Ngôn ngữ cổ xưa của nghị viện
Người ta thường gắn nghị viện Anh với hình ảnh cung điện Westminster gồm các tòa nhà theo kiến trúc gothic nằm dọc sông Thames, với tháp đồng hồ Big Ben nổi tiếng, là một trong những nghị viện lớn và bận rộn nhất thế giới. Thế nhưng, không nhiều người biết, những thuật ngữ của nghị viện Anh bắt nguồn từ kiến trúc, cấu trúc của tòa nhà, trở thành thông dụng không chỉ trong đời sống nghị trường nước Anh, mà cả nhiều nước khác.
Chẳng hạn, tại phòng họp Hạ viện Anh từ xưa, nghị sĩ các đảng đối lập ngồi đối diện (sit opposite) với đảng đa số nắm Chính phủ, từ đây mà có thuật ngữ đảng đối lập (the opposition). Các nghị sĩ là bộ trưởng thật hoặc bộ trưởng bóng (shadow minister) thuộc phe đối lập ngồi hàng ghế đầu, được gọi là những người ngồi phía trước (front - benchers). Ngược lại, các nghị sĩ không giữ chức vụ ngồi ở hàng ghế sau, được gọi là những người ngồi sau (back-benchers). Từ sitting trong tiếng Anh thông thường nghĩa là ngồi, nhưng trong ngôn ngữ nghị viện Anh dùng để chỉ phiên họp (trong một ngày); và hết phiên họp thì toàn bộ Viện đứng dậy (the House rises), vì thế câu toàn bộ Viện đứng dậy có nghĩa là kết thúc phiên họp.

Hoặc trong cụm từ “debated on the floor” (thảo luận tại phiên họp toàn thể), thì từ “floor” là sàn, nhưng là sàn phòng họp toàn thể, vì vậy, floor trong ngôn ngữ nghị trường Anh, hay Australia, Canada, Mỹ để chỉ phòng họp, phiên họp toàn thể, phân biệt với phòng họp, phiên họp ủy ban. The floor còn có nghĩa là quyền phát biểu: chủ tọa cho phép nghị sĩ phát biểu thì gọi là “give somebody the floor”; phát biểu ý kiến là “to take the floor”; giành quyền phát biểu, chiếm diễn đàn là “to hold the floor”. Nếu một nghị sĩ chuyển sang đảng khác thì nói “he or she crossed the floor”, vì từ bên này phòng sang bên kia phòng để đến khu vực ngồi của đảng mới. Còn “to get in on the ground floor” thì không có tầng trệt nào ở đây cả, mà hóa ra người ta muốn nói tham gia đảng phái từ ngày đầu thành lập.
Khi độc giả bắt gặp câu “to table some thing to the House”, thì đừng vì từ “to table” mà nghĩ đến động tác đặt cái gì đó lên chiếc bàn đồ sộ trong phòng họp của nghị viện Anh. Nó chỉ hàm ý, các nghị sĩ muốn nêu câu hỏi, điều khoản sửa đổi đối với dự luật, hay đề xuất kiến nghị, hoặc các bộ trưởng muốn đệ trình văn bản nào đó trước Viện. Trong khi đó, “to lay a bill on the table” có nghĩa là hoãn bàn về một dự luật vô thời hạn, kiểu như “cứ để kệ nó nằm trên bàn”. Còn nếu một dự luật sẽ được chuyển đến ủy ban của Hạ viện Anh để xem xét, người ta thường nói “nó được đưa lên trên” (taken upstairs), vì các phòng họp của các ủy ban ở tầng trên so với phòng họp toàn thể. Khi nghị viện Anh biểu quyết, từ “divide” (chia nhóm) được sử dụng, vì các nghị sĩ sẽ chia thành hai nhóm ủng hộ và phản đối, mỗi nhóm tập hợp ở mỗi bên và đi vào hai cửa khác nhau để tính số lượng phiếu mỗi bên.
Trong phòng họp toàn thể của Hạ viện Anh có những đường vạch đỏ trên sàn giữa hai khu vực ghế ngồi của phe đa số và phe đối lập. Có người giải thích chúng cách nhau bằng khoảng cách của hai thanh gươm (two sword lengths), có ý nghĩa biểu tượng ngăn ngừa sự xung đột giữa nghị sĩ hai phe có thời từng được mang gươm vào phòng họp. Nhưng một giáo sư người Anh trong cuốn sách có uy tín cao về nghị viện Anh đã coi đó là một chuyện nực cười, vì từ trước tới nay chưa bao giờ nghị sĩ được phép mang gươm vào phòng họp. Nghị viện Anh chỉ quy định, khi nghị sĩ đứng phát biểu ở hàng ghế đầu tiên (front row) thì không được vượt quá vạch, dù ông/bà ta có theo hay không theo đường lối của đảng nào đó. Để biết nghị sĩ thuộc đảng nào, có thể nhìn vào vị trí ngồi so với lối đi cắt ngang phòng họp (gangway). Phía trước lối đi này (above the gangway) chia thành hai khu vực: bên phải chủ tọa là các nghị sĩ phe đa số; bên trái là phe đối lập. Còn phía sau lối đi (below the gangway) là các nghị sĩ trung lập, không ủng hộ phe nào cả.
Trở lại với thời trung cổ, từ nghị viện (parliament) bắt nguồn từ tiếng Pháp “parler” có nghĩa là “nói” được sử dụng lần đầu tiên ở Anh vào thế kỷ XIII để chỉ cuộc họp của hội đồng của Nhà vua (King’s Council) gồm các bá tước, giám mục, cận thần để tư vấn cho Vua về luật lệ, cai trị, xét xử. Thời đó, vào năm 1265, lần đầu tiên Vua Henry III đã triệu tập đại diện của các thành phố đến luận bàn việc của vương quốc. Từ đó, thành thông lệ, nghị viện nhóm họp theo triệu tập của hoàng gia. Lễ nghi này giữ đến thời nay, cứ sau kỳ bầu cử, Nữ hoàng Anh lại ban bố chỉ dụ triệu tập nghị viện với những lời cổ xưa như: “Vậy là Ta, với lòng mong mỏi và ý nguyện gặp dân chúng, lắng nghe khuyến dụ của dân chúng tại nghị viện, vui mừng báo cho mọi thần dân yêu mến biết ý chí của Ta hiệu triệu Nghị viện mới”. Những lời này của Nữ hoàng Elizabeth II nghe có vẻ lạ tai với thời hiện đại, nhưng hàm ý của chúng không khác gì so với của 34 người tiền nhiệm từ hàng trăm năm trước đó. Đến giữa thế kỷ XIV, vào đời Vua Edward III, Nghị viện Anh gồm có đại diện của các làng xã nông thôn và thị dân gọi chung là thứ dân (Commons); đại diện của giới quý tộc gọi là các nguyên lão thế tục (the Lords Temporal) và giới tăng lữ gọi là các nguyên lão tinh thần (the Lords Spiritual); từ đây mà sau này hai viện của nghị viện Anh được gọi là Viện thứ dân (House of Commons) và Viện nguyên lão (House of Lords).
Đến nay, nghị viện Anh, hay còn gọi là mô hình Westminster (gọi theo cung điện nổi tiếng) đã trở nên phổ biến trên thế giới. Trong một lần sang Việt Nam dự hội thảo, ông cựu Tổng thư ký nghị viện Australia đã chơi chữ, gọi mô hình Quốc hội Mỹ là Washminster, ghép từ hai chữ Westminster và Washington để chỉ một mô hình xuất phát từ Anh, nhưng đã được cải biên đi nhiều so với gốc gác; còn mô hình của nghị viện Australia được ông gọi là Ausminster, cũng ghép hai chữ Australia và Westminster với cùng hàm ý nghị viện Australia mặc dù gốc từ Anh nhưng có những nét đặc thù Aussie. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà vào giữa thế kỷ XIX, một tác giả đã gọi Westminster là “the mother of parliaments”, (cha đẻ của các nghị viện) để chỉ nguồn gốc của thiết chế này, đồng thời nhấn mạnh ảnh hưởng của hình mẫu nghị viện Anh trên toàn thế giới.