Giá sàn vé máy bay

Người dân và nhiều ngành kinh tế bị thiệt hại quá lớn

- Thứ Ba, 14/09/2021, 05:40 - Chia sẻ
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến các bộ, ngành, hãng hàng không và các chuyên gia về phương án áp dụng giá sàn vé máy bay. Các chuyên gia cho rằng, giá sàn sẽ tạo gánh nặng thêm lên người dân, ngành du lịch và nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Hành khách đang đi ra cửa chờ bay tại sân bay Tân Sơn Nhất
Ảnh: Quang Định

Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, PGS.TS. PHẠM TRUNG LƯƠNG:
Giá sàn tác động trực tiếp vào 70% khách du lịch

Du lịch là ngành mũi nhọn mang lại doanh thu 35 tỷ USD, giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hơn 7 triệu người (năm 2019). Nhưng toàn ngành du lịch từ lữ hành đến khách sạn… bị tê liệt vì đại dịch Covid-19. Ngành du lịch được Chính phủ ưu tiên kích cầu hồi phục sau dịch nhưng nếu tăng giá sàn vé máy bay và làm mặt bằng giá vé tăng cao như phương án Bộ GTVT đề xuất thì triển vọng hồi phục của ngành du lịch rất xấu. Bởi vì 70% khách du lịch trong và ngoài nước liên quan đến hàng không. Chi phí vé bay chiếm 40 - 50% giá tour. Trong khi ai cũng biết giá là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc kích cầu, thu hút khách du lịch.

Giá vé máy bay sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ 3 phân khúc khách, trong đó, khách đại trà chiếm số lượng lớn nhất, bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ là những người thu nhập trung bình và thấp, là khách gia đình, khách đoàn. Nhiều người sẽ không đi du lịch nữa nếu giá vé máy bay tăng.

Giá vé máy bay tăng cũng sẽ tác động thẳng vào các địa phương có cảng hàng không, đặc biệt là Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Cần Thơ, Quảng Ninh… Du lịch có sức lan tỏa rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội của các địa phương, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, đặc sản địa phương, dịch vụ ăn uống, vui chơi… đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội của địa phương, trong đó có việc làm, thu nhập…

Tăng giá vé máy bay vào thời điểm cần kích cầu hồi phục du lịch hiện nay là rất tai hại cho ngành du lịch và nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tính riêng về doanh thu, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam thiệt hại ít nhất 23 tỷ USD, năm nay, với "đòn" tăng giá vé máy bay, thiệt hại về kinh tế còn lớn hơn nhiều.

Chuyên gia hàng không TS. LƯƠNG HOÀI NAM:
Hãy để giá vé cho thị trường quyết định

Giá sàn vé máy bay sẽ tác động trực tiếp vào sự phục hồi của kinh tế cũng như du lịch. Hơn 2/3 khách đi máy bay ở Việt Nam là giá rẻ. Giá sàn vé máy bay sẽ tác động tiêu cực vào nhiều lĩnh vực kinh tế khác, kể cả thương mại, đầu tư, vì nó sẽ làm giảm số lượng chuyến bay, lựa chọn chuyến bay trở nên khó khăn hơn.

Tôi thực sự bất ngờ và ngạc nhiên với đề xuất áp giá sàn vé máy bay trong bối cảnh hiện nay. Bởi đó là biểu hiện kiểu quản lý nhà nước thời bao cấp và nó chỉ nằm trong hệ thống kinh tế phi thị trường. Về nguyên tắc, đừng bao giờ nghĩ đến giá sàn nữa và phải tiến tới càng sớm càng tốt việc bỏ giá trần. Ở nước ta trên mỗi đường bay có 2 - 3 và thậm chí là 4 hãng hàng không cạnh tranh nhau rất khốc liệt. Hãy để giá vé cho thị trường quyết định.  

Vietnam Airlines có tính toán riêng, họ muốn trở lại thời hoàng kim khi vé máy bay cao ngất và máy bay là phương tiện xa xỉ, dù họ đang sở hữu hãng giá rẻ (Pacific Airlines). Nhưng các hãng hàng không khác không ủng hộ giá sàn là có lý. Họ cần có sự tự do về giảm giá để kích cầu phát triển các thị trường và đối tượng khách hàng của họ, lấp đầy chuyến bay, tối ưu hóa doanh thu. Họ cũng thừa hiểu rằng trong bối cảnh đại dịch hiện nay, nếu không có giá vé rẻ thì ít người đi máy bay. Hãng có nguồn lực, có máy bay, có con người nhưng việc tăng giá sàn, thực chất là nâng giá vé bình quân lên cao sẽ làm giảm lượng khách bay.

Trước đại dịch Covid, tỷ trọng của dịch vụ hàng không giá rẻ Việt Nam đã vượt ngưỡng 65%, tức là hơn 2/3 thị trường hàng không Việt Nam (tức khoảng 43 triệu người). Nó phù hợp với đại đa số người tiêu dùng Việt Nam, kể cả khách quốc tế. Nếu như chúng ta bằng một công cụ gọi là giá sàn mà loại bỏ cơ hội về giá vé máy bay giá rẻ thì chính sách đó sẽ đánh ngay vào lợi ích của công nhân, nông dân, hưu trí, người có công với Cách mạng… Họ có thể khó có thể đi lại bằng máy bay và sẽ phải sử dụng các phương tiện khác.

Điều mà Bộ GTVT cần quan tâm giải quyết lúc này là phải kiểm soát hữu hiệu các dịch vụ và giá cả dịch vụ độc quyền trên mặt đất. Hầu hết các dịch vụ dưới đất thì lại là dịch vụ độc quyền và với một số dịch vụ nếu không độc quyền thì cũng có mức độ cạnh tranh rất thấp. Đây mới là nút thắt gây ùn tắc tại các sân bay, là rào cản rất lớn của ngành hàng không Việt Nam. Việc không có sự cạnh tranh hoặc thiếu sự cạnh tranh trong các dịch vụ phục vụ mặt đất vô hình trung làm cho giá cả của các dịch vụ đẩy lên cao, gây khó khăn, phiền toái, làm tăng chi phí cho các hãng hàng không và khách bay. Chất lượng dịch vụ mặt đất rất chậm được cải thiện. Cần phải xã hội hóa đầu tư, quản lý, khai thác các cảng hàng không. Đây mới là những việc Bộ GTVT cần vào cuộc, can thiệp quyết liệt.

Chuyên gia hàng không PGS.TS NGUYỄN THIỆN TỐNG:
Áp giá sàn càng làm môi trường kinh doanh hàng không xấu đi

 

Hàng không chi phí thấp đang là xu thế chung của khu vực và thế giới. Chính các hãng bay giá rẻ trên thế giới đang có triển vọng hồi phục nhanh nhất và đóng góp thiết thực nhất cho khách bay, cho phục hồi kinh tế, du lịch vì lợi thế giá vé thấp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Trên thế giới, chỉ còn duy nhất quốc gia áp dụng giá sàn là Indonesia. Cách đây khoảng 5 năm, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã bỏ giá sàn vé máy bay sau một thời gian ngắn áp dụng vì mất nhiều hơn được.

Việt Nam hiện có 6 hãng hàng không, có tính cạnh tranh khá cao nên nếu áp giá sàn sẽ làm ngành hàng không bị thụt lùi hàng thập kỷ về chính sách. Nhờ có Vietjet và gần đây là Bamboo, hàng không đã trở nên phổ cập, ai cũng có thể được bay, khác hẳn mấy thập kỷ VNA độc quyền kinh doanh, khai thác. Từ lâu, VNA đã được tạo lợi thế về phát triển đội tàu bay, slot bay, kể cả được ưu tiên chỉ định bay chở khách trong đại dịch và mới đây nhất là được vay gói 4.000 tỷ đồng lãi suất 0% trong 3 năm. Nay, nếu áp giá sàn cùng với các lợi thế nói trên thì sẽ khiến môi trường kinh doanh hàng không càng tệ hơn, làm triệt tiêu cạnh tranh sáng tạo và làm nản lòng nhà đầu tư trong - ngoài nước.

Sở dĩ nhiều doanh nghiệp nhà nước, trong đó có VNA được giữ lại, được đầu tư là để nhằm thực hiện sứ mệnh bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội và đóng góp thiết thực cho kinh tế - xã hội và ngân sách. Giai đoạn khó khăn này, lẽ ra VNA phải cam kết giữ hoặc giảm giá vé để kích cầu đi lại, thông thương, góp phần phục hồi kinh tế.

Hàng không là động lực phát triển kinh tế đất nước. Các hãng hàng không là huyết mạch rộng nhất, nhanh nhất để Việt Nam hội nhập với thế giới, là thương hiệu, là hình ảnh của quốc gia. Giá sàn và sự phân biệt đối xử sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin vào môi trường kinh doanh Việt Nam, thậm chí rút khỏi thị trường.    

Nền kinh tế nước ta đang bị tổn thương sâu sắc, hàng chục triệu người bị mất việc làm, giảm thu nhập, khi đi lại bằng đường hàng không họ đã phải tốn thêm hàng loạt chi phí, trong đó có khoản 200.000 đồng xét nghiệm Covid. Việc áp giá sàn sẽ khiến bình quân giá vé máy bay tăng rất cao, là gánh nặng đối với công nhân, nông dân, người thu nhập thấp và cản trở quá trình phục hồi nền kinh tế nước ta sau dịch.

NHẬT ANH thực hiện