Người Chăm không ở nhà Chăm
Do điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, nhà truyền thống của người Chăm đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà bê tông, tường gạch, mái ngói, tôn… Ngay ở các địa phương có người Chăm sinh sống, chỉ còn một vài gia đình giữ được 2 - 3 ngôi nhà trong không gian truyền thống. Nhiều giá trị văn hóa của người Chăm, vì thế, cũng đang mất dần.
Biến đổi mạnh mẽ
Theo nhà nghiên cứu văn hóa người Chăm Sử Văn Ngọc, khuôn viên nhà người Chăm có 5 hoặc 7 ngôi nhà nhỏ, do quan niệm bàn tay có 5 ngón hoặc khuôn mặt có 2 mắt, 2 lỗ mũi, 2 tai và 1 miệng. Xã hội người Chăm phân thành các tầng lớp quý tộc khá giả, bình dân và nghèo nên khuôn viên nhà người Chăm cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố này. Trước đây khuôn viên nhà Chăm có thể có một hay vài gia đình chung sống. Một gia đình Chăm ăn nên làm ra thường có 5 căn, tùy công dụng của nó, được bố trí khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay điều kiện kinh tế - xã hội đã làm biến đổi ngôi nhà truyền thống của người Chăm. Họ không còn làm nhà bằng ván, tường bằng đất, mái lợp tranh... mà thay thế bằng bê tông, tường gạch, mái ngói, tôn...
Ngay ở địa phương người Chăm sinh sống cũng không còn khuôn viên nhà người Chăm nào có đầy đủ các ngôi nhà truyền thống, chỉ còn một vài gia đình giữ lại được hai hoặc ba ngôi nhà nhỏ. Ông Trượng Đến, thôn Bầu Trúc, thị trấn Phước Dân, Ninh Thuận cho biết: “Ở thị trấn tôi không còn nhà truyền thống giống như ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nữa. Gia đình tôi còn giữ lại được 3 ngôi nhà giống nhà nhưng cũng đã lợp ngói, tôn, biến đổi từ nhà có nóc thành nhà một mái đơn giản”. Gia đình nhà nghiên cứu Sử Văn Ngọc cũng chỉ còn một ngôi nhà truyền thống của cha mẹ để lại, ông đang ở trong ngôi nhà khác hoàn toàn. “Hiện nay, nhà của người Chăm đã bị biến đổi nhiều, rất khó tìm được một ngôi nhà đúng nét văn hóa Chăm với mọi chi tiết hoàn thiện, đầy đủ như ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam”.
![]() Nhà Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam |
Phân tích nguyên nhân biến đổi này, TS. Vũ Hồng Thuật (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) cho hay, kể từ năm 1976, các kiến trúc ở Ninh Thuận hầu như không dùng mái tranh mà chủ yếu sử dụng tôn khi sân bay Phan Rang cung cấp vật liệu để lợp mái nhà. Hơn nữa, khu vực này khi đó nằm trong vùng chiến tranh nên không còn nhiều nhà gỗ. Nhà người Chăm từ sau ngày đất nước thống nhất đã thu nhỏ lại cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Mái nhà cũng được thay bằng nguyên liệu mới, kết cấu khung nhà cũng đổi thay đáng kể.
Nhà Chăm ở... Hà Nội
Để lưu giữ khuôn viên nhà truyền thống của người Chăm, nhóm chuyên gia của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nghiên cứu, khảo sát, điền dã trong gần 2 năm. Khuôn viên nhà người Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội) hoàn thành năm 2006, do chính người Chăm đến từ Ninh Thuận thực hiện, gồm 5 ngôi nhà chính và 2 ngôi nhà phụ: sang gin (nhà bếp), sang ye (nhà tục), sang lâm (nhà làm khi con gái lớn lấy chồng), sang dâu (nhà làm khi con gái thứ 2 lấy chồng), sang ton (nhà bố mẹ, người già hoặc người có chức sắc ở), và 2 nhà phụ để dụng cụ sản xuất. Tất cả nguyên vật liệu từ gỗ, tranh tre, ngói và cả những tảng đá làm trụ đỡ sàn đều được mang từ Ninh Thuận về Hà Nội phục dựng. Trong đó đáng chú ý là ngôi nhà sang lâm của một ông quan huyện ở Ninh Phước, có tuổi đời khoảng 100 năm. Đây là một trong 4 ngôi nhà sang lâm cổ còn lại ở Ninh Thuận và hầu như giữ nguyên những nét đặc trưng nhà sang lâm truyền thống của người Chăm.
Khuôn viên tái hiện nguyên trạng yếu tố dân tộc học và yếu tố bảo tàng học, thể hiện kiến trúc và lối sống đặc sắc của người Chăm, một dân tộc theo chế độ mẫu hệ nhưng không phải mẫu quyền. “Chúng tôi đã lấy nguyên trạng những ngôi nhà có lý lịch cụ thể để đưa về bảo tàng. Do vậy, trong khuôn viên nhà Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, 6 ngôi nhà, kể cả nhà công cụ đều lợp tranh, nhưng lại có một nhà ngói, đúng như nguyên trạng của nó” - TS. Vũ Hồng Thuật cho biết.
Vừa qua, 15 thợ ở thôn Bầu Trúc, thị trấn Phước Dân, Ninh Thuận đã được mời đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để sửa chữa định kỳ toàn bộ khuôn viên nhà của người Chăm. Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Võ Quang Trọng cho rằng, thay đổi của nhà truyền thống người Chăm là tất yếu, vì vậy quá trình sửa chữa, bảo tồn ngôi nhà tại Bảo tàng tạo cơ hội các cho thế hệ dân địa phương tiếp thu, gìn giữ di sản của cha ông, để việc kế tục truyền thống không bị ngắt quãng. Việc tu sửa lần này cũng tạo ra lớp thợ địa phương biết sửa chữa và làm nhà truyền thống. Qua đây, họ sẽ hiểu được giá trị đặc sắc của kiến trúc nhà Chăm nói riêng và văn hóa Chăm nói chung, làm giàu thêm sắc thái của văn hóa đa dân tộc Việt Nam.