Bệnh nhân tên L.V.T., 72 tuổi, ở Hà Nội. Ông T. có tiền sử phát hiện u lympho không hodgkin từ tháng 7 năm 2024, đã điều trị hóa chất 2 đợt, lần gần nhất cách 1,5 tháng.
1 tháng gần đây, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, ăn kém, vàng da, vàng mắt tăng dần, đầy bụng khó tiêu, tiểu sẫm màu, đại tiện phân vàng nên đi khám tại một cơ sở y tế, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi, nhiễm trùng máu, suy gan cấp, u lympho không hodgkin.
Tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, suy hô hấp tiến triển, phải đặt ống nội khí quản, thở máy. Xét nghiệm dịch dạ dày và dịch phế quản người bệnh có nhiều hình ảnh giun lươn, phù hợp bệnh cảnh lâm sàng, qua đó được chẩn đoán: nhiễm giun lươn lan tỏa.
Bệnh nhân được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực với thể trạng suy kiệt, thở máy qua nội khí quản.
Theo bác sĩ Đặng Văn Dương, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân này đang trong quá trình điều trị bệnh nền nặng, phải truyền hóa chất, gây biến chứng suy gan nặng nề và ngoài ra còn gây suy giảm miễn dịch toàn thân nghiêm trọng.
"Do đó, khi bệnh nhân chuyển đến với tình trạng nhiễm trùng nặng, chúng tôi ngay từ đầu đã đánh giá bệnh nhân có nguy cơ nhiễm giun lươn lan tỏa và tiến hành xét nghiệm tìm kiếm. Khi có kết quả xét nghiệm dịch dạ dày và dịch phế quản ra giun lươn đã khẳng định nghi ngờ ban đầu của chúng tôi. Bệnh nhân được khởi động ngay thuốc điều trị giun lươn đặc hiệu kết hợp với kháng sinh phổ rộng", bác sĩ Dương cho biết.
Sau quá trình điều trị, bệnh nhân đã có những chuyển biến rõ rệt. Bác sĩ Đặng Văn Dương thông tin, mặc dù có tiến triển, nhưng quá trình điều trị nhiễm giun lươn lan tỏa còn kéo dài.
"Bình thường, nhiễm giun lươn trên người khỏe mạnh có thể chỉ biểu hiện bệnh nhẹ như: rối loạn tiêu hóa, mẩn ngứa, mệt mỏi, chán ăn… Tuy nhiên, trên những người bệnh suy giảm miễn dịch, dùng thuốc corticoid hay thuốc ức chế miễn dịch kéo dài có thể bị hội chứng tăng nhiễm giun lươn hoặc nhiễm giun lươn lan tỏa, ấu trùng giun xâm nhập vào nhiều cơ quan như tim, gan, phổi, thận, não …, kèm theo các biểu hiện nhiễm khuẩn nặng, đe dọa tính mạng và điều trị rất khó khăn, tốn kém", bác sĩ Dương khuyến cáo.
Theo bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những trường hợp nên đi khám tầm soát giun lươn gồm: người có làm công việc thường xuyên tiếp xúc da trần với đất, cát có nhiễm phân người; người có biểu hiện sẩn ngứa, phát ban nhiều đợt mà không rõ căn nguyên; người ban đầu có biểu hiện phát ban sẩn ngứa ngoài da, sau 1-2 tuần có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, xen kẽ với táo bón kéo dài trên 2 tuần; người suy giảm miễn dịch, điều trị corticoid kéo dài, có nhiều đợt nhiễm trùng viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết.
Để dự phòng nhiễm giun lươn, người dân cần vệ sinh cá nhân, ăn uống hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi. Bên cạnh đó, nâng cao sức đề kháng, luyện tập thể thao, ăn uống đủ chất. Những người thường xuyên tiếp xúc với đất trong lúc làm việc nên mang trang bị phòng hộ: găng tay, giầy dép, ủng…