Việc ăn uống đối với người bệnh đái tháo đường có khó khăn như chúng ta thường nghĩ? Tinh bột có thực sự xấu đối với người bệnh đái tháo đường không? Và ăn những thức ăn chứa tinh bột như thế nào để đường huyết luôn ổn định?
Bài viết dưới đây của chuyên gia Nội tiết sẽ giúp bạn đọc có thêm hiểu biết đúng về tinh bột và biết cách lựa chọn những loại tinh bột tốt, tránh những loại tinh bột xấu để duy trì ổn định đường huyết.
1. Tinh bột có tác động như thế nào đối với người bệnh đái tháo đường?
Tất cả thực phẩm chúng ta ăn vào đều được tạo thành từ ba nhóm chất dinh dưỡng chính là: carbohydrate (tinh bột), protein (chất đạm) và chất béo. Cơ thể chúng ta cần cả ba để giữ sức khỏe, nhưng nhu cầu của mỗi người về lượng các thành phần trên là khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi, tình trạng bệnh lý và thói quen cũng như sở thích.
Tinh bột là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng cho cơ thể. Tinh bột cung cấp vitamin và khoáng chất và nguồn chất xơ rất dồi dào.
Nếu như chúng ta không ăn tinh bột thì cơ thể sẽ bị suy nhược, mệt mỏi, không đủ sức khỏe để làm việc cũng như không thể tập trung, hay buồn ngủ… Hoặc nặng hơn có thể bị hạ đường huyết với biểu hiện choáng váng, chóng mặt, nặng hơn nữa có thể dẫn đến hôn mê.
Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận thức ăn chứa tinh bột gây ra rất nhiều bất tiện và tác động không tốt cho người bệnh đái tháo đường vì đây là thủ phạm chính khiến lượng đường trong máu chúng ta bị tăng cao.
Khi chúng ta ăn hoặc uống thực phẩm có carbohydrate cơ thể của chúng ta sẽ phân hủy những carbs đó thành một loại đường (glucose) và làm tăng đường huyết. Khi đó tuyến tụy sẽ tiết ra 1 chất gọi là insulin. Insulin cần thiết để vận chuyển glucose từ máu đi vào tế bào - để co thể sử dụng làm nguồn năng lượng.
Cần nhớ, cơ chế bệnh sinh của bệnh đái tháo đường là người bệnh đái tháo đường gặp vấn đề trong việc sản xuất hoặc sử dụng insulin khiến cơ thể không thể sử dụng được glucose làm cho glucose tăng cao ở trong máu.
Vì thế, để kiểm soát đường huyết thì bệnh nhân phải chú ý đến việc lựa chọn cũng như tiêu thụ thức ăn dạng tinh bột một cách hợp lý bên cạnh việc dùng thuốc insulin cũng như các thuốc điều trị dạng uống khác.
2. Cách phân biệt tinh bột tốt và tinh bột xấu
Có ba loại thực phẩm chính có chứa carbohydrate đó là: tinh bột, đường và chất xơ.
Tinh bột (carbohydrate phức hợp): Ngũ cốc (gạo, ngô, các loại lúa mỳ, lúa mạch, yến mạch, ngô, các loại hạt đậu), các loại khoai củ.
Đường: bao gồm những loại đường có trong tự nhiên (như trong trái cây) và được thêm vào (như trong bánh, kẹo, nước ngọt).
Chất xơ: Các loại rau chứa lượng chất xơ rất dồi dào. Chất xơ cũng là thực phẩm cung cấp chất bột nhưng lượng không nhiều và đây là một loại tinh bột đặc biệt không làm tăng lượng đường trong máu.
- Tinh bột tốt (tinh bột phức tạp) có chỉ số đường huyết (GI) thấp, chứa loại đường được cơ thể của chúng ta tiêu hóa và hấp thu chậm, chúng sẽ làm cho đường trong máu của chúng ta tăng 1 cách từ từ và giảm cũng từ từ. Do vậy mà đường huyết của chúng ta sẽ được điều hòa hơn, duy trì mức năng lượng ổn định tốt cho sức khỏe.
Điều này sẽ tốt không những cho bệnh nhân đái tháo đường và cả những người không bị đái tháo đường. Ngoài ra tinh bột tốt còn chứa ít calo, cung cấp một lượng lớn chất xơ và khoáng chất, tốt cho cơ thể.
- Tinh bột xấu (tinh bột đơn giản), có chỉ số đường huyết cao khi ăn vào sẽ khiến tăng lượng đường trong máu lên cao trong một thời gian ngắn. Năng lượng sẽ tăng rất nhanh nhưng sau đó nó sẽ giảm nhanh, đồng nghĩa với việc ăn loại tinh bột này chúng ta sẽ cảm thấy rất nhanh đói và cơ thể lại đòi hỏi được bổ sung thêm năng lượng.
Điều này rất không tốt cho bệnh nhân bị đái tháo đường cũng như cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó tinh bột xấu cũng chứa ít giá trị dinh dưỡng.
3. Những loại tinh bột người bệnh đái tháo đường nên ăn và nên hạn chế
Loại tinh bột người bệnh đái tháo đường nên ăn
Đó là những loại tinh bột tốt, làm tăng đường huyết ít và từ từ, đồng thời có giá trị dinh dưỡng cao như:
Các loại rau xanh và một số loại củ quả: củ dền, bí ngô, khoai lang
Trái cây: lưu ý nên ăn những loại trái cây ít ngọt và có chỉ số đường huyết thấp như: cam, quýt, ổi, bưởi, bơ, táo, thanh long, chuối, nho ta, doi…
Ngũ cốc nguyên hạt như: gạo lứt, yến mạch, lúa mỳ, lúa mạch nguyên chất…
Các loại đậu hạt: đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu hà lan, đậu lăng…
Loại tinh bột người bệnh đái tháo đường nên hạn chế
Một số loại tinh bột xấu người bệnh đái tháo đường nên hạn chế ăn, đó là những loại gạo được xay xát kỹ hoặc đã qua chế biến (đã được nghiền nát, làm nhuyễn hoặc dùng để ăn liền).
Những loại tinh bột này khi vào cơ thể chúng ta sẽ được hệ tiêu hóa hấp thu rất nhanh, làm lượng đường tăng nhanh lên trong máu như: Gạo trắng; Bánh mỳ; Yến mạch cán nát, yến mạch ăn liền; Các loại mỳ, bún, miến, phở; Khoay tây chiên; Bột ngũ cốc tinh chế (loại bán sẵn); Các loại bánh, kẹo ngọt; Nước ép đóng chai; Nước ngọt, soda..
Tóm lại, tinh bột cung cấp cho cơ thể chúng ta nguồn năng lượng dồi dào cho hoạt động hàng ngày. Tinh bột cũng cung cấp lượng lớn chất xơ và những vitamin, khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.
Bị đái tháo đường không có nghĩa là phải cắt hết tinh bột trong khẩu phần ăn. Chế độ ăn của mỗi người đều nên được cân bằng giữa các nhóm chất tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, chọn loại tinh bột nào tốt cho người bệnh mới là quan trọng.
Người bệnh đái tháo đường nên ăn giảm lượng tinh bột so với người bình thường khoảng 1/3 tổng lượng. Nên ưu tiên chọn những loại tinh bột tốt giúp lượng đường trong máu của chúng ta tăng 1 cách từ từ và ổn định.