Cưỡng chế tháo dỡ nhà khi người dân đi dự tòa?
Mặc dù ông Lê Văn Cảnh và ông Hà Văn Hải (cùng ngụ khu phố 7, phường Dương Đông) cất nhà ở ổn định nhiều năm tại địa phương. Bất ngờ tháng 8.2022, cán bộ địa chính phường Dương Đông đến lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi bao chiếm đất Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Kèo do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (CIC Group) làm chủ đầu tư.
Sau đó, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc ban hành các quyết định xử phạt hành chính đối với ông Cảnh và ông Hải về hành vi bao chiếm đất của dự án và buộc ông Cảnh trả lại 136m2 đất và ông Hải trả lại 242m2 đất cho CIC Group.
Tuy nhiên, ông Hải và ông Cảnh không đồng ý với quyết định xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc nên cả hai khởi kiện các quyết định hành chính này ra TAND tỉnh Kiên Giang. Mặc dù tòa án đang thụ lý, nhưng Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc tiếp tục ban hành các quyết định cưỡng chế, buộc ông Cảnh, ông Hải trả lại đất cho CIC Group.
Đến ngày 14.8.2024, lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ nhà ông Cảnh, ông Hải theo thông báo cưỡng chế trước đó, mặc dù lúc cưỡng chế, ông Hải và ông Cảnh đang ở TAND tỉnh Kiên Giang.
Ông Hải cho biết, ngày 8.8, ông hay tin UBND TP. Phú Quốc ra thông báo cưỡng chế nhà, dù đang ở quê thọ tang người thân, ông Hải cấp tốc trở lại Phú Quốc. Ngày 12.8, ông đến UBND TP Phú Quốc nộp đơn xin tạm hoãn cưỡng chế vì ngày 14.8, ông Hải được TAND tỉnh Kiên Giang triệu tập mở phiên tòa xét xử vụ kiện hành chính với tư cách là nguyên đơn khởi kiện; bị đơn là Chủ tịch UBND TP Phú Quốc. Tuy nhiên, Văn phòng UBND TP. Phú Quốc không nhận đơn.
Chiều cùng ngày, UBND TP. Phú Quốc đến nhà giao thông báo cưỡng chế cho ông Hải. Ông Hải không nhận thông báo cưỡng chế và ghi rõ lí do phải tham dự phiên tòa cùng ngày cưỡng chế (14.8). Chiều ngày 13.8, khi ông Hải đến TP. Rạch Giá, thư ký tòa thông báo cho ông biết, phiên tòa tạm hoãn vì bị đơn có đơn xin tạm hoãn. Lúc này, không còn tàu để trở lại Phú Quốc. Do đó, sáng 14.8, khi ông trên đường về TP. Phú Quốc, lực lượng cưỡng chế đã đến tháo dỡ nhà của ông.
Còn trường hợp ông Lê Văn Cảnh, ngày 13.8, ông Cảnh đến TAND tỉnh Kiên Giang nộp đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của thẩm phán. Tuy nhiên, sáng 14.8, dù ông không có mặt tại nhà nhưng lực lượng chức năng vẫn tiến hành cưỡng chế như thông báo trước đó.
Hiện ông Cảnh, ông Hải và nhiều hộ dân có đất bị thu hồi trong Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Kèo đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, đề nghị xem xét lại tính pháp lý của dự án, công tác đền bù, hỗ trợ cho người dân, khi dự án này không thuộc trong những trường hợp Nhà nước thu hồi đất được quy định tại Điều 40, Luật đất đai 2003.
Liên quan việc cưỡng chế này, UBND TP. Phú Quốc cho rằng, UBND phường Dương Đông đã cử Công chức Địa chính - Xây dựng phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, lập biên bản đo đạc, biên bản làm việc và biên bản vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Cảnh và ông Hà Văn Hải.
Trong quá trình thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan để xác lập hồ sơ xử lý vi phạm, các cá nhân trên không cung cấp được giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định, không có nguồn gốc và quá trình sử dụng đất. Diện tích đất ông Hải và ông Cảnh đang sử dụng là của CIC Group.
Từ những nội dung trên, UBND phường Dương Đông lập biên bản vi phạm hành chính và trình UBND TP. Phú Quốc ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm của ông Lê Văn Cảnh và ông Hà Văn Hải là đúng theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến phản ánh của ông Cảnh và ông Hải cho rằng, TAND tỉnh Kiên Giang đang thụ lý, UBND TP. Phú Quốc cưỡng chế là trái pháp luật, lãnh đạo UBND TP Phú Quốc cho rằng, ông Hải và ông Cảnh khởi kiện quyết định của Chủ tịch UBND thành phố, tuy nhiên căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì đến thời điểm cưỡng chế TAND tỉnh không ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với việc quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc.
Do đó Chủ tịch UBND thành phố đã tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đúng theo quy định pháp luật.
Doanh nghiệp than khó vì dự án kéo dài 21 năm
Lãnh đạo CIC Group cho biết, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Kèo đã được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương cho CIC Group triển khai từ năm 2003, khi đó diện tích lên đến 6,4ha tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (nay là khu phố 7, phường Dương Đông, TP Phú Quốc).
Tuy nhiên, ngày 17.4.2007, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 654/QĐ-UBND về việc thu hồi đất diện tích 44.000m2 (gồm: 38.100m2 đất của 35 hộ dân đang sử dụng, 1.000m2 đất của Trạm khí tượng thủy văn huyện và hơn 4.800m2 đất nhà nước quản lý nhưng người dân bao chiếm) giao cho UBND huyện Phú Quốc quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Kèo.
Tiếp sau đó, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành các quyết định hành chính, phê duyệt phương án đền bù, giải tỏa, hỗ trợ các hộ dân có đất trong dự án. Đến ngày 21.12.2007, UBND huyện Phú Quốc (nay là TP. Phú Quốc) ban hành các quyết định thu hồi đất đối với các hộ dân.
Lãnh đạo CIC Group cho biết, đến cuối tháng 5.2024, doanh nghiệp đã chi 15,3 tỷ đồng, bằng 100% số tiền bồi thường giải tỏa di dời các hộ dân và một đơn vị trong đất dự án. Trong đó, doanh nghiệp chi trực tiếp cho một đơn vị và 32 hộ dân với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng; doanh nghiệp chuyển cho Trung tâm phát triển quỹ đất hơn 10,4 tỷ đồng để Trung tâm chi trả cho người dân.
Dù dự án trải qua 21 năm, nhưng đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang mới giao đất sạch ngoài thực địa cho CIC Group (năm 2012) với diện tích hơn 6.400m2/43.300m2, đạt tỷ lệ hơn 14,8%.
Phó Tổng giám đốc CIC Group Trần Quốc Trưởng chia sẻ, với diện tích đất sạch được giao, khó lòng cho doanh nghiệp triển khai dự án như quy hoạch. Đây là một trong những lý do dự án kéo dài 21 năm qua. Và đến nay, doanh nghiệp đang gặp khó khi tiền sử dụng đất tăng lên 70 triệu đồng/m2 (vị trí 1) thay vì 1,2 triệu đồng/1m2 vào năm 2012.
Theo ông Trưởng, thời gian qua doanh nghiệp và chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong khâu đền bù, bàn giao mặt bằng nên xảy ra một số trường hợp, người dân nhận tiền bồi hoàn rồi, không bàn giao đất. Hoặc có trường hợp nhận tiền bồi hoàn, nền tái định cư xong, mang đất bán lại cho người khác… Cũng không ít trường hợp bao chiếm đất của doanh nghiệp, nhất là thời điểm đất Phú Quốc nóng lên vào năm 2018.
Trước ý kiến về vị trí đất dự án “xê dịch” về phía đất người dân, lãnh đạo CIC Group cung cấp Quyết định số 654/QĐ-UBND, ngày 17.4.2007 do Chủ tịch UBND tỉnh ký về việc thu hồi diện tích 44.000m2 đất (tại khu phố 7, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc) giao cho UBND huyện quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Kèo. Tại quyết định này thể hiện tứ cạnh, có vị trí tọa độ rõ ràng nên đất dự án không thể tùy tiện “xê dịch”.
Để thực hiện Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Kèo, ngày 17.4.2007, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 654/QĐ-UBND về việc thu hồi đất diện tích 44.000m2 tại khu phố 7, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (nay là phường Dương Đông, TP. Phú Quốc), tỉnh Kiên Giang giao cho UBND huyện (nay là UBND thành phố) quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Kèo.
Ngày 20.12.2007, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 2654/QĐ-UBND về việc phê duyệt tổng thể bồi thường khu vực quy hoạch đầu tư xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Kèo tại khu phố 7, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Ngày 25.12.2007, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký ban hành Quyết định số 2708/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường đất đai, hoa màu, vật kiến trúc giải phóng mặt bằng thực hiện quy hoạch khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Kèo.
Căn cứ vào các quyết định nêu trên, UBND huyện Phú Quốc ban hành các quyết định thu hồi đất của người dân để phục vụ Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Kèo. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không đồng ý và khởi kiện ra tòa, yêu cầu tòa án tuyên hủy các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Phú Quốc.
Tại các cấp tòa (TAND huyện Phú Quốc và TAND tỉnh Kiên Giang) năm 2015, tòa án nhận định, các quyết định do Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang được ký với tư cách cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (không phải UBND tỉnh Kiên Giang) là không đúng thẩm quyền nên không có giá trị pháp lý. Từ đó, các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Phú Quốc không đúng trình tự, trái quy định pháp luật nên tòa án tuyên hủy các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Phú Quốc.
Trên cơ sở đó, người dân đề nghị ngành chức năng tỉnh Kiên Giang xem xét lại tính pháp lý của Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Kèo khi các quyết định thu hồi đất của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và UBND huyện Phú Quốc ban hành trái quy định pháp luật.
Về nội dung này, UBND TP. Phú Quốc cho rằng, ngày 7.10.2016, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 2260/QĐ-UBND về việc đính chính thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất số 654/QĐ-UBND ngày 17.4.2017, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư số 2654/QĐ-UBND ngày 20.11.2007 và Quyết định số 2708/QĐ-UBND ngày 27.12.2007 đối với dự án Khu biệt thự cao cấp Bà Kèo tại khu phố 7, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Vì vậy, UBND TP. Phú Quốc khẳng định, các quyết định thu hồi đất, giao đất và quyết định phê duyệt phương án đã được điều chỉnh đúng theo thẩm quyền của UBND tỉnh Kiên Giang là đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Tuy nhiên người dân cho rằng, các quyết định hành chính ban hành từ năm 2007 nhưng hơn 9 năm sau mới được UBND tỉnh Kiên Giang ban hành văn bản đính chính (thay vì thu hồi) có đúng quy định pháp luật?