
Có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, phần đông ở châu Âu, người Digan (gypsy) sống trong các cộng đồng gắn kết với những tập quán lạ lùng, huyền bí mặc dù cuộc sống bề ngoài luôn sôi động. Không bao giờ sống quá lâu ở một nơi, người Digan luôn bị coi là người ngoài cuộc, không nhà, không quốc gia.
Trang phục của phụ nữ Digan thường là váy dài chấm gót, xòe rộng, nhiều tầng và màu sắc rực rỡ. Màu trắng là màu kiêng kỵ vì người Digan coi đó là màu tang tóc. Tuy váy áo của phụ nữ Digan thường trễ cổ, nhưng người Digan đặc biệt không để lộ đùi và đầu gối. Nếu có chồng, phụ nữ phải vấn khăn diklo trên đầu. Phụ nữ đeo trang sức không chỉ để làm đẹp. Theo truyền thống, nếu giàu có, họ đổi của cải thành những đồng xu bằng vàng gọi là galbi, để treo vào quần áo làm trang sức. Đàn ông Digan thường mặc quần áo sáng màu và chỉ đeo khăn quàng cổ trong những dịp đặc biệt. Đàn ông Digan lấy “phát tướng” làm dấu hiệu của uy thế và sức khỏe.
Phần lớn người Digan sống trong loại xe được làm bằng gỗ gọi là vardos. Lửa trại là tâm điểm cuộc sống của họ. Hàng đêm, đàn ông đốt lửa và chơi violin, viola, còn các thiếu nữ ca hát và nhảy múa. Do cách sống du mục, nên người Digan có những thói quen ăn uống khác thường. Cà phê là đồ uống chủ yếu. Họ thường không ăn thành bữa trưa và bữa tối vì nấu ăn vào ban chiều, khi có người đói. Luật Romaniya của người Digan cấm ăn thịt ngựa vì ngựa gắn bó với họ. Người Digan cũng bị cấm ăn thịt chó, mèo vì chúng không sạch.
Đối với người Digan, hôn nhân là sự mở rộng và tiếp nối của gia đình. Vì vậy, tất cả người Digan đều mong muốn kết hôn. Nếu đàn ông Digan cưới một cô gái “ngoại đạo” thì cộng đồng sẽ dần chấp nhận cô dâu, nhưng sẽ là phá luật nếu thiếu nữ Digan kết hôn với đàn ông “ngoại đạo” vì phụ nữ là người bảo đảm dân số cho bộ tộc. Quà cưới thường là tiền mừng để thiết thực giúp đôi trẻ bắt đầu cuộc sống mới.
Sinh con cũng là sự kiện đặc biệt. Thêm một đứa trẻ là đảm bảo sự tiếp nối dòng giống và thêm sự kính trọng của gia đình. Khi mang thai, người phụ nữ được tất cả phụ nữ trong bộ tộc chăm sóc và người chồng làm tất công việc của vợ. Người Digan có ba tên: khi sinh nở, người mẹ thì thầm gọi tên con và không bao giờ sử dụng sau này để ma quỷ không xác định được danh tính đứa trẻ. Tên thứ hai chỉ dùng trong cộng đồng và bạn bè, còn tên thứ ba dùng khi nói chuyện với người ngoài.
Đối với người Digan, cái chết là vô nghĩa và không tự nhiên, nên không được chết tại nơi ở của mình. Khi chết, họ bị kéo giường ra trước lều. Khi nhà có đám, không ai được tắm rửa, cạo râu, chải đầu, thậm chí gương cũng phải che đi. Sau đám tang, lo sợ người chết trở về ám ảnh cuộc sống, nên người Digan không bao giờ nhắc tên người chết và hủy bỏ mọi thứ thuộc người chết, kể cả động vật, trừ ngựa. Không nhất thiết phải đốt bỏ, họ có thể bán cho người ngoài.

Do thay đổi điều kiện sống liên tục ở nhiều quốc gia, nên người Digan rất đa năng và có thể sống bằng nhiều nghề. Phần lớn đàn ông Digan buôn ngựa, làm thợ kim hoàn, còn phụ nữ bán hàng rong và xem tướng. Người Digan cũng thường lập gánh hát biểu diễn. Họ tự hào là những người hát hay, múa đẹp.
Tuy nhiên, gần đây khắp châu Âu có hàng nghìn trẻ Digan bị buộc phải ra đường ăn xin và ăn cắp. Theo BBC, cảnh sát Madrid (Tây Ban Nha) cho biết 95% trẻ em dưới 14 tuổi mà họ bắt quả tang ăn cắp ngoài đường phố là người Digan từ Romania tới. Hơn 1.000 dân Digan Romania sống ở vùng ngoại ô Madrid. Điều kiện sống của họ rất tồi tệ. Mỗi ngày, trẻ em từ nơi đây vào thành phố để ăn cắp và ăn xin. Cảnh sát Milan (Italy) cũng đã điều tra và phát hiện một băng tội phạm sử dụng trẻ em để thu những món lợi khổng lồ. Theo đó, trong vòng một tháng, mỗi đứa trẻ Digan kiếm được khoảng 12.000 euro.
Căn nguyên của vấn đề là nhiều thế hệ người Digan bị phân biệt đối xử và phải đối mặt với thái độ thù địch. Đồng thời, sự nghèo đói lan rộng trong cộng đồng người Digan. UNICEF đã từng thông báo rằng có đến 70% hộ gia đình Digan không có nước sử dụng. Vì thế, nhiều người trong số họ rời bỏ đất nước, một số sa vào con đường ăn xin và ăn cắp.
Ở Milan, nạn trộm cắp do người Digan gây ra đã khiến dư luận phản ứng dữ dội. Người ta phá tan lều trại của người Digan và kêu gọi trục xuất tất cả dân Digan nhập cư. Donatella DeVito, một người hoạt động từ thiện với mong muốn giúp người Digan hội nhập vào xã hội Italy, cho biết: “Có ý kiến cho rằng trẻ em và phụ nữ người Digan chuyên đi ăn cắp và ăn xin. Nhưng có lẽ, trong chuyện này chỉ có một chút ít sự thật mà thôi. Vấn đề có thật là một số người Digan ăn xin và ăn cắp bởi vì đó là cơ hội duy nhất giúp họ tồn tại”.