Ngôn ngữ trên thế giới đang mất dần

16/04/2008 00:00

Ngôn ngữ trên thế giới đang biến mất với tốc độ khủng khiếp. Ước tính cứ hai tuần có một ngôn ngữ chết. Với đà này, theo các nhà khoa học, chỉ một thời gian ngắn nữa, trái đất sẽ còn không tới 3.500 ngôn ngữ.

      Những thông tin cảnh báo này được đưa ra trong báo cáo gần đây nhất của UNESCO. Vấn đề nguy hiểm là chúng ta đang chứng kiến sự ra đi không chỉ ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số mà thậm chí cả ngôn ngữ của các dân tộc đã có thời là các cường quốc trên thế giới. Michael Montas, thư ký báo chí của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho biết: “Hai tuần có một ngôn ngữ chết. Hiện nay có tới 90% các ngôn ngữ trên thế giới có không tới 100.000 người sử dụng, 357 ngôn ngữ có không quá 50 người. Thậm chí có tới 46 ngôn ngữ hiện vẫn chưa xác định được: Liệu có tìm nổi một người dùng nó thông thạo không?”. Nhà ngôn ngữ Davis Harrison, bang Pennsylvania, Mỹ trong cuốn sách nổi tiếng When Languages Die (Khi nào các ngôn ngữ chết) đã cảnh báo điều này từ khá lâu. “Tốc độ diệt vong của ngôn ngữ đã vượt quá sức tưởng tượng. Ngôn ngữ chết với tốc độ nhanh hơn nhiều so với thực vật và động vật. Hiện có thể liệt kê hơn 40% tổng số ngôn ngữ trên thế giới vào Sách đỏ, tức là có nguy cơ diệt vong, trong khi đó con số này ở thực vật là 8% và động vật là 18%”. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự phổ biến và bành trướng ngày càng mạnh mẽ của các ngôn ngữ chính. Rất nhiều quốc gia đã sử dụng các ngôn ngữ thịnh hành như: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha... làm ngôn ngữ chính thống, đẩy các ngôn ngữ dân tộc vào tình thế khó khăn. Một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy “tính mạng” tiếng mẹ đẻ bắt đầu bị đe dọa đó là khi có 30% trẻ em không sử dụng nó. Theo tính toán của các nhà khoa học, hiện nay trên thế giới có chừng 6.809 ngôn ngữ đang được sử dụng, một nửa con số này nằm trên lãnh thổ 8 nước: Indonesia, Mexico, Brazil, Cameroon, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga. Đất nước có nhiều loại ngôn ngữ nhất là ấn Độ. Người dân ở đây sử dụng tới 845 loại ngôn ngữ khác nhau. Tiếp sau đó là Papuan (Châu Đại dương) với 600 ngôn ngữ. Năm 2001, các nhà khoa học đã chỉ ra 4 khu vực có nhiều vấn đề nhất về ngôn ngữ, đó là: Bắc Mỹ, Trung Quốc, châu Phi và châu Âu.

      Lịch sử phát triển xã hội loài người đã chứng kiến sự ra đi của hơn 9.000 ngôn ngữ. Hiện các ngôn ngữ thông dụng nhất trên thế giới là tiếng Trung ngữ, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Tiếng Anh vẫn chiếm ngôi đầu bảng với 341 triệu người bản ngữ và 350 triệu người trên khắp hành tinh xem tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ trong công việc và giao tiếp. Tuy nhiên, rất nhiều nhà ngôn ngữ cho rằng, tới đây tình hình có thể thay đổi – tiếng Trung sẽ lên ngôi.

      Ở Bắc Mỹ, nhiều ngôn ngữ đã không chịu nổi áp lực mở rộng của tiếng Anh và tiếng Pháp. Chính vì vậy, những năm gần đây Chính phủ Canada đã hết sức nỗ lực để gìn giữ và bảo tồn phương ngữ của người da đỏ và người Eskimo. Ước tính ở Mỹ hiện tồn tại khoảng 104 ngôn ngữ của thổ dân da đỏ, trong khi con số này trước khi người châu âu đặt chân đến đây là vài trăm. Ở Trung Quốc cũng vậy, sự phổ cập của tiếng Trung đang là nguy cơ diệt vong của nhiều loại ngôn ngữ khác, đặc biệt là ở khu vực Đông Bắc.

      Một trong những khu vực ít được các nhà ngôn ngữ quan tâm tới chính là lục địa đen. Trong số 1.400 phương ngữ có 250 ngôn ngữ đứng trước nguy cơ diệt vong, tập trung chủ yếu ở các nước: Nigeria, Ethiopia, Kenya, Uganda, Tazania, Sudan. Ở châu âu, hiện có khoảng 50 ngôn ngữ đang “chờ chết”, chủ yếu là dòng ngôn ngữ Láp (Lappis) và  ngôn ngữ Scandinavian. Nhiều phương ngữ ở vùng Seberia và Kavkaz cũng trong tình trạng báo động. Tình hình tương tự cũng đang diễn ra tại Daghestan và Georgia. 

      Tuy nhiên, các chuyên gia của UNESCO cho rằng tình hình chưa phải là không có lối thoát. Bởi có những ngôn ngữ tưởng chừng như đã mất hẳn nhưng lại hồi sinh một cách thần kỳ. Như trường hợp ngôn ngữ Hebrew – tiếng Do Thái cổ. Người ta tưởng nó đã chết cách đây 2.000 năm, thế nhưng hiện nay đã có 8 triệu người sử dụng nó, trong đó có tới 5 triệu người sử dụng làm ngôn ngữ chính.

      Việc các ngôn ngữ yếu thế mất dần trên bản đồ thế giới gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về tương lai của tiếng Việt. Ngôn ngữ là hồn của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà trước đây vào những thời điểm khó khăn nhất của đất nước – cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đề nghị tổ chức Hội nghị toàn quốc về Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Ngày nay, trong xu thế tiếng Anh hóa ồ ạt để hội nhập, nhiều lúc có cảm giác chúng ta đang quên mất tiếng mẹ đẻ, tuy thật gần gũi, nhưng nếu không biết cách gìn giữ thì nguy cơ suy thoái khó lường.

Nguyễn Văn Minh

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngôn ngữ trên thế giới đang mất dần
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO