Thừa Thiên Huế xây dựng hạ tầng 4.0

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm

- Thứ Năm, 23/05/2019, 15:55 - Chia sẻ
Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh Thừa Thiên Huế vừa đoạt giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” tại Telecom Asia Awards 2019. Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, không nên đặt vấn đề kỹ thuật trước tiên mà phải có mô hình quản lý tốt, xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn của người dân và doanh nghiệp.

Chất lượng phục vụ ngày càng cao

- Thừa Thiên Huế không phải là một tỉnh lớn hay vượt trội về đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tỉnh đã làm gì để có một đô thị thông minh vận hành tốt như vậy, thưa ông?

- Trên thế giới và ở Việt Nam cũng đã triển khai nhiều mô hình trung tâm điều hành đô thị thông minh khá đa dạng. Phải nói rằng, mô hình Viettel áp dụng cho Thừa Thiên Huế đáp ứng được yêu cầu của một địa phương có quy mô kinh tế không lớn, có đặc thù về lịch sử di sản văn hóa. Từ nhu cầu quản lý, chúng tôi đưa ra bài toán và Viettel có chuyên gia tốt để nghiên cứu, rồi đưa ra giải pháp công nghệ, kỹ thuật với mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh phù hợp.

Và cũng từ đây chúng tôi thấy rằng, không phải là một đô thị với quy mô kinh tế quá lớn, không cần là một dự án quá đồ sộ, chỉ với khả năng tài chính vừa phải như Thừa Thiên Huế thì vẫn có thể xây dựng một mô hình trung tâm điều hành thông minh hiệu quả trong vận hành cũng như phục vụ người dân.


Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ

- Thừa Thiên Huế gặp những khó khăn gì khi thực hiện dự án này?

- Dĩ nhiên, với một mô hình mới thì quá trình tìm tòi và học hỏi không dễ dàng. Nhưng quan trọng là chúng tôi đưa ra 3 bài toán: Người dân cần gì? Doanh nghiệp cần gì? Chính quyền cần gì?; và yêu cầu phải phối hợp với nhau để có mô hình quản lý thống nhất trên Hệ thống dịch vụ công trong đô thị thông minh.

Ở đây, chúng tôi lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ của đô thị thông minh, hướng tới nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền, nâng cao khả năng tương tác của người dân và chính quyền, đem lại tiện ích tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

- Huế vốn là một cố đô, khi triển khai đô thị thông minh với trái tim là trung tâm điều hành thông minh thì có làm thay đổi đặc trưng về văn hóa, lịch sử của thành phố hay không?

- Một trong những đặc thù của đô thị thông minh là hướng tới khai thác những thế mạnh về văn hóa, lịch sử của vùng đất Huế. Chúng ta đem những ứng dụng thông minh vào quản lý là để cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhưng cũng phải nâng cao giá trị di sản lịch sử, văn hóa của vùng đất Huế. Những giá trị đó không thay đổi nhưng chất lượng phục vụ ngày càng cao là điều chúng tôi hướng tới. Chúng ta sẽ vẫn thấy một hình ảnh của Huế cố kính, êm đềm, vẫn là cố đô, thế nhưng chất lượng dịch vụ tốt hơn và thuận lợi cho người dân trong phát triển về mọi mặt như kinh tế, đời sống… và cả nhu cầu hưởng thụ.

Mô hình quản lý tốt kết hợp giải pháp kỹ thuật tốt

- Ông có suy nghĩ gì khi nhận tin Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh Thừa Thiên Huế được trao giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á”?

- Đây là một tin vui với tỉnh nói riêng, cũng như ngành CNTT của quốc gia nói chung. Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, hợp tác chặt chẽ với Viettel, trên cơ sở ý kiến đặt hàng của tỉnh, nhu cầu thực tế của địa phương, Viettel đã có những giải pháp và đưa vào thử nghiệm với bước đầu có hiệu quả. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh là trái tim của đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo ra môi trường thông minh để chính quyền tương tác, trao đổi và kịp thời xử lý những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.

- So với các địa phương khác thì Thừa Thiên Huế thực hiện dự án về đô thị thông minh rất nhanh. Thừa Thiên Huế có bí quyết gì?

- Thực ra, để có đô thị thông mình tốt phải có mô hình quản lý điều hành hệ thống tốt, hai hệ thống này tương tác hỗ trợ cho nhau. Lợi thế của Thừa Thiên Huế trong thời gian xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh là có mô hình quản trị tốt, chuẩn hóa các hoạt động dịch vụ. Nếu đủ lực, chúng ta có thể mua các hệ thống khác như của nước ngoài và áp dụng nhưng nó không phù hợp với mô hình quản lý của chính quyền địa phương ở đây thì sẽ không hiệu quả, không đồng bộ. Điều này sẽ dẫn đến không phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp.

Chúng tôi nhận thấy rằng, mô hình quản lý của chính quyền quan trọng vô cùng và các giải pháp công nghệ thông tin chẳng qua là ứng dụng phục vụ cho quả trình quản lý thôi. Sai lầm trước kia là chúng ta cứ chú trọng kỹ thuật, áp dụng cái không khả thi cho chính quyền của mình. Không thể mua mô hình của nước ngoài trị giá nhiều tỷ đồng nhưng không dùng được.

Thừa Thiên Huế cung cấp mô hình quản lý tốt, Viettel hỗ trợ giải pháp kỹ thuật tốt. Chính cái này đã tạo nên giải thưởng sáng tạo châu Á.

- Giải thưởng này có tạo sức ép lên việc mở rộng xây dựng chính quyền điện tử hay trung tâm điều hành thông minh không?

- Sức ép thì có nhưng thuận lợi lớn hơn nhiều. Người dân sẽ có niềm tin khi ứng dụng của chúng tôi được quốc tế công nhận. Đó là một kênh tuyên truyền rất tốt. Chính quyền các cấp, các đơn vị quản lý sẽ có động lực hơn vì phải giữ vững danh hiệu và tiếp tục nâng cao. Ở đây, đối tác của chúng tôi là Viettel cũng sẽ phải tập trung hơn, triển khai ứng dụng tốt hơn để cùng chúng tôi giữ vững điều đó.

- Xin cảm ơn ông!

Vy Hương thực hiện