Ngôn ngữ của thế kỷ 21

05/02/2007 00:00

Thế kỷ XX chứng kiến sự lên ngôi của tiếng Anh. Nhưng có một ngôn ngữ khác đang dần xác lập vị trí độc tôn của mình. Đó là tiếng Trung Quốc. Với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, có thể thế kỷ XXI sẽ chứng kiến sự lên ngôi của thứ tiếng này.

      Tiếng Trung hiện đang độc chiếm vị trí ngôn ngữ được dùng nhiều nhất thế giới với hơn 1 tỷ người sử dụng. Hiệu ứng của cuốn sách Thế giới phẳng trong đó tác giả Thomas Friedman khẳng định thế giới cần học tiếng Trung để có thể làm ăn, hợp tác và cạnh tranh với Trung Quốc lớn mạnh đã thúc đẩy sinh viên thế giới, đặc biệt là sinh viên Mỹ, nhận thấy tính hữu ích từ việc học ngôn ngữ mẹ đẻ của Khổng Tử. 
      Thực tế, nhu cầu học tiếng Trung trong lớp trẻ trên toàn thế giới tăng cao trong thời gian qua. Tại Nhật Bản số lượng trường phổ thông cơ sở dạy tiếng Trung đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn 1993 – 2005 và trở thành một trong những tiếng nước ngoài được đào tạo nhiều nhất, chỉ sau tiếng Anh. Còn tại Hàn Quốc, nó nằm trong chương trình giảng dạy  của 160.000 trường phổ thông trung học, đại học, tăng 66% so với 5 năm trước. Ngay đến Indonesia, quốc gia từng cấm dạy tiếng Trung trước năm 1999, giờ đã có 5 trường đại học có dạy tiếng Trung. 
      Ngoài Châu Á là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Khổng và chữ tượng hình, các lục địa khác cũng đang nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Trung. Tại Châu  Âu và Mỹ, việc học tiếng Trung cũng đã trở thành điều tất yếu nếu bạn muốn phát triển trong tương lai. Từ năm 2000-2004, số lượng sinh viên ở Anh, xứ Wales, và Bắc Ailen học các chương trình cao cấp tiếng Trung đã tăng 57%. Ở Mỹ, số người học tiếng Trung đã lên đến 35% trong năm học 2004-2005 và xu hướng trên sẽ còn tăng mạnh. Hiện có khoảng 50.000 trẻ em Mỹ đã bắt đầu làm quen với thứ ngôn ngữ khó nhớ này, nhiều gấp 10 lần với con số của 6 năm trước. Ở cấp độ nhà nước, Washington đã có nhiều động thái rất tích cực. Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Margaret Spellings đã ký hiệp ước với Bộ Giáo dục Trung Quốc nhằm tăng cường các chương trình dạy ngoại ngữ và trao đổi hàn lâm giữa hai nước. Chính quyền Bush cũng cóá kế hoạch chi 114 triệu USD năm 2007 tài trợ cho các sáng kiến về ngôn ngữ quốc gia với mục tiêu thúc đẩy số người Mỹ học các loại ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, trong đó tiếng Trung đứng đầu bảng...
      Ngược lại, bản thân Chính quyền Bắc Kinh cũng chú trọng tới việc “xuất khẩu” ngôn ngữ mẹ đẻ ra toàn thế giới. Theo quan chức cao cấp của Hội đồng Trung ngữ Quốc tế (Hanban), năm 2006 Trung Quốc đầu tư 200 triệu nhân dân tệ (25 triệu USD) để khuyến khích phát triển việc dạy và học tiếng Trung ở nước ngoài. Tới nay, Trung Quốc đã ký hiệp định với 51 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới về việc thành lập các Trung tâm Khổng giáo. Trong hai năm qua, Trung Quốc đã mở rất nhiều Viện Khổng học trên thế giới – một dạng như Viện Goeth của Đức hay Viện Cervantes của Tây Ban Nha – tại hơn 30 quốc gia. Bên cạnh đó, nước này cũng triển khai hơn 2.000 giáo viên tình nguyện dạy tiếng Trung ở nước ngoài, nhất là các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia và Hàn Quốc.   
      Nhiều thuận lợi nhưng để có thể phổ biến ngang bằng, rồi vượt qua tiếng Anh thành ngôn ngữ chung toàn cầu, tiếng Trung vẫn còn cần nhiều thời gian nữa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng trong thế kỷ XXI, nếu làm chủ được thứ ngôn ngữ này, bạn đã nắm một nửa bí quyết thành công.

Thúy Hằng (Theo Chinesetape)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngôn ngữ của thế kỷ 21
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO