Ngọn lửa sống mãi

Lê Thủy 07/01/2011 08:02

Lấy ý tưởng từ bài hát Ngọn đèn đứng gác (nhạc: Hoàng Hiệp, lời thơ: Chính Hữu), bộ sưu tập gồm các loại đèn chống bão, đèn Hoa Kỳ và đèn tự tạo từ nhiều chất liệu khác nhau đã được hình thành. Đặc biệt, chúng đều là kỷ vật gắn bó với quân và dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

 Góc trưng bày các loại đèn
 Góc trưng bày các loại đèn

Bộ sưu tập mang tên Ngọn lửa sống mãi, đang được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ và trưng bày trong triển lãm Những kỷ vật kháng chiến. Để có bộ sưu tập này, nhiều năm qua, các cán bộ bảo tàng đã đi khắp đất nước, mang về từ ngọn đèn dầu lạc được sử dụng ở cơ sở cách mạng của huyện  Nguyên Bình, Cao Bằng; đến những ngọn đèn làm từ chai lọ từng gắn bó với các nữ thanh niên xung phong tỉnh Ninh Bình; hay đèn măng xông của một anh hùng ở Quảng Nam, từng được dùng trong nhiều trận đánh với Mỹ ngụy... Mỗi ngọn đèn mang trong mình câu chuyện gắn với cuộc sống và chiến đấu của người lính.

 

Trong chiến tranh, những ngọn đèn này là vật cần thiết cho người lính ở cả 2 phía. Nói về chiếc đèn cổ ngoéo được cất giữ từ lâu, Đại tướng Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên là Đại đội phó Đại đội 12 cho biết: “Đèn này ngoài Bắc gọi là đèn pin, còn trong Nam gọi là đèn cổ ngoéo. Chiếc đèn này, đầu đèn không thẳng mà uốn theo hình thước thợ. Gọi là cổ ngoéo chính là đặc điểm này”. Đây là một trong số 7 chiếc đèn thu được của lính Mỹ trong trận đánh ngày 25.3.1968. Tiểu đoàn 3 trang bị cho Đại đội phó Đại đội 12 một chiếc sử dụng chiến đấu. Chiếc đèn làm bằng nhựa cứng, nhẹ, bền, thực ra, là loại đèn dùng pin để phát ra ánh sáng, có điều khi sản xuất loại đèn này đưa sang Việt Nam, Mỹ đã nghiên cứu chất liệu, cấu tạo của đèn phù hợp với điều kiện khí hậu, địa bàn tác chiến của lính Mỹ ở xử sở nhiệt đới nóng ẩm, sông nước... Từ năm 1968 cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ và sau này làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, chiếc đèn này cùng Đại tướng Lê Văn Dũng lăn lộn khắp các chiến trường, giúp ông soi đường khi hành quân, soi bản đồ khi nghiên cứu địa hình tác chiến.

 Phụ trách thiết kế trưng bày triển lãm Những kỷ vật kháng chiến, họa sỹ Nguyễn Mạnh Việt Cường cho biết: trước khi đưa vào trưng bày, các bộ phận cấu thành của đèn vẫn còn nguyên vẹn, nhưng phần lớn đã rời rạc. Các cán bộ trưng bày phải lắp lại từng bộ phận, gắn thêm những bóng điện nhỏ để làm cho các ngọn đèn hồi sinh, trở lên lung linh, hấp dẫn hơn.

Theo Thượng tá Trần Thanh Hằng, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, thiếu thốn, bộ đội ta tự tạo ra các ngọn đèn bằng nhiều chất liệu: lọ dầu thủy tinh, vỏ chai, hộp dầu lau súng, vỏ đạn M79, vỏ bom bi, bom cam, bom dứa… miễn sao gọn nhẹ, cơ động, lúc hành quân mang vác, chiến đấu, va đập không bị vỡ. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 4 vừa tặng Bảo tàng chiếc đèn kỷ niệm về trận đánh đoàn xe bọc thép của trung đoàn 9 thiết giáp ngụy trên đường 13 năm 1972. Các chiến sỹ trung đoàn 141, sư đoàn 7 đã cắt gọt từ mảnh xe bọc thép đơn vị bắn cháy làm thành cây đèn tặng ông. Cây đèn hình trụ tròn, có nắp xoắn đóng mở, 1 vỏ đạn con con được làm thành ống bấc. Dù rất đơn sơ, nó đã thắp sáng để ông nghiên cứu tài liệu, tổng kết kinh nghiệm sau mỗi trận đánh, cùng chỉ huy đơn vị nghiên cứu, lập kế hoạch tác chiến đánh địch từ năm 1972 - 1975...

Nếu thời bình, những ngọn đèn thể hiện sự đầm ấm gia đình, sự thao thức, mong chờ; thì trong kháng chiến, vượt qua biên độ của gia đình, chúng đã trở thành ánh đuốc soi đường cho các chiến sỹ ra trận, chiến đấu và chiến thắng. Không những vậy, có ngọn đèn còn là nơi người lính gửi gắm ước mơ. Nói đến cây đèn kỷ vật thời chiến, ông Kiều Hải Bằng, nguyên Đại đội phó 1, thuộc Tiểu đoàn 14, Đoàn 770, Cục Hậu cần, Quân khu 7, kể lại: “Chúng tôi lấy vỏ lọ thuốc chống vắt làm phao đựng dầu; lấy vỏ pháo sáng làm cổ đèn, nắp đậy và dây khóa xích; ống bấc đèn được làm từ ruột và lò xo bút bi bằng đồng; còn bấc đèn bằng sợi giẻ lau súng. Ở chỗ khớp nối giữa cổ đèn và phao đựng dầu, chúng tôi tạo hình một chú chim bồ câu, vừa là chỗ móc giữ nắp đèn khi thắp, vừa là biểu tượng thể hiện khát vọng chiến đấu là để cho đất nước hòa bình! Cũng vì điều này nên anh em đã đổi tên đèn từ “Hoa đăng” (tên ban đầu) thành đèn “Tia sáng - Hòa bình”. Lúc hành quân, chiến đấu, đèn được đậy chặt nắp rồi đeo bằng khóa xích vào thắt lưng. Khi ở dưới hầm, anh em cùng nhau thắp đèn để chuẩn bị phương án tác chiến, ghi biên bản cuộc họp, hay viết thư, ghi nhật ký. Ngoài ra, chiếc đèn còn là người bạn thủy chung, son sắt, vẹn tình, trọn nghĩa. Những lần sinh nhật của ai trong phân đội, anh em tập trung tất cả đèn lại thắp sao cho số đèn tương ứng với số tuổi của người đó. Còn khi có đồng đội ngã xuống, thì số lượng đèn cũng lại được anh em thắp lên bằng số tuổi của người hy sinh để tiễn biệt thay cho hương, nến...

Kết thúc chiến tranh, những người lính vẫn cất giữ các ngọn đèn này như báu vật. Nay, nhiều người đã đem kỷ vật ấy trao tặng cho Bảo tàng, để chúng tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ sau.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngọn lửa sống mãi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO