Người biểu diễn được hưởng những quyền gì ?
Quyền của người biểu diễn đã được quy định trong các công ước và điều ước quốc tế, và trong pháp luật Việt Nam. Tuy vậy, ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân mà người biểu diễn chưa thực sự được thụ hưởng các quyền mà pháp luật cho phép.
Người biểu diễn có những quyền gì?
Người biểu diễn là người đưa tác phẩm đến với công chúng, với sự cảm thụ và thể hiện sáng tạo, làm cho tác phẩm trở nên sinh động. Họ là cầu nối giữa tác giả và công chúng, góp phần truyền bá, lưu giữ và phát triển các tác phẩm có giá trị. Do đó, việc bảo hộ các quyền của người biểu diễn là cần thiết, nhất là trong thời đại phát triển của công nghiệp ghi âm, công nghiệp điện ảnh và đặc biệt gần đây là internet, đã giúp định hình, sao chép và truyền phát các cuộc biểu diễn một cách nhanh chóng, ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát công chúng tiếp cận với cuộc biểu diễn.
Quyền của người biểu diễn đã được quy định tại các công ước, điều ước quốc tế. Theo Công ước quốc tế bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng (Công ước Rome), người biểu diễn “là các diễn viên, ca sỹ, nhạc công, vũ công và các người khác nhập vai, hát, đọc, ngâm, trình bày, hoặc biểu diễn khác các tác phẩm văn học, nghệ thuật”. Sự bảo hộ của Công ước dành cho người biểu diễn là quyền ngăn cấm việc phát sóng, định hình và sao chép bản định hình mà không được sự cho phép. Họ có quyền hưởng một khoản thù lao hợp lý từ việc sử dụng lại (ví dụ: phát sóng hoặc truyền phát tới công chúng bản ghi âm đã công bố nhằm mục đích thương mại), nhưng các nước thành viên có thể bỏ qua điều này.

Bước tiến quan trọng nhất trong lịch sử phát triển quốc tế về bảo hộ quyền của người biểu diễn kể từ sau Công ước Rome là Hiệp định về những khía cạnh liên quan tới thương mại của sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs), vì đã thiết lập các chuẩn tối thiểu trong bảo hộ người biểu diễn trên phạm vi toàn cầu. Thời hạn bảo hộ theo Hiệp định này đối với người biểu diễn “phải kéo dài ít nhất là 50 năm tính từ kết thúc năm lịch mà việc ghi hoặc cuộc biểu diễn được tiến hành.” Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (Hiệp ước WPPT), được ký năm 1996 đã mở rộng định nghĩa người biểu diễn, bao gồm người biểu diễn các hình thức thể hiện dân gian. Và người biểu diễn có độc quyền cho phép phát sóng, truyền phát tới công chúng và định hình cuộc biểu diễn trực tiếp; sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn đã được định hình trong bản ghi âm, phân phối, cho thuê nhằm mục đích thương mại cuộc biểu diễn đã được định hình trong bản ghi âm và cung cấp theo yêu cầu bản ghi đã được định hình...
Ở Việt Nam, quyền của người biểu diễn được quy định cụ thể tại Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật Dân sự. Các cuộc biểu diễn do công dân Việt Nam thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài, cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đều được pháp luật Việt Nam bảo hộ.
Quyền của người biểu diễn bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân gồm: giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn; bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào, gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn. Quyền tài sản gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép thực hiện các quyền: định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình; sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình; phát sóng hoặc truyền theo các cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng; phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình, thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Tuy vậy, khi người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn, trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.

Quản lý tập thể quyền của người biểu diễn
Các quyền của người biểu diễn đã được quy định rõ ràng, tuy nhiên, tại Việt Nam, theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Vũ Mạnh Chu: tình trạng vi phạm quyền của người biểu diễn vẫn diễn ra, do tính chất phức tạp của loại hình này, cũng như do nhận thức của các chủ thể liên quan còn hạn chế, do thói quen dùng “chùa”, do chưa có quy định về trách nhiệm nhà cung cấp dịch vụ mạng... Hệ thống thực thi gồm Bộ và các Sở VH, TT và DL, Thanh tra chuyên ngành văn hóa, thông tin, UBND cấp tỉnh, Hải quan, Cơ quan Quản lý thị trường... tuy vậy, trách nhiệm thực thi còn phân tán, hợp tác chưa tốt, nên việc bảo vệ quyền của người biểu diễn hiệu quả chưa cao. Mặt khác, cá nhân người biểu diễn còn trông chờ Nhà nước, chưa có thói quen tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng việc áp dụng các biện pháp như kiện ra tòa, buộc dừng hoạt động các trang web trái phép...
Theo các chuyên gia, để người biểu diễn thực sự được thụ hưởng các quyền mà pháp luật cho phép, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công chúng, trước hết là người biểu diễn và các bên liên quan, từ đó hình thành ý thức tôn trọng, khai thác và sử dụng hợp pháp quyền của người biểu diễn.
Quyền của người biểu diễn là quyền độc lập nhưng được hình thành và khai thác trong mối quan hệ đa dạng và phức tạp giữa người biểu diễn, tác giả, nhà sản xuất bản ghi âm, nhà đầu tư. Vì vậy, trước khi thực hiện, người biểu diễn cần làm rõ trong hợp đồng mối quan hệ cũng như quyền và nghĩa vụ giữa người biểu diễn với nhau, người biểu diễn với tác giả và người biểu diễn với nhà sản xuất. Các thỏa thuận hợp đồng sẽ giúp giảm thiểu tranh chấp và đồng thời cũng là cơ sở để giải quyết nếu tranh chấp phát sinh...
Các nghệ sỹ có thể tự bảo vệ quyền lợi, nhưng từng cá nhân riêng lẻ khó có thể kiểm soát và quản lý toàn bộ việc khai thác, sử dụng cuộc biểu diễn và bản ghi âm biểu diễn của mình, đặc biệt trong điều kiện môi trường kỹ thuật số. Phó tổng thư ký Trung tâm Quản lý quyền của người biểu diễn, Hiệp hội Người biểu diễn Nhật Bản Samuel Shu Masuuama góp ý: do những phức tạp có thể nảy sinh trong việc thỏa thuận giữa người sử dụng với người sở hữu quyền để khai thác sử dụng, nên cần có một tổ chức nghề nghiệp hay hiệp hội quản lý tập thể quyền. Ví dụ như ở Nhật Bản, có nhiều hệ thống quản lý tập thể được thiết lập trên các quy định pháp luật khác nhau, trong đó, Hiệp hội người biểu diễn gồm 150.000 thành viên, thay mặt cho những người biểu diễn bảo vệ quyền lợi của họ. Và năm vừa qua, Hiệp hội đã thu được hơn 5 tỷ yên tiền phí sử dụng các tác phẩm và phân phối lại cho các thành viên... Vì thế, có thể nói, quản lý tập thể quyền đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền của người biểu diễn.