Quốc phòng - An ninh

Ngư dân là “tai mắt” quan trọng trong việc phòng, chống khai thác hải sản trái phép

Nguyễn Hành - Tiến Vinh 07/07/2025 13:43

Xác định ngư dân không chỉ là những người trực tiếp khai thác tài nguyên biển, mà còn là "tai mắt" quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo.

3 (6) (2)
Trong năm 2024, hàng chục ngàn lá cờ, ảnh Bác được các đơn vị Biên phòng tỉnh An Giang trao đến tay ngư dân và kèm lời động viên ra khơi đánh bắt an toàn, đúng pháp luật. (Ảnh: Tiến Vinh)

Trong những năm qua, việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), là vấn nạn toàn cầu, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, phá vỡ hệ sinh thái biển và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của cộng đồng ngư dân chân chính. Đối với Việt Nam, việc EU áp dụng “thẻ vàng” IUU là lời cảnh tỉnh cho một cuộc cải tổ toàn diện ngành thủy sản của nước ta...

Để công cuộc chống khai thác IUU mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững, thời gian tới, Ban chỉ huy Biên phòng tỉnh An Giang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền cho ngư dân tuân thủ quy định pháp luật về đánh bắt hải sản. Đánh bắt đúng ngư trường, sử dụng ngư cụ hợp pháp và không xâm phạm vùng biển nước ngoài…

Đơn vị phối hợp ngành chức năng An Giang hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đầu tư vào công nghệ khai thác bền vững, hỗ trợ vốn, bảo hiểm tàu cá. Khuyến khích mô hình cộng đồng quản lý, giao quyền quản lý nguồn lợi thủy sản cho tổ đội, nghiệp đoàn ngư dân. Siết chặt kiểm tra, giám sát, cập nhật hệ thống VMS, xử lý nghiêm hành vi vi phạm từ cảng đến khơi xa.

2 (10) (1)
Lực lượng thanh niên, phụ nữ cùng tham gia vào công cuộc tuyên truyền chống khai thác IUU (Ảnh: Tiến Vinh).

Ngoài ra, Ban chỉ huy Biên phòng tỉnh An Giang sẽ phối hợp với các đơn vị Biên phòng tỉnh sẽ phối hợp tốt hơn với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát báo cáo trung thực, đầy đủ việc sử dụng nhật ký khai thác, thiết bị định vị (VMS) và thông báo cập cảng, rời bến minh bạch. Đồng thời kêu gọi ngư dân cần hợp tác với cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, bằng chứng về hoạt động IUU, tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng ngư dân. Cần chuyển đổi sang nghề cá bền vững, hạn chế khai thác tận diệt, khuyến khích phát triển nghề nuôi cá lồng bè, kết hợp du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường biển.

“Tại nhiều địa phương ven biển của tỉnh An Giang, các mô hình cộng đồng ngư dân tham gia chống khai thác IUU đã phát huy hiệu quả. Tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ ngư dân hợp tác theo nhóm từ 3, 5 tàu cùng hỗ trợ, giám sát, cứu hộ và báo cáo vi phạm. Đã xây dựng cảng đạt chuẩn, giám sát 100% tàu cập, rời cảng, công khai dữ liệu khai thác. Hướng dẫn ngư dân quản lý rác thải biển, không xả lưới nylon, bảo vệ môi trường biển. Những mô hình này cho thấy khi ngư dân làm chủ thì việc chống khai thác IUU không còn là mệnh lệnh hành chính khô khan, mà trở thành hành động tự giác xuất phát từ lợi ích cộng đồng...”, ông Đỗ Đức Quyết, Phó Chủ tịch hội nghề cá phường Rạch Giá, tỉnh An Giang chia sẻ.

Cuộc chiến chống khai thác IUU không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền hay tổ chức quốc tế, mà là hành trình chung của mọi người dân biển. Khi ngư dân trở thành tuyên truyền viên trên mặt trận bảo vệ ngư trường, thì uy tín, thương hiệu và bền vững của thủy sản Việt Nam cũng ngày càng được củng cố.

1 (9) (1)
Ngư dân cao tuổi, có uy tín được cán bộ các đồn Biên phòng mời tham gia trong các buổi tuyên truyền chống khai thác IUU (Ảnh: Tiến Vinh)

Ngư dân Nguyễn Văn Bình (chủ một tàu cá ở Châu Thành) cho biết: “Trong những năm qua, ngành thủy sản đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển là nguy cơ khai thác quá mức và bất hợp pháp, không chỉ làm cạn kiệt tài nguyên biển mà còn đẩy nhiều cộng đồng ngư dân vào cảnh khó khăn do mất ngư trường, giảm sản lượng và bị mất thị trường xuất khẩu.

Do đó, khi được ngành chức năng vận động tôi và nhiều chủ tàu cá khai thác hải sản có trách nhiệm, chúng tôi đồng ý tham gia ngay. Khi có thông tin, hình ảnh tàu cá vi phạm, chúng tôi gửi cho lực lượng chức năng để tuyên truyền, nhắc nhở cùng nhau đánh bắt hải sản đúng quy định”.

Đại tá Doãn Đình Tránh, Phó Chính ủy Ban Chỉ huy Biên phòng tỉnh An Giang nhận định: “Trên thực tế, ngư dân là lực lượng trực tiếp khai thác, là những người hiểu rõ nhất từng ngư trường, mùa vụ, dòng chảy, hiểu rõ quy định vùng biển được phép đánh bắt, không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Sử dụng ngư cụ hợp pháp, không dùng lưới mắt nhỏ, chất nổ, xung điện. Tôn trọng mùa vụ và kích cỡ tối thiểu của thủy sản khai thác, để tái tạo nguồn lợi. Và cũng là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ chính hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, kể cả khi họ không tham gia. Chính vì vậy, việc phát huy vai trò ngư dân trong chống khai thác IUU mang ý nghĩa quyết định và lâu dài...”.

Một trong những yếu tố quyết định trong chống khai thác IUU là việc vận động toàn dân, nhất là ngư dân, là “tai mắt” hữu hiệu để giám sát khu vực đánh bắt, phát hiện tàu cá nước ngoài xâm phạm hay tàu cá nội địa có hành vi vi phạm. Khi đó, ngư dân cung cấp thông tin, hình ảnh, bằng chứng cho cơ quan kiểm ngư, Biên phòng để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, vừa mang tính răn đe, vừa tuyên truyền chính sách, quy định pháp luật cho chủ tàu cá vi phạm.

Mặt khác, ngành chức năng An Giang tiếp tục vận động ngư dân tham gia các tổ đội khai thác, đánh bắt an toàn, tổ hợp tác giám sát lẫn nhau ngoài khơi xa, trở thành hạt nhân lan tỏa văn hóa khai thác có trách nhiệm trong cộng đồng ven biển, để cùng với ngành chức năng xây dựng ngành kinh tế biển An Giang phát triển bền vững trong thời gian tới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngư dân là “tai mắt” quan trọng trong việc phòng, chống khai thác hải sản trái phép
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO