Người cao tuổi khó tiếp cận vốn vay tạo việc làm

- Thứ Tư, 18/11/2020, 10:49 - Chia sẻ
Hiện nay, vấn đề đảm bảo sinh kế cho người dân đang được triển khai trên phạm vi cả nước với nhiều cấp độ, hướng tiếp cận đa dạng. Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi về vay vốn, tạo việc làm cho người cao tuổi vẫn còn là khoảng trống. Điều này đặt ra thách thức rất lớn, nhất là hiện nay Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Khó tiếp cận chính sách

Nhận thức được xu hướng già hóa dân số và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng, năm 2000 Chính phủ đã ban hành Pháp lệnh người cao tuổi. Đến năm 2010, Pháp lệnh Người cao tuổi đã được thay thế bằng Luật Người cao tuổi - 2010 nhằm bảo đảm quyền lợi của người cao tuổi và quy định trách nhiệm của Nhà nước cũng như các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân đối với người cao tuổi. Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam 2012-2020 với mục tiêu tăng cường vai trò của người cao tuổi và nâng cao chất lượng chăm sóc đối với người cao tuổi. Những quy định này thể hiện sự quan tâm của nhà nước thông qua việc ban hành các chính sách với người cao tuổi nhằm tạo cơ sở pháp lý đối với các hoạt động liên quan đến người cao tuổi.

Theo thống kê năm 2019 của Tổng cục thống kê, hiện cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có 7 lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Điều đáng nói, đa số người cao tuổi phải tự tìm việc làm vì hiện nay chưa có các dịch vụ, trung tâm giới thiệu việc làm dành riêng cho người cao tuổi.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay một bộ phận không nhỏ người cao tuổi không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống. Điều đáng nói, người cao tuổi không biết tìm việc làm ở đâu. Bên cạnh đó, nhiều người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu vốn. Bởi, chưa có chính sách cho người cao tuổi vay vốn; người cao tuổi muốn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh phải thông qua các tổ chức khác như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… hoặc vay vốn từ quỹ của Hội.

Theo TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công đoàn, mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều các văn bản, chính sách liên quan đến người cao tuổi nhưng ở nước ta hiện nay vẫn chưa có chính sách cụ thể nhằm tạo việc làm cho người cao tuổi. Trong khi đó, tại một số nước trong khu vực đã hình thành các trung tâm giới thiệu việc làm ở tất cả các đơn vị hành chính cấp thôn, quận và thành phố. Nhiệm vụ của trung tâm là giới thiệu những công việc đơn giản, ít tốn thời gian cho những người cao tuổi sống trong khu vực hành chính mình quản lý. Ở Việt Nam, mặc dù các trung tâm giới thiệu việc làm có ở khắp các tỉnh, thành phố nhưng thiếu phần giới thiệu việc làm dành riêng cho người cao tuổi. 

Môi trường lao động cho người cao tuổi

Thực tế cho thấy, phần lớn, người cao tuổi tìm được việc là do mối quan hệ quen biết hoặc do người thân giới thiệu chứ hiện chưa có kênh thông tin tuyển dụng cho nhóm lao động cao tuổi. Việc thiếu các thông tin tuyển dụng, thiếu các thông tin về việc làm cũng như thiếu các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích việc làm cho người cao tuổi cũng là một thách thức trong quá trình tạo việc làm, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, các chính sách đã được ban hành hiện nay cũng chưa có các quy định cụ thể hay các chương trình khuyến khích, cho phép người cao tuổi tham gia vào các công việc có trả lương phù hợp với nhu cầu như giờ làm việc linh động hoặc rút ngắn thời gian làm việc trong ngày. Việc thiếu các quy định đã làm hạn chế cơ hội tham gia vào khu vực chính thức của người cao tuổi, đồng nghĩa với việc hạn chế cơ hội tạo việc làm, đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người cao tuổi.

Chia sẻ về giải pháp tạo sinh kế cho người cao tuổi, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, "cần có phương án, chương trình để hỗ trợ người cao tuổi đánh giá được khả năng của mình có thể làm việc gì phù hợp, cung cấp thông tin về thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch để làm sao người lao động cao tuổi có thể gặp trực tiếp với chủ lao động. Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhận người cao tuổi vào làm việc. Có như vậy mới giúp người cao tuổi tìm được việc làm và góp phần bảo đảm chất lượng cuộc sống...”.

Đồng quan điểm, đa số các các chuyên gia cho rằng, cần bảo đảm môi trường làm việc thuận lợi và bình đẳng cho người cao tuổi. Để làm được điều này, cần phải tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; lồng ghép chính sách việc làm cho người cao tuổi trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, hướng tới tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp với người cao tuổi tại cơ sở... Mặt khác, triển khai có hiệu quả, chất lượng tín dụng ưu đãi, đảm bảo cho người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội; hướng dẫn cho người cao tuổi sử dụng vốn vay đúng mục đích, đảm bảo sự quản lý, giám sát thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đúng đối tượng người cao tuổi.

Thái Yến