Ngọn cờ hiệu triệu trái tim

Lê Thủy 30/04/2016 08:52

Khi đất nước bị chia đôi, đạn bom cày xới từng tấc đất, lá cờ đỏ sao vàng vẫn kiêu hãnh tung bay dọc giới tuyến quân sự tạm thời. Đó là linh hồn của nền độc lập, là tình cảm của nhân dân miền Bắc hướng về bà con ruột thịt ở bờ Nam. Quốc kỳ cũng như lời hiệu triệu muôn người vì ngày hòa bình không xa, Bắc - Nam sum họp, non sông liền một dải.

“Từ Quảng Trị ra Hà Nội hơn 600 cây số. Quốc lộ I bị ném bom dày đặc. Tôi và một phụ tá phải đạp xe theo đường giao liên nhận kế hoạch cấp vải. Cơm gạo đùm theo, khoảng 5 ngày ra đến Thủ đô rồi mau mau chóng chóng quay về Ty Thương nghiệp Vĩnh Linh (thuộc Bộ Nội thương) nhận vải. Về đến đơn vị, lại tất bật may cờ”… Những ngày tháng tư đầy nắng gió, ở tuổi 80, ông Nguyễn Đức Lãng - Trung úy, trợ lý hậu cần Công an vũ trang Vĩnh Linh (1954 - 1974) kể rành rẽ cho chúng tôi chuyện năm xưa gian khó giữ vững ngọn cờ độc lập trên bầu trời.

Trận đấu cờ lịch sử

 
Ngoài may cờ Tổ quốc trên cầu Hiền Lương, ông Nguyễn Đức Lãng còn may cờ giải phóng cho đội quân cắm cờ lấn đất - nơi nào có cờ là vùng của quân giải phóng. Ngày 20.4.1975, cùng đơn vị về tiếp quản thị xã Tuy Hòa, ông lại mượn máy may của bà con địa phương để tạo nên những lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên trên mảnh đất sau giải phóng... Đến nay, dù ở thời bình, ông vẫn may cờ Tổ quốc treo trước cửa nhà trong những ngày lễ của đất nước, nhắc nhớ con cháu ý nghĩa của lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng.

Theo Hiệp định Geneva 1954, giới tuyến quân sự tạm thời lấy mốc là dòng sông Bến Hải. Tại các đồn bảo vệ giới tuyến ở bờ Bắc như đồn Cửa Tùng, đồn Phát Lát, Phước Lý, Hiền Lương, Cù Bai... ngay khi quân Pháp vừa rút khỏi miền Bắc, công an giới tuyến chiếm đóng các vị trí theo quy định và bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng - cột mốc biểu tượng cho độc lập, khát vọng thống nhất đất nước. Trong đó, cột cờ đồn Hiền Lương được cả phía ta và địch chú ý hơn cả, là nơi diễn ra cuộc đấu cờ lịch sử.

Ông Nguyễn Đức Lãng kể, những ngày đầu, bộ đội chặt cây phi lao (cây dương) cao khoảng 12m, dựng lên làm cột cờ và treo lá cờ kích thước 4,8m x 3,2m. Đối diện là lô cốt Xuân Hòa của bờ Nam, cờ cắm trên nóc cao 15m. Dự lễ Quốc khánh đầu tiên (2.9.1954) tại huyện Vĩnh Linh, đồng bào miền Nam ra cầu Hiền Lương, yêu cầu miền Bắc phải có cột cờ cao hơn. Để bà con ở xa có thể nhìn thấy rõ hơn lá cờ treo ở bờ Bắc, bộ đội lên rừng chặt cây, dựng cột cờ cao 18m, tăng kích thước lá cờ lên 6m x 4m. Ngay lập tức, ở bờ Nam chính quyền Việt Nam Cộng hòa dựng một trụ xi măng cốt thép cao 30m. Không thể thua trong cuộc đấu tranh chính trị này, tháng 7.1957, một cột cờ cao 32m bằng ống thép được dựng lên, do Cơ khí Hà Nội vận chuyển và lắp đặt, trên đỉnh là lá cờ rộng 12m x 8m (diện tích 96m2) nổi bật trên bầu trời. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lại tôn cột cờ phía Nam lên 35m. Đáp lại, Khu ủy Vĩnh Linh đề nghị và được Trung ương cho phép nâng cột cờ lên 38,6m, trên đỉnh ngọn cờ là ngôi sao 5 cánh bằng đồng, mỗi cánh có bóng điện 500w, được cấp máy điện để thắp sáng. “Về đêm, cả hai miền Nam - Bắc đều có thể nhìn thấy ngôi sao 5 cánh rực sáng trên bầu trời. Mọi người gọi đó là lá cờ, ngôi sao hiệu triệu, là sự vẫy gọi của Tổ quốc, mang khát vọng thống nhất Nam - Bắc một nhà. Đó còn là điểm tựa, chỉ dấu cho các đoàn quân phía ta ra vào Bắc - Nam tránh lạc đường”.

Không thể dựng cột cờ cao hơn, chính quyền Ngô Đình Diệm tập trung đánh phá, cho máy bay thả bom, pháo dưới tàu và các căn cứ bắn ra đồn Hiền Lương. Ngày 2.8.1967, cột cờ đồn Hiền Lương bị gãy, bộ đội liền chặt cây, nối trên cột điện, tạo thành cột cao khoảng 20m, treo lá cờ 4 x 6m. Ngay đêm hôm đó, một tổ trinh sát của ta đột nhập vào đồn Xuân Hòa, đặt bộc phá, đánh bật cột cờ Việt Nam Cộng hòa, kết thúc cuộc đấu cờ lịch sử.

Cột cờ giới tuyến Hiền Lương, Quảng Trị Ảnh: Ngọc Phương
Cột cờ giới tuyến Hiền Lương, Quảng Trị Ảnh: Ngọc Phương

Gửi gắm tình cảm Bắc - Nam

Suốt cuộc kháng chiến ác liệt, có những người được giao trọng trách may cờ Tổ quốc, vận chuyển cờ đến vùng giới tuyến, tại mỗi đồn cũng có tiểu đội đảm nhiệm treo cờ. Năm 1954, ông Nguyễn Đức Lãng chưa đầy 20 tuổi, được giao nhiệm vụ lấy cờ từ Quân khu 4 về treo trên đồn Hiền Lương. Những năm 1960 - 1974, tình hình chiến sự căng thẳng, ông được Bộ Tư lệnh cấp cho một máy khâu, chỉ, vải trực tiếp may. Cờ kích thước lớn, máy khâu thì nhỏ, phải mất mấy ngày mới xong lá đầu tiên, nhiều chỗ còn co rúm. Nhưng vốn khéo tay, may thạo, sau thời gian ngắn, lá cờ kích thước 96m2 được ông hoàn thành chỉ trong 2 ngày rưỡi.

“Đồn Hiền Lương nằm ven sông, cờ treo ở vị trí cao, vải lại dày và nặng, mỗi đường biên đến 5 - 6 lần chỉ cũng không chống nổi sức gió, rồi bom đạn bắn phá. Vì vậy, 1 năm phải thay tới 14 lần. Lá cờ cũ, rách vẫn có thể sửa sang, tận dụng 2 - 3 lần. Cờ cũ bị rách không thể khâu sửa thì may áo cho bộ đội, mảnh vụn dùng lau chùi vũ khí” - ông Lãng kể. Mỗi lá cờ diện tích 96m2 cần đến 122m vải đỏ, 12m vải vàng; với khổ 80cm, phải ghép đến 10 mảnh vải. Cũng vì cờ kích thước lớn, khi may ở doanh trại Hòa Bình, Vĩnh Linh, ông trải vải ra sân cắt cho chuẩn, rồi ghép sao vàng. Cực nhọc hơn là những ngày sơ tán, ngồi may cờ trong hầm, người lúc nào cũng bám đỏ bụi bông. Khi khẩn cấp, anh em không thể đến chuyển cờ về đồn, ông lại đạp xe từ Hồ Xá về Hiền Lương, chở theo lá cờ gấp gọn, bọc kín bằng giấy màu tối. Đang đi gặp máy bay địch, ông phải bỏ xe xuống ruộng trú, rồi lại lên đường đi tiếp. “Dù nhiều gian nan, hiểm nguy như vậy, nhưng chẳng ai quản ngại chi. Mỗi lá cờ may xong, treo ở Hiền Lương, tôi sung sướng vì đó là nơi gửi gắm tình cảm của con em đang tập kết ra Bắc, đáp lại mong ngóng của bà con ruột thịt ở bờ Nam”.

Ngày hòa bình, Bắc - Nam một nhà, niềm mơ ước của những người con đất Việt chung một ngọn cờ đã trở thành hiện thực. Cột cờ giới tuyến hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, giờ được phục chế, vững chãi đứng cạnh cây cầu Hiền Lương. Mỗi năm một lần, lễ thượng cờ trong Ngày hội Thống nhất non sông (30.4) mở lại trang sử hào hùng, giúp thế hệ trẻ thêm trân trọng những giây phút hòa bình, thống nhất hôm nay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngọn cờ hiệu triệu trái tim
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO