Ngụ ngôn kiểu La Fontaine
Con người thế kỷ XXI đọc ngụ ngôn La Fontaine như thế nào? Khán giả đến từ một nền văn hóa ngoài châu Âu đón nhận nó ra sao, nhất là khi truyện được diễn tả bằng ngôn ngữ múa đương đại? Đó là những câu hỏi các nghệ sỹ Đoàn La Petite Fabrique muốn tìm câu trả lời qua chương trình Ngụ ngôn kiểu La Fontaine tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội vừa qua.

Biên đạo Domique Boivin cho biết: ‘Tham gia chương trình Ngụ ngôn theo kiểu La Fontaine có 15 biên đạo múa (không nhất thiết là người Pháp). Mỗi người được chọn dựng một tác phẩm dài 20 phút với tối đa không quá 3 diễn viên từ một truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Có lẽ chính vì thế, ngôn ngữ, cách thể hiện của mỗi câu chuyện rất khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là gần gũi, vui nhộn và ngẫu hứng.

Buổi diễn đầu tiên giới thiệu hai tác phẩm ngụ ngôn Phébus và Borée và Cây sậy và cây sồi. Trong tác phẩm thứ nhất, khán giả bị cuốn theo điệu nhảy quay cuồng đôi lúc điên dại của hai ngọn gió. Gió ở mọi nơi và gió chẳng ở đâu cả, xuất hiện rồi biến mất, lúc nhẹ nhàng khi dữ dội. Ở đoạn kết, hai ngọn gió đã hòa hợp và cùng nằm sưởi nắng trong hạnh phúc và dịu êm. Không ai không nhạc nhiên trước năng lượng tưởng như vô tận của hai nghệ sỹ múa, một người Pháp, một người Slovakia. Họ chạy như bay khắp sân khấu, quay lộn cả trăm lần không ngơi nghỉ, đầu, thân, chân, tay rung bần bật trong một vũ điệu quay cuồng. Người xem không khỏi nghĩ đến gió như một biểu tượng cuộc tìm kiếm bất tận trong cuộc đời mỗi con người. Cây sậy và cây sồi lại được giới thiệu với một ngôn ngữ khác hẳn và bất ngờ: hip hop. Khán giả và cả những người làm nghề khó có thể tưởng tượng được một loại hình nghệ thuật đường phố và thường được gắn với hình ảnh những gì dân dã không thích hợp với sân khấu trang trọng. Có lẽ vì thế khi được chứng kiến những màn trình diễn kỹ thuật điêu luyện của các nghệ sỹ, khán giả không dám vỗ tay. Free style, popping, break, smurf… hầu hết các thể loại hip hop đều được biên đạo Mezouki đưa vào một cách nhuần nhuyễn để kể lại câu chuyện cây sậy và cây sồi. Sồi tượng trưng cho những gì cứng nhắc, bảo thủ còn cây sậy tượng trưng cho khả năng thích nghi, biến đổi để phù hợp. Thông điệp mà La Fontaine nhắn nhủ vẫn không bao giờ cũ: bảo thủ, cứng nhắc và không chịu làm mới mình sẽ dẫn đến thất bại.

Ngày biểu diễn thứ hai khán giả tăng lên gấp đôi và độ hào hứng dường như cũng như vậy. Sau phần ứng diễn lấy cảm hứng từ một truyện ngụ ngôn của La Fontaine của các nghệ sỹ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam là tác phẩm Ve sầu và kiến, do biên đạo Herman Diephuis, người Hà Lan dàn dựng. Diephuis không lớn lên ở đất nước của La Fontaine, không có cái nhìn như những đồng nghiệp người Pháp nên ông đã chọn cách chỉ chú ý đến những cái thiết thực nhất, phổ quát nhất trong mọi nền văn hóa: ăn, hát, tinh thần. Hãy múa đi! Những động tác sôi động trên nền nhạc độc đáo. Một câu hỏi lớn về giá trị và ý nghĩa của lao động và qua đó là của cuộc sống.

Kết thúc chương trình là câu chuyện quen thuộc Sói và Cừu. Một suy ngẫm về sức mạnh của cường quyền. Sáng tác vào thế kỷ XVII, mượn hình ảnh con sói và con cừu, La Fontaine muốn nói về triều đình của vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Pháp: Louis 14, về thời thế lúc đó khi kẻ mạnh lấn át mọi thứ. Biên đạo Béatrice Massin dùng ngôn ngữ múa barốc (ra đời vào thế kỷ XVII) để nói đến hiện trạng của thế giới hiện nay nơi cường quyền vẫn lấn át kẻ yếu. Kẻ mạnh áp đặt luật chơi của mình. Béatrice tâm sự: ‘Tôi không nghĩ có khoảng cách nào về thời gian, không gian trong câu chuyện này cả dù rằng nó đã ra đời cách nay 4 thế kỷ. Hơn nữa, truyện ngụ ngôn cũng dành để giáo dục trẻ em. Đôi khi cũng cần cho các em hiểu rằng thế giới còn nhiều điều bất công và bạo lực, có kẻ mạnh lấn át người yếu, điều đó sẽ rất hữu ích với các em’.
Trần Hà