Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh ngôn ngữ học thế giới và khu vực

Hương Sen 20/12/2020 12:47

Sáng 20.12, tại Hà Nội, Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức hội thảo quốc tế “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh ngôn ngữ học thế giới và khu vực”, thảo luận những vấn đề đa dạng mà ngôn ngữ học phải giải quyết cả về lý thuyết lẫn thực tiễn.

Hội thảo đã nhận được gần 190 báo cáo toàn văn của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, tập trung nhấn mạnh các vấn đề như: Xác lập cơ sở lý thuyết cho việc biên soạn cuốn sách "Cú pháp tiếng Việt mới", hướng đến biên soạn "Ngữ pháp tiếng Việt" có tầm tham chiếu quốc gia; từ vựng Proto Nam Á và Proto Vietic trong tiếng Việt, như là chứng cứ quan trọng để khảo sát lịch sử tiếng Việt, lịch sử của tiếp xúc ngôn ngữ ở khu vực. Đặc biệt, nghiên cứu giao diện ngôn ngữ học và khoa học máy tính của thời đại công nghệ 4.0, về việc xây dựng từ vựng tiếng Việt cốt lõi cho học viên nước ngoài.

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học phát biểu tại hội thảo
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, nhiều nội dung cũng được đề cập như: Ngôn ngữ học lý thuyết; Ngôn ngữ - Văn hóa; Ngôn ngữ học xã hội và liên ngành; Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, phương ngữ và lịch sử tiếng Việt; Ngôn ngữ học ứng dụng...

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học khẳng định, bên cạnh những nghiên cứu thuộc về các trào lưu nổi trội gồm: Ngôn ngữ học chức năng hệ thống, ngôn ngữ học tri nhận, lý thuyết phân tích diễn ngôn phê phán, ngôn ngữ học văn hóa, ngữ dụng học và ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học lịch sử và ngôn ngữ học địa lý, đã có những bước phát triển mới như lý thuyết đánh giá, cách tiếp cận dị thanh và ngữ nghĩa học diễn ngôn, vốn phát triển từ ngôn ngữ học chức năng hệ thống. Các chủ đề của ngôn ngữ học tri nhận cũng phong phú hơn, không dừng lại ở các ẩn dụ/hoán dụ ý niệm mà còn mở ra với các nghiên cứu về định vị không quan, nghiệm thân, tỏa tia. Các báo cáo thuộc địa hạt ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học ứng dụng, ngôn ngữ học văn hóa cũng bao quát nhiều vấn đề hơn, tức có sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

"Khoa học sẽ không bao giờ có sự thống nhất dễ dàng, bởi một số vấn đề vẫn cần làm sáng tỏ, đó là vận dụng các lý thuyết mới của ngôn ngữ học hiện đại để tiếp tục phát hiện những đặc điểm của tiếng Việt, của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, qua đó góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của ngôn ngữ học thế giới. Trong đó có việc vận dụng ngữ pháp chức năng, ngôn ngữ học tri nhận, ngữ dụng học, ngữ nghĩa học, ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học văn hóa, đặc biệt là các biến thể phát triển của ngôn ngữ học chức năng hệ thống gần đây như lý thuyết đánh giá, văn bản đa phương thức... vào nghiên cứu tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, tiến hành so sánh đối chiếu tiếng Việt với các ngôn ngữ khác để phát hiện những nét tương đồng và khác biệt, qua đó thấy được những đặc điểm trong cách tư duy và văn hóa của người Việt"..., GS.TS Nguyễn Văn Hiệp cho hay.

Cũng qua hội thảo, các vấn về đề bảo tồn và phát huy vai trò, bản sắc của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số; giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt gắn với chuẩn hóa tiếng Việt trong tình hình, bối cảnh xã hội mới hay vấn đề về quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, tìm hiểu các đặc trưng văn hoá - tư duy thể hiện qua ngôn ngữ... trở thành m đề tài mở cho những công trình nghiên cứu thời gian tới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh ngôn ngữ học thế giới và khu vực
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO