Người đàn ông với cái đuôi hình thuổng (Phần 1)
Truyện ngắn của Phạm Thị Ngọc Liên

24/03/2015 09:17

Một

Sau cuộc nhậu với bạn bè, tôi ra về, biết chắc sẽ nhìn thấy bộ mặt chằm vằm của Thoa, vợ tôi. Cô ta luôn có thái độ như thế vào những ngày tôi không về nhà đúng giờ hoặc về nhà với mùi bia rượu. Cái thái độ ấy khiến tôi chán ghét ghê gớm.

Cuộc hôn nhân của chúng tôi bắt nguồn từ tình yêu mê đắm, nhưng sau nhiều năm chung sống mà không thể có con dù đã chạy chữa đủ nơi, Thoa, người đàn bà xinh đẹp, giờ chỉ còn là con mụ mặt khoặm, lúc nào cũng cáu kỉnh, người ngợm sặc mùi bếp núc và mùi nước tiểu của cái toilet cô ta chùi rửa mỗi ngày. Tôi làm sao muốn về nhà sớm để chạm mặt cô ta trong tình trạng đó? Lỗi tại cô ta thôi. Nhiều lần tôi đã khuyên cô ta mặc kệ căn bếp, mặc kệ cái toilet, hoặc thuê người giúp việc đến mỗi ngày vài giờ để dọn. Tôi thừa khả năng để chi trả cho những việc nhỏ mọn ấy. Nhưng cô ta không đồng ý. Cô ta bảo muốn tự tay nấu những món ngon cho tôi ăn và muốn tự tay chùi rửa cái toilet cho vừa ý mình. “Anh luôn bày bừa trong toilet, luôn không bật nắp bồn cầu và không giật nước sau khi đi xong. Điều đó chỉ có em chịu đựng được. Em không thích người khác vào dọn rồi đi rêu rao anh ở bẩn”. Cô còn nhắc luôn tới cái tật hút thuốc trong toilet và tiện tay búng mẩu thuốc cuối cùng vào bồn cầu trước khi đi ra của tôi. “Mùi phát kinh lên được. Mỗi lần lau dọn, em đều muốn nôn”. Thì đừng dọn nữa. Lời lẽ của cô ta lúc nào cũng như cái gai châm chích, khiến tôi nhột nhạt và khó mở lời biện minh. Đàn ông trăm thứ việc, ai hơi đâu nhớ những việc lặt vặt như thế chứ? Thật ra, cũng có những lúc tôi nhớ, nhưng có thể ngay sau đó cô ta lên tiếng nhờ việc gì đó gấp và tôi sốt sắng bước ra để làm ngay. Đàn bà! Chiều thế nào cũng không xong!

Minh họa của Đặng Hồng Quân
Minh họa của Đặng Hồng Quân

Dần dà, điệp khúc than vãn kể lể của cô ta biến mất, thay vào đó là gương mặt chù ụ, thái độ im lìm trong bữa cơm. Nhiều lúc tôi cũng thấy áy náy và làm lành với cô ta bằng cách nhiệt tình khi lên giường. Nhưng cô ta không hưởng ứng hoặc hưởng ứng chiếu lệ như thể ban ơn cho tôi. Điều đó khiến tôi nguội lạnh mọi cảm hứng. Tôi không thích ôm cô ta vào lòng như xưa nữa, nhất là sau một lần ngửi thấy mùi bếp núc và nước tiểu phả ra từ mái tóc và cả làn da của cô ta. Thế đấy. Cô ta trừng phạt tôi bằng cách để nguyên “mùi lao công khổ sai”, cho tôi thấy cô ta đã vất vả thế nào trong việc nấu nướng và chùi rửa.

Tôi bắt đầu đi làm về muộn hơn. Thường thì tôi ở lại cơ quan tán gẫu với đồng nghiệp, cùng uống một vài chai bia, ăn linh tinh nhảm nhí một tô phở hoặc hủ tiếu và chạy xe về khi trời đã hoàn toàn tối hẳn. Nếu cô ta không có thái độ gây hấn, OK, bữa cơm sẽ diễn ra bình thường, tuy chán ngán do tôi đã no và chỉ ăn chiếu lệ. Ngược lại, tôi sẽ viện cớ mệt, bỏ không ăn cơm luôn.

Một hôm, tôi về rất muộn, co mình sẵn như một con nhím, sẵn sàng bắn ra những chiếc lông nhọn hoắt nếu như cô ta cằn nhằn, phiền trách. Nhưng cô ta chẳng nói năng gì cả. Trong phòng ăn, mâm cơm vẫn úp lồng bàn, thức ăn đã nguội tanh. Trông thấy tôi, cô ta lặng lẽ rời khỏi chỗ ngồi và đi vào bếp. Cô mở nắp lồng bàn, bưng từng đĩa thức ăn đến lò vi sóng, đưa vào và lấy ra như cái máy. Vẻ lặng lẽ và cam chịu của cô ta khiến tôi cảm thấy áy náy. Đến gần cô, tôi vả lả: “Xin lỗi em, hôm nay anh có cuộc họp quan trọng nên về muộn. Để anh phụ em dọn cơm”. Cô ta chẳng nói chẳng rằng, cứ tiếp tục lặng lẽ bưng thức ăn trở về bàn ăn và ngồi xuống. Tôi ngồi đối diện cô ta, cố vả lả thêm lần nữa: “Để anh xới cơm cho”. Cô ta vẫn chẳng nói gì nhưng đến khi tôi đưa chén cơm vào tay cô thì nước mắt cô rớt xuống.     

Ôi trời! Nếu ngày xưa tôi thường cuống lên mỗi khi cô rơi lệ, thấy mình không đáng mặt đàn ông vì đã làm người yêu phải khóc, thì ngày nay cảm giác của tôi là chán ngán vô cùng. Vì sao tôi phải nhìn bộ mặt u ám này sau một ngày làm việc mệt mỏi với vô vàn đối phó? Vì sao tôi bắt buộc phải về nhà đúng giờ để ăn cơm với cô trong không khí nặng trịch này trong khi ở ngoài đường có vô số niềm vui đang chào đón? Vì sao chứ? Tôi bật ra câu hỏi đó và cô ta khóc òa lên, bỏ chạy lên lầu. Cô ta tưởng tôi sẽ đi theo và dỗ dành xin lỗi như ngày mới cưới sao? Quên đi. Tôi đặt chén cơm còn nguyên xuống bàn. Khỏi cần đóng kịch ăn uống nữa. Tôi lên lầu, bỏ vào phòng tắm, mặc kệ những tiếng nức nở phía bên ngoài giường ngủ. Khi tôi bước ra, cô ta đã nín khóc, nằm im lìm co quắp tuốt ngoài rìa một bên giường. Tôi thả người, sải tay chân thảnh thơi phía giường còn lại, ngủ ngay lập tức.

Hai

Chiều hôm sau, với ý nghĩ làm lành với vợ, tôi ghé cửa hàng hoa, mua một bó hồng. Như cả triệu người đàn bà khác, Thoa thích cắm hoa trong nhà mặc dù tôi thấy điều này chẳng ích lợi gì ngoài việc đi tong một số tiền và vài hôm sau bó hoa ấy sẽ trở thành rác. Nhưng để không khí giữa hai vợ chồng được nhẹ nhàng hơn, tôi đi mua hoa và tự nhủ sẽ nói một câu xin lỗi có cánh nhất mà đàn bà thích nghe: “Em yêu, anh điên rồi nên mới làm em buồn. Cho anh xin lỗi nhé. Anh yêu em”. Nghĩ đến lúc mình sẽ nói câu nói ấy, tôi phì cười. Đàn bà rõ là nhẹ dạ. Họ không hiểu rằng mỗi người đàn ông đều tiềm tàng máu diễn xuất trong người. Ồ, tội vạ gì khi lời nói dối của mình đem lại lợi ích và niềm vui cho chính mình chứ? Mà tôi cũng chẳng nói dối gì quá đáng. Tôi từng yêu Thoa thật. Nói lại lời yêu cũ kỹ đó, có gì khó khăn?

Cổng nhà khóa. Thoa đi đâu? Căn nhà trống trải, vắng lặng, gieo cho tôi một cảm giác kỳ lạ. Trên bàn ăn không có mâm cơm úp lồng bàn như mọi khi. Bếp sạch tinh tươm, thoang thoảng mùi nước lau sàn the the mát lạnh. Toilet cũng sạch bong

Mảnh giấy nhỏ để trên bàn ngủ. Thoa viết: “Em về nhà ba mẹ một thời gian. Anh tự lo cho bản thân. Sau đó, khi đã suy nghĩ chín chắn, mình sẽ ngồi xuống nói chuyện rõ ràng xem có ở được với nhau nữa không? Chào anh”. Bó hoa hồng trên tay tôi tuột xuống sàn nhà, nằm im phăng phắc. Như thể nó cảm nhận được sự vô duyên của mình. Còn tôi, tôi bị hẫng.

Thoa không bắt máy khi tôi gọi điện. Mẹ Thoa trả lời, giọng dịu dàng: “Nó đi đâu với bạn rồi, con ạ. Nó bảo sẽ không dùng điện thoại nữa. Thế nên con muốn dặn gì thì cứ gọi về cho mẹ, mẹ sẽ nhắn nó cho”. Quá đáng chưa? Tôi bực dọc đáp: “Mẹ nói với Thoa là con đồng ý với đề nghị của cô ấy. Chừng nào Thoa muốn nói chuyện thì gọi cho con”. Mẹ vợ tôi vẫn dịu dàng: “Ừ để mẹ bảo nó thế”. Buông máy xuống, tôi vẫn còn bực dọc. Thoa nghĩ gì mà có thái độ quyết liệt này chứ? Muốn ly dị à? Để xem cô ấy làm căng được bao lâu? Tôi thề sẽ không xuống nước làm lành. Trừ phi Thoa chủ động về nhà hoặc gọi điện cho tôi để tỏ thái độ biết điều. Đàn bà mà chiều chuộng quá sẽ có ngày leo lên đầu lên cổ mình ngồi. Tôi không ngu.

Lò dò xuống bếp, tôi đi lục thức ăn. Bụng tôi đang réo và dẫu sao thì cũng phải ăn. Có lẽ các món ăn hôm qua Thoa vẫn còn cất trong tủ lạnh. Thôi thì ăn tạm vậy.

Thật tệ hại là trong tủ lạnh, ngoài một vỉ trứng gà và ít rau củ, không còn gì khác. Đứng chán ngán một lúc, tôi lôi vỉ trứng ra. Chiên trứng chẳng có gì khó. Tôi từng thấy thao tác này ở một khách sạn, khi đầu bếp phục vụ thực khách ăn buffet. Đổ dầu vào chảo, bật bếp lên, chờ dầu trong chảo réo o o thì đập trứng vào. Hai phút là chín. Trông thì có vẻ dễ thế mà khi làm thật vướng víu, khó khăn. Dầu trong chảo quá sôi, bốc khói lên khi tôi đập trứng vào. Thế là một ít dầu bắn tung ra ngoài, liếm vào ngọn lửa, làm nó bùng lên thật cao. Hết cả hồn vía, tôi vội tắt bếp ngay. Tim vẫn còn đập mạnh, tôi đổ món trứng còn sống đến năm mươi phần trăm ra dĩa, tặc lưỡi. Thiện hạ vẫn hút trứng sống đó, có ai chết đâu. Bỏ chút muối tiêu vào, nuốt chửng, thế là xong.

Chỉ chiên mỗi món trứng nửa mùa thôi mà mình mẩy, đầu tóc tôi đã bám mùi bếp núc. Tôi chợt nhớ lời của Thoa nói trước đây khá lâu: “Anh ạ, mình phải lắp hệ thống hút mùi cho nhà bếp thôi. Nhà bếp mình bí quá nên mùi thức ăn bám hết cả vào em mỗi lần nấu nướng đây này”. Tôi đã ậm ừ rồi quên. Mà tại sao những việc thuộc phạm vi Thoa quản lý, cô ấy lại phải hỏi ý kiến tôi làm gì? Cứ làm đi, chi phí tôi sẽ lo, cô ấy ngại gì chứ?

Lên lầu, tôi ngán ngẩm thay quần áo, bước vào phòng tắm. Ra ngoài, lau mình xong, mùi dầu mỡ vẫn phảng phất quanh người. Hóa ra tôi chỉ tắm mà không gội đầu nên cái mùi đáng ghét này vẫn nghiễm nhiên tồn tại. Không lẽ lại chui vào tắm gội lần nữa, tôi tặc lưỡi lần thứ hai, cho qua. Kệ, sáng mai tắm gội trước khi đi làm cũng được.

Ba

Không có Thoa, cái giường trở nên quá rộng. Thế nhưng mùi dầu mỡ trên tóc khiến tôi có cảm giác cô ấy vẫn quay lưng về phía tôi, dáng nằm giận dỗi. Tặc lưỡi lần thứ ba, tôi chuồi người vào trong chăn, nhắm mắt lại. Mấy khi mà vợ bỏ nhà ra đi? Cứ tận hưởng sự tự do cái đã.

Không biết tôi ngủ được bao lâu? Cái cảm giác nhột nhạt như có ai nhìn chằm chằm vào người khiến tôi mở bừng cặp mắt và giật nảy mình. Trong ánh sáng lờ mờ chớp tắt phát ra từ chiếc máy lạnh, trên chiếc ghế ở bàn phấn kê sát đầu giường, một bóng đàn ông cao gầy đang ngồi lù lù với cái đuôi ngoe ngoảy. Tôi có nhìn lầm không, có mơ không? Cắn vào lưỡi và ngồi bật dậy, miệng tôi la lên: “Anh là ai? Sao vào nhà tôi được?” Nhưng không có lời nói nào thoát ra kẽ môi tôi cả. Tôi cũng không hề ngồi dậy được mà nằm như dán xuống giường, không thể nhúc nhích, người lạnh toát. Cảm giác hai hàm răng nghiến vào lưỡi đau điếng cho tôi biết mình không mơ, mình tỉnh. Tôi đang gặp phải cảnh ngộ gì đây?

Như để trả lời cho thắc mắc rối bời của tôi, bóng người ngồi trên ghế hơi chuyển động. Gã nghiêng sang một bên, chồm về phía bàn phấn và thò tay mở hộc tủ. Lấy ra một chiếc giũa, gã thong thả xòe bàn tay ra, chầm chậm giũa từng ngón một. Hai bàn tay to với những móng vuốt nhọn lểu. Cái đuôi của gã dài thượt, có những chấu như gai, chót đuôi bè ra thành hình tam giác, chẳng khác gì chiếc thuổng. Tâm trí tôi la thất thanh: Mình gặp quỷ rồi. Câu niệm “Án ma ni bát mê hồng” không thể bật ra kẽ môi mặc dù tôi rất muốn. Thế rồi như đọc được ý nghĩ của tôi, con quỷ xoay hẳn người ngồi đối diện, đầu cúi xuống gí sát vào mặt tôi: “Cậu niệm chú à? Câu chú ấy chỉ trị được ma quỷ thôi. Còn tớ không phải là quỷ”. “Vậy anh là gì? Là gì?” Tâm trí tôi thảng thốt. Gã nhấc cao đầu hơn một chút, đủ để tôi nhìn rõ khuôn mặt gã. Rồi gã hỏi, trong sự đóng băng cảm giác của tôi: “Sao? Bất ngờ lắm phải không? Giờ thì ta nói chuyện với nhau được rồi chứ?”

Thân thể tôi trong phút chốc nóng bừng lên và lần này tôi ngồi bật dậy được. Miệng tôi la lên: “Không thể như vậy”. Gã nhún vai, tiếp tục giũa những móng vuốt dài nhọn trên bàn tay, cái đuôi hình thuổng của gã đập nhè nhẹ trên nền ván gỗ: “Sao lại không thể? Muốn nhìn kỹ một lần nữa không?” Một quầng sáng đỏ nhợt bỗng bật lên chung quanh gã. Lần này thì tôi không thể hét lên lời nào nữa. Ngồi đong đưa trên chiếc ghế bàn phấn, người đàn ông cao gầy với đôi tay móng vuốt và cái đuôi hình thuổng đang nhìn tôi, chính là tôi.

Bốn

Khi tôi mở mắt ra, bình minh đã lên ngoài cửa sổ. Một cảm giác gần như kiệt lực chiếm hữu con người tôi. Thân thể tôi đau nhừ, những bước chân như có dao đâm dưới gót khi tôi cố gắng bước vào phòng tắm. Thả người vào trong bồn, tôi mở nước thật lạnh, ngâm mười lăm phút cho tỉnh táo. Thật lạ là giấc mơ đêm qua vẫn còn mồn một trong trí tưởng. Mà đó có phải là giấc mơ không? Những ấn tượng quá thật về người đàn ông có cái đuôi hình thuổng khiến tôi hoang mang. Tôi không thể quên được hình ảnh cuối cùng trước khi chìm vào vô thức. Đó là một gương mặt nanh ác, đầy thỏa nguyện. Gương mặt của tôi. Thốt nhiên, tôi rợn người, đưa tay về phía sau lưng, cố vớái chạm vào mỏm xương cụt. Không, nó vẫn nhẵn nhụi, bình thường. Nằm trong bồn nước lạnh mà người tôi bừng bừng như lên cơn sốt. Lập cập ngồi dậy, tôi vội vã lau mình, khoác chiếc áo choàng tắm và bước ra ngoài. Và rồi, chỉ đủ sức lê chân đến bên giường, tôi nằm vật xuống, thiếp đi.

Tiếng chuông điện thoại reo gióng giả như xa như gần khiến tôi choàng tỉnh. Miệng khô, lưỡi đắng, tôi với cầm điện thoại, mở ra, áp vào tai. Giọng cô thư ký thỏ thẻ: “Dạ em đây, anh Định. Sáng nay anh chủ trì cuộc họp lúc mười giờ ở cơ quan. Sao giờ này anh vẫn chưa đến ạ?”. Quái lạ, tôi trả lời có vẻ rất to nhưng sao chỉ nghe được thều thào: “Anh bị ốm rồi. Em thông báo hủy buổi họp, dời sang ngày khác giúp anh”. Cô thư ký tỏ vẻ quan tâm: “Thế ạ? Anh có sao không? Có cần mua thuốc men gì không ạ?” Tôi đáp: “Không. Anh mệt chút thôi”. Bỏ máy xuống, tôi lại thiếp đi trong một giấc mơ chập chờn.

(Số sau đăng hết)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Người đàn ông với cái đuôi hình thuổng (Phần 1)<br><i>Truyện ngắn của</i> Phạm Thị Ngọc Liên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO