Ngọn lửa ký ức trên đường 20 quyết thắng
Rất nhiều thứ có thể trôi theo dòng chảy vĩnh hằng của thời gian, nhưng tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của thế hệ thanh niên thời chống Mỹ trên con đường Trường Sơn huyền thoại vẫn mãi là bản hùng ca bất tử.
Chiến tranh không còn nữa, nhưng hệ thống mạng lưới đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Nằm giữa khúc ruột miền Trung, Quảng Bình có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với mạng lưới đường giao thông huyết mạch nói trên. Nơi đây là đầu mối của nhiều tuyến đường quan trọng. Cùng với nơi bắt đầu tách ra 2 nhánh chính của đường 15 trước đây, nay là 2 nhánh Đông và Tây của đường Hồ Chí Minh, còn có nhiều tuyến đường ngang rất quan trọng nhằm thực hiện chiến lược lật cánh sang Tây Trường Sơn, mở tuyến qua đất bạn Lào để tăng khả năng chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đường 20 quyết thắng là một trong những đường ngang quan trọng nói trên. Bắt đầu từ phà Xuân Sơn thuộc Bố Trạch, đường 20 vắt qua dãy Trường Sơn, sang Lào và xuôi về Đường 9. Trên tuyến đường đó, máu và mồ hôi của hàng vạn chiến sỹ đã viết nên bản anh hùng ca bất tử. Dọc tuyến đường 20 quyết thắng, mỗi đoạn đường là một tọa độ lửa và đều trở thành địa danh lịch sử: Cua Chữ A, ngầm Ta Tê, đèo Pulanhic, Trọng điểm Trạ Ang, Km14…, và đặc biệt là Hang Tám Cô ở Km16 - một địa danh lịch sử bi hùng.

Chuyện kể rằng: ngay tại Km16, một tiểu đội nữ thanh niên xung phong gồm 8 người, có nhiệm vụ bám trụ để đảm bảo cho đoạn đường trọng yếu này thông suốt. Do không thể dựng lán làm doanh trại, họ chọn một hang đá cạnh đường để vừa sinh hoạt vừa ẩn nấp. Nhân dân trong vùng quen gọi đó là “Hang Tám Cô”. Vào chiều ngày 14.11.1972, mây mù như nặng hơn, bao phủ tất cả các lèn đá. Không gian một màu xám xịt như dự báo những gì sắp xảy ra… Rồi B52 rải thảm liên tục 3 loạt, khoảng chừng 180 quả bom. Những vách đá khổng lồ dựng đứng bị lắc lư, núi rừng và toàn bộ không gian rung chuyển, vụn vỡ trong tiếng bom. Một lần nữa, đường 20 lại bị cày xéo, sạt lở, đứt đoạn. Lần này, trong tiếng bom đạn, tiếng máy bay, tiếng rung chuyển của núi rừng, các thanh niên xung phong còn nghe thấy tiếng nói và hơi thở của đồng đội ở trong lòng đất đá. Trước khi kẻ thù dội bom, 4 nữ Thanh niên xung phong của tiểu đội nữ nói trên và 4 chiến sỹ của đơn vị pháo binh đang trên đường hành quân chạy vào Hang Tám Cô để ẩn nấp. Không ngờ loạt bom tàn khốc của kẻ thù đã làm một khối đá khổng lồ lăn xuống lấp kín cửa hang, giam chặt 8 người bên trong. Đồng đội của các Anh, các Chị đã tìm đủ mọi cách để cứu, từ việc dùng nhiều xe xích kết hợp để kéo đá, thậm chí đã nghĩ tới phương án dùng bộc phá cho nổ khối đá, song tất cả đều không thể. Khối đá vẫn nằm trơ, thách thức sự chịu đựng của lòng người. Đồng đội của họ chỉ an ủi lòng mình bằng cách nghiền cháo, đổ sữa… vào ống tysô, luồn qua khe đá. Các đoàn hành quân vào chiến trường khi qua đây đều dừng lại, lấy những thanh lương khô cho vào ănggô, nghiền mịn như cháo loãng rồi từ từ đổ vào hang; Phía chiến trường đi ra, những chiến binh thương tật đầy mình vẫn dừng lại, lấy những viên thuốc B1 hòa lẫn với nước ở biđông, đổ vào đầu ống rất thận trọng… Tất cả đều hy vọng điều kỳ diệu nào đó sẽ đến với đồng đội. Trong hang đá thỉnh thoảng lại vọng ra tiếng kêu: “Cứu chúng con với… Bầm ơi…”, nhưng tiếng kêu đó thưa dần, và đến ngày thứ 9 thì không còn nghe tiếng gì nữa. Các Anh, các Chị đã hy sinh! Nén đau thương thành sức mạnh, đồng đội của các Anh, các Chị lại tiếp tục lên đường, hiến dâng sức trẻ cho Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu cho tuyến đường tuổi 20 luôn thông suốt, góp phần quan trọng cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến tranh đã qua đi. Trường Sơn ngày nay đã hồi sinh. Hàng ngàn địa danh oai hùng trên mạng lưới đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại vẫn tồn tại và mãi ghi danh những người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hang Tám Cô, đường 20 quyết thắng, nơi đây, ngọn lửa ký ức vẫn bùng cháy...