viên hay còn điều gì khác?

Tôi học và được cấp bằng tốt nghiệp về chuyên ngành hóa học. Sau đó, tôi chợt nhận ra không muốn dành cả đời mình cho phòng thí nghiệm để làm tiến sĩ. Tôi muốn làm điều gì đó khác trong cuộc đời mình, chứng kiến những nền văn hóa khác nhau và gặp gỡ những con người mới. Vì thế, diễn xuất là con đường để tôi bước đi. Tôi đến Trường Kịch nghệ Quốc gia (National School of Drama) và Ngài Naseer là giảng viên của tôi.

Trong phim Barah Aana, chị đóng vai một cô gái phải lòng nhân vật của Arjun Mathur mặc dù anh ta không quan tâm đến chị. Trong tình yêu, chị sẽ chờ đợi ai đó cho đến cùng?

Ồ, may mắn là tôi không phải như vậy. Tôi đã kết hôn. Tôi nghĩ tình trạng của Rani, tên nhân vật, là cô ấy cảm thông với anh ấy, trong đó có cả sự tổn thương và đôi khi là nỗi thất vọng, cô ấy biết có điều gì đó ở giữa họ. Cuối cùng cả hai là những người bạn. Nhân vật của Arjun nhận ra điều đó bởi mỗi khi anh gục ngã, chính tâm hồn của Rani đã nâng anh dậy. Tình yêu không chỉ là sự quan tâm bên ngoài mà còn là không gian thoải mái mà bạn cảm thấy khi cùng với ai đó. Tình yêu phải trưởng thành vượt lên cả sự quan tâm.

Trong phim Con đường, bộ phim, đạo diễn chỉ đặt cho vai Digan của chị một cái tên đơn giản là người đàn bà.

Tên của tôi là một ẩn dụ. Tất cả chúng tôi đều như thế. Cô ấy giống như người lang thang cuối cùng trên trái đất. Người đàn bà có phần nào đó giống tôi. Tôi không có một địa chỉ cố định. Tôi sống ở Mumbai, Delhi, London... Tôi sống gắn liền với chiếc va li. Người lang thang trong Con đường, bộ phim không thuộc một khu vực riêng nào như dân Gypsy Tây Ban Nha nhưng cô ấy có một tinh thần giống như thế.

Đâu là sự khác biệt giữa làm việc ở Bollywood với nền điện ảnh thế giới mà chị đã tham gia?

Tôi không nghĩ Bollywood và điện ảnh thế giới có sự khác biệt nào lớn, sự khác biệt là ở đạo diễn. Một đạo diễn người Đức khác với một đạo diễn người Pháp hay người Ấn Độ. Sự khác biệt sẽ chỉ có khi bạn làm việc trong một bộ máy đa văn hóa, bạn phải mất công điều chỉnh hơn so với khi làm việc ở Ấn Độ. Bạn thoải mái khi hiểu đạo lý và văn hóa làm việc của người âËn Độ. Ở đây, ngôn ngữ giao tiếp cũng dễ dàng hơn. Có nhiều nguyên tắc mà các nhà sản xuất phương Tây theo đuổi. Đôi khi bạn được nuông chiều nếu làm việc quá nhiều ở đó. Nó cũng rất trật tự và trang trọng. Ấn Độ thì thân mật hơn. Thỉnh thoảng, khi tôi làm việc trong hai bộ máy khác nhau, tôi nghĩ Ấn Độ cần phải nghi thức hóa hơn một chút nhưng đồng thời, sự trang trọng của phương Tây đang trở nên dễ chịu hơn. Vì thế, tôi luôn cố gắng để tìm thấy điểm dung hòa…

Theo Starboxoffice, Statesman

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Người lang thang cuối cùng”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO