Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước:

Người đại biểu của dân, vì dân

- Thứ Bảy, 09/01/2021, 07:16 - Chia sẻ
Với hơn 70 năm tuổi Đảng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Ông không chỉ là vị tướng mẫu mực, người đảng viên chân chính mà còn là người đại biểu được cử tri, nhân dân yêu mến, tin cậy.

Cuộc đời binh nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Thước sinh ngày 3.2.1926 tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tham gia Việt Minh từ tháng 4.1945, sau khi giành và xây dựng chính quyền tại địa phương, ông được giao làm Phó Bí thư rồi Bí thư huyện Đoàn Nghi Lộc, động viên thanh niên tòng quân ra mặt trận chống thực dân Pháp xâm lược và xây dựng, củng cố hậu phương.

	Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tại Lễ đón nhận Danh hiệu ANh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tại Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Đến đầu năm 1949, khi cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, ông tình nguyện nhập ngũ. Cuối năm 1950, ông được phân công vào chiến trường Bình - Trị - Thiên. Đây là giai đoạn tham gia thực tế chiến đấu đầu tiên của ông mà dấu ấn lớn nhất là sự gắn bó với nhân dân, làm tốt công tác dân vận ở vùng địch hậu, cùng vượt qua muôn vàn khó khăn giữ vững địa bàn phát động kháng chiến giành thắng lợi. Tiếp theo là chiến dịch Trung Hạ Lào cuối năm 1953, đầu năm 1954, với cương vị Đại đội phó rồi Đại đội trưởng, ông đã chỉ huy đơn vị phối hợp với các đơn vị bạn và bộ đội Pa - thét Lào chiến đấu dũng cảm, mưu trí tiêu diệt nhiều tiểu đoàn lính Âu - Phi, bắt tù binh, thu vũ khí của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quân ủy Trung ương và Tổng Tư lệnh giao là kìm chân lực lượng lớn chủ lực của địch từ xa, tạo điều kiện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ giành thắng lợi.

Sau Hiệp định Geneve, cả hai Trung đoàn 101 và 66 được lệnh hành quân về Việt Nam, đồng thời hỗ trợ hai tiểu đoàn bộ đội Pa - thét Lào cùng vượt giới tuyến đi qua Việt Nam để tập kết lên Thượng Lào. Ông cùng 2 cán bộ chính trị được giao nhiệm vụ đi cùng và tổ chức cho bộ đội, cán bộ, nhân dân của bạn về Việt Nam an toàn. Khó khăn là đoàn của bạn có nhiều gia đình quân nhân, cả phụ nữ và trẻ em, lương thực, thuốc men thiếu thốn, lại gặp mùa mưa lũ, chốt kiểm soát của quốc tế nghiêm ngặt. Với tinh thần đùm bọc yêu thương như anh em một nhà, đoàn kết quyết tâm vượt khó, đồng thời với chút vốn tiếng Pháp được vận dụng sáng tạo, khôn ngoan, ông đã đưa đoàn của bạn hành quân tập kết an toàn, đúng kế hoạch.

Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang ở thời kỳ ác liệt nhất, ông được điều động vào chiến trường Tây Nguyên. Mười năm gian khổ cùng bộ đội Mặt trận B3 - Tây Nguyên, cùng nhân dân các dân tộc chiến đấu giành đất, giữ dân với những chiến thắng vang dội ở cứ điểm A Sầu, Sa Thầy, Pô Cô, Đắk Tô - Tân Cảnh, bắc Kon Tum… Có những lần ông nhận nhiệm vụ đột xuất của lãnh đạo Mặt trận Tây Nguyên dẫn Trung đoàn 24 hành quân khẩn cấp tham gia “Mặt trận An Sơn” ở Hạ Lào, xuôi dòng Sê-Kông giải phóng thị xã Stung-treng, Đông bắc Campuchia, rồi nhận lệnh trở lại Tây Nguyên với nhiệm vụ khác khó khăn hơn: Chỉ huy hành quân chiến đấu, phối hợp giải phóng tỉnh A-tô-pư và một vùng rộng lớn trên cao nguyên Bô-lô-ven, ổn định tình hình nhân dân, tạo thế liên hoàn chiến lược Trung Đông Dương, giữ vững và mở rộng hành lang an toàn cho đường Hồ Chí Minh, bảo đảm vận tải cung cấp hậu cần thông suốt vào Nam. Trung đoàn 24 do ông chỉ huy chiến đấu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào cùng tặng Huân chương. Đến chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, ông là Trưởng phòng tác chiến của Mặt trận. Tiếp đó, ông cùng Quân đoàn 3 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam; chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc rồi trở về lãnh đạo chỉ huy Quân khu 4 quê hương…

Gần 50 năm quân ngũ, đã trải qua hầu hết chiến trường ác liệt, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước luôn yêu thương, gần gũi cấp dưới và gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ, trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Dù ở hoàn cảnh nào, phẩm chất nổi bật ở ông là chiến đấu và chỉ huy chiến đấu mưu trí, dũng cảm, chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Những năm tháng làm đại biểu Quốc hội

Những năm tháng ông là đại biểu Quốc hội (Khóa VIII, IX và X) là giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới, đất nước còn nhiều khó khăn, hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có Quốc hội cũng đang đổi mới. Ông đã có nhiều đóng góp trong xây dựng pháp luật hay đánh giá sắc sảo về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, đề xuất chính sách, nhất là chính sách với hậu phương quân đội, với thương bệnh binh và cựu chiến binh. Ông là đại biểu luôn tích cực phát biểu và nổi tiếng với phong cách thẳng thắn, quyết liệt. Nhiều năm trước trong Quốc hội và cả những người quan tâm theo dõi hoạt động của Quốc hội vẫn thường có câu “nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”, chính là vì sự thẳng thắn, quyết liệt như thế.

Ông luôn tâm niệm, với cương vị là đại biểu của nhân dân, do nhân dân tín nhiệm bầu ra, dù là đại biểu kiêm nhiệm còn phải lo nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác, nhất là khi làm Tư lệnh Quân khu thì vẫn phải hoàn thành tốt nhất, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Ông đã tìm hiểu, tự học hỏi, nghiên cứu nhiều tài liệu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là lắng nghe từ thực tiễn cuộc sống. Môi trường dân sự và cuộc sống người dân khác nhiều với nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng Quân đội nên ông tăng cường tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, cả cử tri Quân đội và cử tri các vùng dân cư với những đặc thù kinh tế, văn hóa khác nhau, cả các kênh báo chí truyền thông. Từ đó, thông tin ông nhận được đa dạng, phong phú, đa chiều và ông phát huy khả năng tư duy tham mưu trong chiến đấu trước đây để phân tích sàng lọc, đi đến nhận định khách quan, phát biểu sâu sát hơn, được cử tri tin tưởng và nhiều đại biểu khác kính nể.

Tại các phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Quốc Thước thường hỏi những câu “hóc búa”, nêu những vấn đề nóng và trúng. Nhớ có lần ông nêu vấn đề thanh toán tiền đường điện nông thôn do nhân dân trước đây tự bỏ ra làm, nay ngành điện chuyển sang kinh doanh, yêu cầu phải bồi hoàn cho dân. Qua nhiều kỳ họp của hai nhiệm kỳ khóa IX và khóa X mà Bộ Năng lượng (sau này là Bộ Công thương) chưa giải quyết đến nơi đến chốn, ông đã đề nghị thẳng lên Thủ tướng phải trả lời công khai trước cử tri. Thủ tướng trả lời Nhà nước sẽ bồi hoàn cho dân để đưa vào đầu tư cơ sở hạ tầng cho dân, cán bộ không được bớt xén. Thế là dân yên tâm, càng quý đại biểu vì dân và tin ở hoạt động của Quốc hội.

Nguyễn Nhân Tỏ