Sức khỏe

Người dân làm gì để phòng bệnh sau mỗi đợt bão lũ?

Song Lê 23/07/2025 07:08

Mùa mưa lũ, mối nguy không kém phần thiệt hại về người và của, chính là nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh truyền nhiễm trong và sau khi các cơn bão đi qua.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, trước khi rời khỏi biên giới Việt Nam sang Lào và suy yếu vào rạng sáng ngày 23/7, bão số 3 đã trút một lượng mưa vô cùng lớn trong những ngày qua trên địa bàn các tỉnh, Ninh Bình, Thanh Hoá và Nghệ an. Mưa lũ, ngập lụt chứa nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa lụt bão, mưa lũ là tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết…

Một số bệnh có thể lây lan nhanh thành ổ dịch nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Đáng lo ngại, nhiều triệu chứng ban đầu thường bị người dân bỏ qua hoặc tự điều trị tại nhà, dễ dẫn đến biến chứng nặng.

bna_can-bo-tram-y-te-xa-thanh-chi-ve-sinh-moi-truong-sau-mua-lu-anh-thanh-chung-copy.jpg
Người dân Nghệ An thực hiện nghiêm túc nguyên tắc nước lũ rút tới đâu, vệ sinh tới đó

Vậy người dân cần làm gì để phòng bệnh hiệu quả sau khi cơn bão đi qua?

Theo tài liệu của ngành y tế, trước hết, người dân cần giữ gìn vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, không ăn gia súc, gia cầm chết. Khi khu vực bị ngập, chia cắt, hãy ưu tiên thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói an toàn như mì gói, lương khô, nước đóng chai.

Thứ hai, hãy bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Nếu giếng khoan, giếng khơi bị ngập, cần thau rửa, lọc và khử trùng theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không nên dùng nước bẩn để rửa mặt, tắm, giặt quần áo hay để trẻ em chơi đùa.

Thứ ba, người dân cần tích cực phòng sốt xuất huyết, một dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên cả nước. Diệt lăng quăng, đậy kín các dụng cụ chứa nước, loại bỏ vật dụng có thể đọng nước và ngủ màn kể cả ban ngày là những biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả.

Đối với bệnh ngoài da và đau mắt đỏ, tuyệt đối tránh để cơ thể tiếp xúc lâu với nước ngập. Sau khi đi qua vùng nước lũ, nên rửa sạch tay chân bằng nước sạch, lau khô kẽ tay, kẽ chân. Không dùng chung khăn mặt, chậu rửa với người khác.

Điều quan trọng nhất là khi có biểu hiện nghi ngờ bệnh - sốt, tiêu chảy, nổi ban, đau mắt, ho sốt kéo dài… người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. Không tự ý dùng thuốc hay điều trị tại nhà vì có thể khiến bệnh diễn tiến nặng và gây lây lan trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, đối với bệnh thương hàn, là bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ, ngập lụt, Bộ Y tế cho biết, đây là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella gây ra. Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, táo bón hoặc tiêu chảy và ho khan. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhẹ hoặc không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập cơ thể người cảm thụ, trung bình từ 8 đến 14 ngày.

Bộ Y tế khuyến cáo, cần tăng cường giám sát dịch tễ học tại các ổ dịch cũ, các vùng có nguy cơ cao (vùng đông dân cư, điều kiện vệ sinh môi trường còn nhiều tồn tại, sử dụng nước sông, ao, hồ, vùng có bệnh lưu hành)... để phòng, chống bệnh thương hàn. Bên cạnh đó cần thực hiện thông tin báo cáo tình hình bệnh theo quy định của Bộ Y tế; cải thiện hệ thống cung cấp nước sinh hoạt: Xử lý chất thải, đặc biệt là tăng cường các biện pháp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; chuẩn bị thuốc, hóa chất, trang thiết bị, máy phun phòng. chống dịch.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về vệ sinh phòng bệnh trong cộng đồng, thực hiện ăn chín uống sôi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Người dân làm gì để phòng bệnh sau mỗi đợt bão lũ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO