Người đàn ông hoảng hốt khi phát hiện giun rồng dài 70cm ký sinh ở chân
Sau lớp mủ tại vết thương trên chân, bệnh nhân kéo được sợi rất dài và giật mình phát hiện đó là một loại ký sinh trùng.
Bất ngờ kéo được con giun rồng dài 70cm từ dưới da
Lớn lên ở vùng rừng núi, anh N.X.Q. (43 tuổi, ở An Thịnh, Văn Yên, Yên Bái) và gia đình có thói quen ăn gỏi sống, rau sống, uống nước suối trên rừng và không mảy may nghĩ mình sẽ nhiễm ký sinh trùng.
Đang làm thợ hồ ở Hà Nội, 2 tháng trước, anh thấy ở chân nổi ngứa 1 - 2 hôm, sau khi dứt ngứa thì không sốt, không đau nhưng có sưng và phát mẩn đỏ. Sau đó vết thương sưng lên, tạo thành khối mủ cứng và anh nghĩ đó là tình trạng phát nhọt bình thường.
Khi vết sưng mềm ra, nặn được, sau lớp mủ, anh kéo được một sợi rất dài và giật mình phát hiện đó là một loại ký sinh trùng.
"Có lần tôi kéo được con thân dẹt, tôi nghĩ đến sán. Lần khác, tôi kéo được một loại giun trắng nhỏ nằm ở đầu gối, kéo được dài chừng 70cm thì đứt", anh Q. kể.
Nghe thông tin ở làng bên cũng có người nhiễm giun rồng, anh lên mạng tìm hiểu và tự chẩn đoán mình cũng mắc bệnh tương tự. Lo sợ không kéo được hết giun ra khỏi cơ thể, anh đến khám ở tuyến huyện và được chuyển lên tuyến tỉnh, anh được nhân viên y tế một lần nữa rút ra được một con giun rồng.
"Có lần tôi rút ra được hết một con giun, đầu còn ngoe nguẩy", anh Q. nhớ lại.
.jpg)
Anh N.X.Q. là trường hợp điển hình mới nhất được phát hiện mắc giun rồng tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.
Kết quả siêu âm những nốt tổn thương cho thấy hình ảnh rõ nét của giun rồng nằm ẩn dưới da. Bệnh nhân đã được bác sĩ kê đơn thuốc, khai thác tiền sử bệnh tật và được dặn kỹ lưỡng về uống thuốc điều trị.
Chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu với giun rồng
Theo TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, hiện nay Việt Nam chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu với giun rồng, mà chỉ điều trị triệu chứng.
Trước hết, bác sĩ phải tìm cách loại bỏ toàn bộ con giun và chăm sóc vết thương. Phương pháp điều trị tối ưu là người bệnh không để vết thương tiếp xúc vào nguồn nước sinh hoạt; rửa sạch chỗ tổn thương, sau đó có thể ngâm vị trí tổn thương trong nước bằng dụng cụ sinh hoạt (xô, chậu,..) để kích thích giun co bóp và giải phóng ấu trùng.
Tiếp đó, quấn con giun quanh một cuộn gạc hoặc một chiếc que để duy trì độ căng của con giun và kích thích con giun trồi ra, đồng thời ngăn giun chui vào bên trong.
Bác sĩ Thọ cho biết, do giun dài tới hàng mét nên việc kéo toàn bộ giun có thể mất vài ngày đến vài tuần. Khi kéo giun ra, cần lấy từ từ để tránh làm đứt giun.
Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh tại chỗ vết thương để phòng nhiễm trùng do vi khuẩn thứ cấp và băng vết thương lại; sử dụng các thuốc chống viêm, giảm đau, giảm phù nề như aspirin hoặc ibuprofen, alphachymotrypsin... cho đến khi toàn bộ con giun được lấy ra hết.

Theo bác sĩ Thọ, nguyên nhân của bệnh giun rồng đang được điều tra dịch tễ, nhưng các bác sĩ đang nghiêng về khả năng nhiễm ký sinh trùng này từ việc uống nước suối có bọ chét.
Người nhiễm giun rồng hiện tại không có triệu chứng đặc hiệu. Có người sẽ có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, mẩn đỏ, tê cứng khu trú tại chỗ, có cơn đau dữ dội đặc biệt khi xảy ra tổn thương ở các khớp.
"Nếu không có tác động, giun sẽ ra khỏi cơ thể sau 3-6 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp, giun rồng ký sinh dưới da sẽ làm tình trạng viêm tại chỗ nặng hơn. Một số con có thể vôi hóa tạo thành ổ áp xe", bác sĩ Thọ nói.
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, giun rồng (Dracunculus sp) từng được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đã xóa bỏ ở Việt Nam từ năm 1998. Tuy nhiên từ 2020 đến nay, gần 30 ca bệnh đã xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương như Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa, Yên Bái.
Do giun rồng không có vaccine phòng bệnh và chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, bác sĩ Thọ khuyến cáo cần ngăn ngừa ô nhiễm nước uống bằng cách bảo đảm những người bị nhiễm bệnh và động vật bị nhiễm bệnh (chó và mèo) không lội xuống nước; sử dụng nước sạch, nước bảo đảm vệ sinh.
Các địa phương và cơ quan truyền thông cần tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe và thay đổi hành vi, thực hiện ăn chín, uống chín để phòng các bệnh ký sinh trùng.
Đặc biệt, việc đi khám tại đúng chuyên khoa có giá trị để phát hiện được đúng bệnh, từ đó có phương án điều trị kịp thời.
"Dù bệnh không gây ra tử vong, nhưng sẽ gây tình trạng khó chịu cho người bệnh, thậm chí có người bị đau đớn dữ dội", bác sĩ Thọ cho hay.