Người làm câu đối ở tỉnh nhỏ (Phần 1)
Truyện ngắn của Ma Văn Kháng

23/04/2012 07:50

Người làm câu đối ở tỉnh nhỏ (Phần 1)<BR><I> Truyện ngắn của Ma Văn Kháng</I> ảnh 1
Minh họa của Thúy Hằng

Sự họ Lý, đệm Văn. Không hiểu truy nguyên gốc gác tông phả có tí dây mơ rễ má nào với danh tướng Lý Thường Kiệt hay văn nhân, danh sĩ Lý Tế Xuyên, Lý Văn Phức? Chỉ biết, thoạt đầu chỉ là anh giáo khổ dạy sinh vật ở trường cấp ba, một nhân vật như tôi như anh, nghĩa là làng nhàng lẫn lộn vào đám chúng sinh đông như lá, vô bản sắc, chẳng đáng quan tâm, nơi tỉnh nhỏ. Tướng ngũ đoản, mặt hồng nhuận, mắt sáng, mũi thẳng, tai có thùy châu, bụng tròn, lưng nở, con người hiền lành và hay trầm ngâm hướng nội này quanh năm suốt tháng chỉ thấy lặm cặm hướng dẫn học trò, nay mổ giun, mai mổ thỏ, lúc làm ruộng thí nghiệm, khi lai cam, ghép táo... ấy thế mà bỗng đùng cái, tựa như có sự đột biến, một chiều nọ sang tôi, anh giơ tay chào tạm biệt: “Mai mình đi Bulgaria làm luận án phó tiến sĩ đây. Hẹn gặp lại sau năm năm nhé”.

Một anh giáo quèn vô danh tiểu tốt một phát nhảy ra nước ngoài, trở thành một tên tuổi khoa học lẫy lừng.

Chà. Do chuyện này mà khối anh đờ mặt vì bất ngờ, nhưng sau đó lập tức vỗ đùi chữa thẹn: biết ngay mà, thằng cha tẩm ngẩm tầm ngầm này hắn có quý tướng thật, nên cái kiếp giáo khổ trường công như chúng mình dứt khoát là hắn cởi thoát. Bất ngờ nọ chưa qua lại tiếp đến bất ngờ khác. Mới hơn nửa thời gian chương trình dự định, hết năm thứ ba, kể từ lúc chia tay bạn bè, đã thấy Sự xách va li hớn hở trở về, anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, chứ không phải chỉ là phó tiến sĩ. Mà đấy còn là vì trục trặc. Vì từ đề tài nuôi cấy mô ở cây nhân sâm, do nhiều lý do, buộc phải chuyển sang cây họ cà Salamucianiatam, nghĩa là đảo lộn cả kế hoạch và mất thêm thời gian. Lại thêm bạn bè ganh ghét, gièm pha, phá ngang và ông thầy hướng dẫn có tính đố kỵ hẹp hòi, chỉ sợ trò nổi tiếng hơn thầy.

Cứ cái đà sẵn có, anh chàng thông minh trác việt này, qua vài cái đột biến nữa, sẽ có thể trở thành một Măngđen, một Moócgăng hay một Vavilốp Việt Nam lắm chứ. Điều tôi nghĩ tới, trên thực tế đã xảy ra. Lại đã có đột ngột biến động, nhưng lần này biến động tạo nên một bước ngoặt theo hướng khác ở Sự. Một chiều giáp Tết, Sự sang nhà tôi, tay cầm cuốn giấy hồng điều khổ rộng gang tay, mắt long lanh nỗi vui thơ trẻ.

- Mình có câu đối tặng ông - Miệng cười tỏa hào hoa, Sự vừa nói vừa thả cuộn giấy nhỏ. Tôi trợn mắt kinh ngạc. Lại thế nữa. Một đôi câu đối chữ Nôm viết bằng mực nho đen nhánh trên giấy hồng điều.

Một ông tiến sĩ tuổi mới ngoài bốn mươi một tí, bảo rằng thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và nếu cần cả tiếng Nga, tiếng Bun nữa đi, thì cũng chưa có gì là lạ. Chứ còn cái chữ Hán, chữ Nôm mà ông thông thạo, ông giỏi, thì thật tình là đáng ngờ ngợ lắm. Cả nửa thế kỷ nay rồi, ở nơi trường ốc có ai người ta còn dạy cái chữ tượng hình kỳ thú và khó học này. Vậy thì ông học ở đâu? Học ở đâu mà chữ viết đẹp quá. Cả bốn kiểu phương, thảo, triện, lễ, ông viết đều đẹp. Ở kiểu nào nét bút cũng già dặn, tài hoa, lồng lộng thần thái, xếp vào bậc anh tài trong thư pháp cũng không hổ mặt.

Lẻ bốn chục xuân xanh, nhìn sắc tóc mới hay mình lắm bạc.
Chẵn hai bàn tay trắng, thấy màu da đừng tưởng tớ không vàng.

Đó là câu đối chữ Nôm Sự tặng tôi. Còn ở nhà Sự, Sự treo câu liễn nhạo chính cái số kiếp nhọc nhằn, vất vả của mình:

Nợ chất xám chưa đền mà tóc trắng.
Số hoa đào toàn gặp những cơn đen.

Chữ đã đẹp, ý tứ lại vừa hóm hỉnh vừa sâu xa, thật là toàn bích, toàn thiện vậy.

Một vỉa vàng mười phát lộ. Nhưng đâu có phải là tình cờ ăn may chăng chớ. Có chăng là bây giờ mọi người mới ngã ngửa người ra, vì biết rằng: Sự sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở thành Nam. Ông nội đỗ tam trường. Ông thân sinh nổi tiếng hay chữ, nhưng lận đận đường danh vọng, bao ước ao, hy vọng chỉ còn cách dồn lại cho con. Sáu tuổi, Sự đã làm quen với văn ngôn. Mười tuổi đã biết tới Bách gia chư tử, đã hiểu được cái lẽ thực giả hư chi, hư giả thực chi ở đời. Hỏi ra mới biết ông giáo sinh vật ngay từ thời cặm cụi mổ giun, mổ thỏ đã một mình lẩm thẩm dịch dọt Độc tiểu thanh ký của Nguyễn Du, thơ Thôi Hiệu, thơ Đặng Dung, thơ Vịnh truyện Kiều của Phạm Quý Thích, bởi lẽ chưa mãn ý với bản dịch của các bậc tiền nhân.

Sự còn làm được thơ chữ Hán. Còn câu đối thì đã từng thử sức qua đủ các thể: tiểu đối, đối thơ, đối phú; ở thể đối phú, làm được cả lối song quan, lối cách cú, lối gối hạc. Tôi là anh nhà báo còm, nhờ ân đức tổ tiên cũng võ vẽ dăm ba chữ thánh hiền, vài câu sáo ngữ, điếc không sợ súng, lắm khi cũng bạo miệng tham gia luận bàn việc văn chương chữ nghĩa, nên chẳng bao lâu đã thành tri kỷ của Sự.

Từ đó, như một thói quen tự nhiên, Tết năm nào Sự cũng có câu đối viết tặng tôi. Tết nhất là mùa màng, thời vụ của thể đối liễn, cũng là lúc Sự sáng tác nhiều. Câu đối tặng tôi, tặng bạn bè chí cốt, ngoài ra, Sự còn nhiều câu chỉ ghi trong sổ tay, và đọc cho bạn bè nghe. Bạn bè nghe xong, đa phần đòi chép lại, rồi học thuộc, truyền lan. Nhiều câu, chẳng mấy lúc đã thành tài sản chung, lưu truyền rộng rãi trong dân chúng tỉnh lẻ, được mọi người tán thưởng, bảo rằng: nghe sướng tai lắm.

Chẳng hạn, Tết năm Quý Hợi, Sự viết:

Chó đói đã đi rồi, sang gọi láng giềng vui một mẻ.
Lợn no đang béo mỡ, cũng như ai dăm chữ học hành
.

Năm Tuất, vì mất mùa, dân nghèo tỉnh tôi đói rài đói rạc. Hiện trạng ấy sao mà thơ phú nhắm mắt bỏ qua được.

Đến năm Tân Mùi, Sự lại có câu đối miêu tả và ngâm vịnh cảnh ngộ mình:

Hết ngọ săn gân ngựa, đua với đời, vất vả mà vui.
Sang Mùi hăng tiết dê, đạp vào núi, gian nan vẫn sướng
(1).

Ở vế hai, ý đạp vào núi chỉ việc Sự sẽ lên miền núi tỉnh Lào Cai trong vai anh cán bộ thu mua sả về để nấu tinh dầu. Năm trước đó, vẫn là hàng xóm của tôi, nhưng ông tiến sĩ đã được điều về công tác tại Ủy ban khoa học kỹ thuật tỉnh để phát huy năng lực, sở trường rồi.

Cuối cùng, sau năm sáu năm, cái tài làm câu đối của Sự đã nổi như sóng cồn. Ông thân sinh chàng tiến sĩ dưới suối vàng hẳn cũng ngậm cười vì con trai ông đã tiếp nối được tài năng và ý chí của ông cha, gia tộc. Ôi, những câu đối của Sự. Chúng có tầm kiến văn rộng rãi, ý tứ đã thâm sâu, lời văn lại đẹp đẽ. Ngoài ra chúng lại mang ý vị siêu hình, đã ý tại ngôn ngoại, lại biến hóa vi diệu và đậm đà màu sắc dân gian.

Tết năm Mùi ấy, cảm cái tài của Sự, tôi bí mật chép lại một đôi câu đối của anh và gửi cho tờ báo tỉnh. Ông tổng biên tập báo này đỗ tú tài Tây, lại uyên thông Hán học, chủ trương báo chí phải là cơn phẫn nộ của lương tri, đọc xong, khoái quá, duyệt liền và cho đăng lên trang một số báo Tết.

Hết khoe mã một thời, ngọ nguậy lắm cũng ra vành móng ngựa.
Còn xuất dương mấy độ, mùi mẽ chi mà vểnh sợi râu dê.

Dưới câu đối, lại chính tay ông tổng biên tập yêu cầu mở hai cái ngoặc đơn, viết thêm một dòng: dán trước cửa nhà bọn tham quan ô lại hại dân tỉnh ta. Chà. Đối ý. Đối chữ, đối bằng trắc, miễn chê, còn ý tứ thì quả là sâu sắc, uyên áo, âm vang, lắm anh xem xong không khỏi giật mình, kinh sợ. Ai cũng biết, tham nhũng đã trở thành quốc nạn, trở thành bệnh dịch đang lan tràn trên khắp quốc thổ và thế giới rồi. Điều gần như ngẫu nhiên và lý thú là năm ấy, ở tỉnh này, mấy ông lãnh đạo chủ chốt cũng đang dính vào mấy vụ bê bối về tiền nong, đất đai. Thành ra, số báo ấy phát hành vọt lên gấp đôi số lượng và khắp tỉnh đâu đâu người ta cũng ngâm nga đôi câu đối nọ, rồi liên hệ với thực tế tình hình.

Ôi, câu đối, cái thể loại nhỏ nhoi, trò chơi chữ nghĩa trí tuệ truyền thống và siêu đẳng, phản ánh cái tài hoa, cái xảo diệu của con người. Sự đã xuất hiện. Anh hoa một khi đã phát tiết là nó không có chịu ngừng. Từ đó mỗi độ xuân về, Tết đến, các tờ báo, bản tin to nhỏ khắp tỉnh, đua nhau cử người tới, xin đặt bài Sự.

Làm sao quan niệm được một tờ báo Tết mà lại thiếu một vài câu đối nho nhỏ? Giở tờ báo Tết ra, trước hết là lật lật, ngó vào ở góc này, góc nọ, tìm đôi câu đối ngắn gọn đọc lên xem cái ý vị hàm chứa nó thế nào đã. Âu cũng là thói quen thưởng thức báo Tết lâu nay, đã ăn sâu thành tiềm thức của dân mình.

Năm ấy, báo Tết tỉnh tôi được mùa câu đối. Nhưng đôi câu đại loại: “Tiễn năm gà, chào năm tuất” hoặc “Mừng năm mới, chúc xuân sang...” đã quá quen thuộc và có tính chất trang trí, nghi lễ, khỏi nói làm gì. Vì nó cũng giống như những câu đối bán đầy chợ Tết kia kìa. Niên đăng phú quý, nhân tăng thọ. Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường. Ấy thế, đáng vừa đọc vừa ngẫm ngợi là những câu có ý tứ mới mẻ kia. Thì đây, có thiếu gì. Về cảnh quan cuộc sống tươi đẹp:

Đất nước làm giàu, cái đói nghèo dần tháo chạy.
Nông thôn đổi mới, con cò con vạc lại bay về
(2)

Vui vẻ nhưng có tí châm chích và giáo huấn thì:

Chén chú chén anh, túy lúy càn khôn dồn đến dại
Chồng chị, chồng em, yêu đương bất chính cho xa
(3)

Lại có câu có tính chất giải trí đơn thuần như:

Ba bà đồng bóng xem đá bóng. Năm ông cầu thủ trấn khung thành” hoặc: “Cầu thủ ý chơi hết ý.  Đội tuyển Anh đá đàn anh”. Cũng còn cả câu thách đố thật hóm, thật ác: “To ăn to, nhỏ ăn nhỏ, to nhỏ đều ăn(3). Thật là rất bất ngờ.

Bất ngờ nữa là tất cả đều là sáng tác của Sự.

Ôi, ông tiến sĩ sinh học. Ông viết luận án, ông đi báo cáo khoa học ở khắp các nơi, ông nuôi cấy mô, ông thu mua sả để nấu tinh dầu, cả loạt việc ấy xem ra hiệu quả gây chấn động tâm tưởng con người cũng chỉ từa tựa như mấy câu đối và câu thách đối của ông thôi. Và như vậy là liền hai tháng trời sau Tết, Sự đã tạo nên cơn phong ba bão táp khuấy động liên tục các trang báo tỉnh.

Hưởng ứng câu thách đối của Sự, bài vở từ khắp tỉnh ùn ùn gửi về, vui, sôi động tâm can cả già trẻ gái trai. Niềm căm hận thói dựa quyền hành vơ vét, bóp nặn dân đen, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi, giống như khối lửa nung bí bức bao lâu, giờ có chỗ giải thoát. Như được thể, cùng với tệ tham nhũng trên, các thói hư tật xấu thâm căn khác cũng được dịp bị phanh phui phơi bày hể hả. Thật không ngờ, mấy câu đối liễn con con lại có cái khả năng gây náo động ghê gớm đến thế. Nghe nói, khó chịu vì mấy câu đối nọ chỉ là mấy vị chức sắc chóp bu ở tỉnh.

*

Tết ấy lại như mọi Tết, Sự lại sang tôi đúng chiều ba mươi. Anh treo hộ tôi đôi câu đối anh tặng, viết theo kiểu triện lên hai bên bàn thờ tổ; đặt chân xuống đất, anh xướng thật to: “Đổi mới nước non, dấu son lịch sử. Miệt mài năm tháng, thắp sáng nhân tâm”. Rồi nói:

- Vế thứ hai tôi tặng cánh nhà báo các anh.

Tôi sắp bộ ấm chén, mời Sự ngồi chơi.

- Anh uống chén trà đã. Tết năm nay anh có viết được nhiều câu đối không?

Sự xoa xoa hai bàn tay, mặt hơi bần thần:

- In ít thôi. Nể các báo quá. Ông tổng biên tập báo tỉnh còn thân chinh đến tận nhà đặt. Tôi ra một câu thách đối, nhưng bí mật hộ tôi nhé, tôi không đề tên Tú Sự như những lần trước. Ngoài ra...

Tôi nói:

- Đề tên gì thì ai người ta cũng nhận ra anh thôi. À mà anh vừa nói ngoài ra nghĩa là sao?

Sự lắc đầu, cười nhè nhẹ:

- Xứ mù thằng chột làm vua. Tỉnh lẻ nói làm gì. Còn như ở nơi khác, loại như tôi lấy đấu mà đong, lấy xe mà chở. Giờ, xin đọc ông nghe mấy câu mới làm cho tết Bính Tuất, năm con chó này nhé.

(Số sau đăng hết)

_____________________

1. Của nhà thơ Vũ Hải
2. Của Trần Quế
3. Của Quang Thi

    Nổi bật
        Mới nhất
        Người làm câu đối ở tỉnh nhỏ (Phần 1)<BR><I> Truyện ngắn của Ma Văn Kháng</I>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO