Ngôn ngữ dân tộc

TS. Nguyễn Đình San 12/12/2018 08:16

“Ngôn ngữ dân tộc” được hiểu theo nghĩa thông thường là bản sắc dân tộc trong hình thức thể hiện các tác phẩm văn nghệ. Người ta vẫn nói mọi tác phẩm muốn thuyết phục được đối tượng thưởng thức thì phải được chuyển tải bằng ngôn ngữ dân tộc. Nhưng bài viết ngắn này không có ý bàn đến vấn đề lớn đó, mà chỉ thu hẹp trong việc nói và viết của mọi người Việt Nam trong giao tiếp hàng ngày.

Ta là người Việt thì đương nhiên phải dùng ngôn ngữ dân tộc mình trong cuộc sống. Vậy mà không ít người cứ có thói quen sử dụng tiếng nước ngoài (Anh, Pháp…) xen kẽ khi đối thoại, phát biểu, mặc dù có tiếng Việt để biểu đạt đầy đủ, trọn vẹn điều định nói. Ví dụ: “Chúng tôi đã com-măng (commande - mời) kiến trúc sư giỏi thiết kế”, hoặc “Anh ta rất mô-ve gu”(mauvais gout - thị hiếu thẩm mỹ thấp kém); hoặc nữa “Trình độ quyn -tuya (culture - văn hóa) của anh ta rất hạn chế”... Những người có thói quen này không hẳn đã giỏi ngoại ngữ, thường chỉ võ vẽ biết đôi ba từ thông dụng, còn người giỏi thực sự thì lại không lạm dụng không đúng chỗ như vậy.

Ta thấy các vị chính khách khi ra nước ngoài, trong các buổi tiếp xúc chính thức mang tính chất nghi lễ luôn nói tiếng dân tộc mình mặc dù nhiều vị rất giỏi thứ tiếng của đất nước họ đang có mặt, hoàn toàn có thể nói không cần phiên dịch. Trước đây, Hồ Chủ tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều rất giỏi tiếng Pháp, nhưng khi ra nước ngoài, dự các buổi nghênh tiếp, đàm thảo, đều nói bằng tiếng Việt; chỉ khi tiếp xúc với người dân Pháp trong những cuộc gặp mặt không chính thức thì mới nói tiếng Pháp. Hoặc không ít chính khách Campuchia, Lào đều sử dụng thành thạo tiếng Việt, nhưng khi sang thăm chính thức Việt Nam, họ vẫn nói tiếng nước mình. Vậy nên mới luôn có người phiên dịch. Đó là tự tôn dân tộc, là sự bình đẳng giữa các dân tộc cần phải có.

Đó là tiếng nói. Còn chữ viết cũng có nhiều điều không thể cho qua. Không ít phố xá ở hai thành phố lớn nhất nước ta là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số nơi khác đã trương những tấm biển hiệu rất to toàn bằng tiếng Anh. Người ta có cảm giác như đi sang một thành phố bên Anh, Mỹ vậy. Nhà nước đã quy định, nếu biển hiệu có tiếng Anh thì phải đi kèm tiếng Việt và chữ tiếng Việt phải to, đậm hơn, nhưng thực tế thì ngược lại.

Giữa thời buổi hội nhập quốc tế hiện nay, việc sử dụng ngôn ngữ nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh, đương nhiên rất cần thiết. Và việc dạy ngôn ngữ này trong các trường phổ thông và đại học cũng phải phát triển. Nhưng như vậy không có nghĩa là quá lạm dụng như trên đã đề cập. Đó cũng là một biểu hiện của sự hạn chế về văn hóa chứ không chỉ là sự sính ngoại, vô ý coi thường ngôn ngữ dân tộc.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngôn ngữ dân tộc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO