Ngọn lửa sử thi trong phim mới "The Woman King" - "Nữ vương huyền thoại"
Theo đánh giá của giới chuyên môn, một đề cử Oscar nữ chính năm 2023 cho diễn viên Viola Davis với vai Tướng bà trong "The Woman King" chắc chắn là trong tầm tay!
"The Woman King" vừa ra rạp với nhan đề: "Nữ vương huyền thoại", nhưng tôi thích đặt lại nhan đề là "Tướng bà & Chiến binh nữ" - cho nó đúng tinh thần quật cường của những nữ anh hùng chân đất, da đen bóng lưỡng, cơ bắp cuồn cuộn và chiến đấu như hổ vồ trong một thiên sử thi lấy cảm hứng từ một vương quốc ở Tây Phi.
Bộ phim hơi tản mát và gây mất tập trung ở phần dẫn chuyện, thiết lập bối cảnh lịch sử và tạo không khí sử thi cho một câu chuyện về một nhóm chiến binh nữ dũng mãnh trong cuộc chiến chống lại đế chế láng giềng cai trị họ và biến họ thành nô lệ để bán cho các nước thực dân ở châu Âu trong thế kỷ 18.
Nhưng khi đã bắt mạch được vào câu chuyện để cho chất sử thi được bùng cháy, bộ phim trở thành một phiên bản của Gladiator + Braveheart + Black Panther cộng lại. Điểm khác biệt: một đội quân chiến binh tinh nhuệ toàn nữ.
Ngọn lửa sử thi
Kẻ giữ cho ngọn lửa sử thi không bao giờ tắt hay nói cách khác là trụ cột, là linh hồn của bộ phim này - còn ai khác ngoài Viola Davis - người đóng vai một Tướng bà, thủ lĩnh của một đội quân chiến binh toàn nữ có tên là Agojie (hay còn được gọi là Dahomey Amazons có thật, thời tiền thuộc địa ở Cộng hòa Benin ngày nay).
Tướng bà Nanisca (Viola Davis) dẫn đầu một nhóm chiến binh dũng mãnh, được đào tạo qua những khóa huấn luyện khắc nghiệt và tàn bạo, thề sẽ từ bỏ hôn nhân hay tình mẫu tử để trở thành những nữ chiến binh quả cảm, bảo vệ vương quốc và thần dân của họ.
Phim gây ấn tượng mạnh vì tạo hình nhân vật và những màn chỉ đạo võ thuật thôi miên. Tướng bà Nanisca, với bộ giáp đơn giản, tóc bờm như sư tử, tay cầm thanh đao lớn và thét ra lửa. Khi huấn luyện các chiến binh, tướng bà bắt các chiến binh nữ phải trải qua những trận thực chiến nguy hiểm, tuân thủ kỷ luật tuyệt đối, bắt họ phải tiêu diệt cảm xúc (như câu thoại: "Để trở thành chiến binh, ngươi phải giết chết cảm xúc cá nhân của mình").

Không có chỗ cho yêu đương, càng không có chỗ cho thiên chức. Nói chung, để trở thành những nữ chiến binh bản lĩnh họ phải quên đi bản năng gốc của mình.
Phần nào đó, chiến lược của Tướng bà là biến họ trở thành những cỗ máy, không nao núng và run tay trước kẻ thù. Bằng cách đó, Tướng bà tuyên chiến với kẻ thù và đưa vương quốc của bà (dưới sự trị vì của một nhà vua) vào cuộc chiến tranh sống còn, để bảo vệ sự độc lập và chấm dứt nạn buôn bán nô lệ.
Trong trận cận chiến tay đôi dữ dội giữa tướng bà và một viên tướng của địch - kẻ có ân oán từ trước, một chiến binh gái trẻ tuổi đã bất tuân mệnh lệnh, liều mình ở lại để hỗ trợ bà và chịu sự khiển trách lớn khi cả hai chạy thoát về lại vương quốc của mình.
Và rồi từ đó trở đi thì nhịp phim không cho ta ngồi yên lấy một giây, vì cảm xúc được đẩy tới tận cùng, cho dù kịch bản không có gì đột phá, bám sát motif của dòng phim anh hùng - sử thi mà Hollywood đã làm mòn.
Hiệu quả - vẫn là thứ cuối cùng mà một bộ phim như thế này cần.
Sự thành công của bộ phim này còn mang tính cột mốc và giúp Hollywood - nhất là những nhà làm phim da màu - mở rộng biên độ sáng tạo, tái khám phá lịch sử và những câu chuyện huyền thoại thời tiền thuộc địa quá hấp dẫn và phong phú của cả một lục địa đen rộng lớn.
Nếu "Black Panther" là kẻ mở đường cho những bộ phim bom tấn/sử thi lấy lục địa đen làm chất liệu và cảm hứng cũng như giúp chúng lan tỏa khắp thế giới dưới đế chế Marvel thì The Woman King là kẻ tiếp nối, dũng cảm và táo bạo hơn với một tướng bà và binh đoàn tinh nhuệ toàn nữ.
Kẻ tiếp nối này tất nhiên chịu nhiều rủi ro hơn, vì không có một cái bệ đỡ siêu nhân và phá vỡ vùng an toàn khi chọn chiến binh nữ để phất cờ khởi nghĩa. Thành công này thiết tưởng có vai trò vô cùng quan trọng và kích thích cảm hứng, niềm sáng tạo cho những kẻ theo sau. Nhưng thôi chuyện đó tính sau.
Người đàn bà quyền lực
Quay trở lại với Viola Davis - tướng bà Nanisca trong The Woman King - linh hồn của bộ phim.
Tướng mạo xấu xí, dữ tợn, Viola Davis là một vị tướng bà tàn nhẫn, nguyên tắc và "thét ra lửa" với những lời hiệu triệu vang rền để kích thích tinh thần chiến đấu của chiến binh nữ. Nhưng đằng sau sự dữ dội đến mức vô cảm như một cỗ máy của bà ta là một quá khứ đau thương và tủi nhục, một kẻ thoát thân từ kiếp nô lệ bị lưu đày. Có lẽ vì thế mà bà ta không bao giờ thỏa hiệp, không bao giờ nao núng khi đối thoại với đức vua hay với kẻ thù để chấm dứt nạn buôn bán nô lệ.
Với đức vua, bà nói: "Thay vì xây dựng một đế chế làm giàu bằng buôn bán nô lệ, xin ngài hãy yêu thương thần dân của mình".
Một nhân vật không mới, nếu không nói là khá "khuôn mẫu", nhưng qua sự hóa thân của Viola Davis, nó trở thành một mẫu mực. Chất uy nghi lẫm liệt khi huấn luyện chiến binh gái, sự dũng mạnh hổ báo khi bay lên và bổ những ngọn đao tấn công kẻ thù và cả một quá khứ đau thương phải chôn giấu trong bí mật - tướng bà Nanisca của Viola Davis là một trong những vai nữ hay nhất của Hollywood vài năm gần đây, vì tài năng hóa thân xuất sắc chứ không phải vì "lý lịch trích ngang" của nhân vật.
Và một đề cử Oscar nữ chính năm 2023 cho Viola Davis là trong tầm tay, chắc chắn là thế!
Trong vòng hơn một thập niên qua, Viola Davis liên tục có những vai diễn khiến dân tình phải há hốc miệng mà ngưỡng mộ. Xuất thân từ dân kịch nghệ và chuyển sang đóng phim, suốt hơn một thập niên đầu chỉ đóng những vai phụ ít ai để ý, Viola Davis chỉ thực sự tỏa sáng trong phim Doubt (2008). Đây là một bộ phim chính kịch nặng đô nói về đức tin vị vấy bẩn trong nhà thờ với một dàn diễn viên toàn tài như Meryl Streep, Phillip Seymour Hoffman, Amy Adams và Viola Davis - vai một người mẹ da đen khốn khổ có đứa con trai đồng tính bị lạm dụng tình dục trong nhà thờ. Và dàn diễn viên toàn tài này đều được đề cử Oscar năm đó, cho những vai diễn xuất sắc của họ, tất nhiên trong đó có Viola Davis với vai diễn đẫm nước mắt.
Để rồi từ đó, cô cất cánh và liên tục có thêm nhiều vai diễn xuất sắc khác, lần lượt trong The Help (một người nô lệ da đen tủi nhục và một người mẹ thống khổ), Fences (một người vợ chịu đựng sự gia trưởng khắc nghiệt của ông chồng, do Denzel Washington đóng) hay Ma Rainey's Black Bottom (một nữ hoàng nhạc Blues hống hách kiêu ngạo chỉ để che giấu một quá khứ đen tối khác)... và rất nhiều vai diễn khác nữa.
Bốn vai diễn trong bốn bộ phim tôi điểm danh ở trên đều mang về cho Viola Davis 4 đề cử Oscar và thắng 1 giải Nữ phụ xuất sắc cho vai diễn trong Fences. Vai diễn này là "chiến thắng kép" vì trước đó, cô đã giành chiến thắng ở giải Tony (mảng kịch nghệ).
Và như vậy, Viola Davis không chỉ là nữ diễn viên da đen duy nhất trong lịch sử có đến 4 đề cử Oscar trong vòng hơn một thập niên, mà cô cũng lập một kỷ lục về diễn xuất trong giới hàn lâm mà bất cứ diễn viên nào cũng thèm khát công nhận, được gọi là "Triple Crown of Acting" - khi lần lượt chiến thắng ở cả sân khấu (Tony), truyền hình (Emmy) và điện ảnh (Oscar).
Và với cuộc đua đang rộng cửa cho The Woman King, tôi nghĩ Viola Davis còn lập thêm vài kỷ lục mới, ví dụ như trở thành diễn viên da đen đầu tiên được đề cử Oscar cho cả diễn xuất lẫn sản xuất chẳng hạn, nếu bộ phim này được đề cử cả hạng mục Best Picture. Xin nói thêm là giải Nữ phụ xuất sắc cho phim này cũng rất rộng cửa, với hai nữ diễn viên da đen đóng hai vai chiến binh nữ quan trọng.
Nói chung, trải nghiệm của tôi với bộ phim sử thi châu Phi này là thỏa mãn. Một bộ phim đúng nghĩa giải trí, nhưng được nghiên cứu kỹ lưỡng và công phu về chất liệu và biến chúng thành một lợi thế lớn khi đưa lên phim (dù vài chỗ vẫn hơi khuôn sáo). Sự dàn dựng công phu về bối cảnh, chỉ đạo võ thuật xuất sắc các màn cận chiến dữ dội với phần nhạc nền hiệu quả, nhất là tiếng trống trận... thực sự kích thích xúc cảm của người xem.
Với tôi, còn thêm một lý do nữa, được chiêm ngưỡng diễn xuất của Viola Davis - người được coi là Meryl Streep của da màu, người có thể cân tất cả mọi loại vai, từ nô lệ dưới đáy, người mẹ bị bạo hành thể chất, người vợ bị bạo hành tinh thần, ô sin bị khinh rẻ cho đến tướng cướp (Widows), luật sư, đệ nhất phu nhân (Michelle Obama trong The First Lady), nữ hoàng nhạc Blues kiêu ngạo và giờ là tướng bà dữ như sư tử cái trong The Woman King.
"Người đàn bà quyền lực" cũng là từ chính xác để nói về diễn xuất của Viola Davis, khi vai gì vào tay Viola cũng biến thành vàng đen hết.