Ngôi chùa thờ bài vị vua
Chùa tọa lạc trên đất làng Huy Văn xưa, một làng cổ kính của Thăng Long, hiện nay ở trong ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội. Chùa Huy Văn thờ Phật như bao chùa khác, nhưng có điểm khác là thờ bài vị vua Thái Tổ và vua Thần Tông nhà Lê. Ở ngay trước chùa còn có ngôi đền Dục Khánh với tượng thờ vua Lê Thánh Tông, Quang Thục Hoàng Thái hậu (mẹ Lê Thánh Tông) và Trường Lạc Hoàng hậu (vợ Lê Thánh Tông).

Theo bi ký trong chùa Huy Văn, chùa được lập từ thời Lê Thái Tông (1434 – 1442). Thời ấy, trong số phi tần nội cung có người họ Ngô tên Dao Viên. Bà Dao Viên có thai, Huệ phi của Thái Tông dò biết đã ghen tức, muốn triệt hạ. Dao Viên được người giúp, đêm khuya trốn đến nương náu ở chùa Huy Văn, sau sinh được con trai là Lê Tư Thành. (Theo Phạm Thị Phả dẫn ở đầu bộ Ức trai thi văn tập, thì bà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao bị đầy ải, vợ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ giúp xin vua tha giam cầm và đưa ra ở chùa Huy Văn). Lê Tư Thành đĩnh ngộ, thông minh, được mẹ chăm cho đi học. Khi các đại thần nhà Lê dẹp yên loạn Nghi Dân, đã đón Lê Tư Thành về, lập làm vua, đó là Lê Thánh Tông. Lên ngôi vua, ông tôn mẹ làm Quang Thục Hoàng Thái hậu, cho sửa sang chùa Huy Văn để ghi nhớ nơi sinh trưởng của mình. Thái hậu không muốn về sống trong cung vua Thánh Tông đã cho dựng ngôi biệt điện để mẹ ở và thờ Phật. Điện ấy là đền Dục Khánh.
Thái hậu ở đó được 30 mươi năm thì qua đời, vua Thánh Tông cho đúc tượng và chuông, thờ mẹ ngay tại đền. Tượng và chuông ấy sau bị kẻ gian lấy mất. Đến năm Vĩnh Trị thứ 3 và thứ 4 (1678), nhà chùa đứng ra khuyên hóa, đúc lại chuông và tượng. Riêng pho tượng Trường Lạc Hoàng hậu, văn bia không ghi thời gian lập tượng. Đến cuối thời Lê, đầu đời Nguyễn, chùa bị hư hại nhiều. Năm Minh Mạng thứ tư, 1823, có những người dòng dõi nhà Lê đóng góp tiền của và tu sửa chùa. Đến năm Tự Đức 17, 1864, chùa Huy Văn lại được tu sửa… Riêng pho tượng vua Lê Thánh Tông vốn là ở chùa Khán Sơn, vào cuối triều Lê, khi quân Tây Sơn ra Thăng Long, một loạn quân đã phá chùa Khán Sơn, người ta mới rước tượng Lê Thánh Tông về chùa Huy Văn để thờ phụng.

Lê Thánh Tông là vị vua hiền minh bậc nhất trong các vua Lê. Ông sinh năm 1442, làm vua từ 1460 -1497 với hai niên hiệu là Quang Thuận và Hồng Đức, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Ông là vị vua anh hùng, tài lược, dù Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không hơn được. Lê Thánh Tông hết sức chăm lo đến đời sống nhân dân, đặc biệt ưu ái kẻ sỹ. Thời gian 37 năm ông ở ngôi, đất nước có tới 501 người đỗ Tiến sỹ. Lê Thánh Tông giỏi cả thơ và văn, sâu sắc cả Nôm và Hán, để lại cho lịch sử văn hóa nhiều trước tác lớn do ông cùng triều thần làm hoặc do riêng ông sáng tạo nên: Luật Hồng Đức, Đại Việt sử ký, Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Hồng Đức thiên hạ bản đồ. Hành chính nước Đại Việt với 5 đạo thời Lê Thái Tổ, Thánh Tông chia thành 15 đạo, rồi đổi gọi là thừa tuyên; dưới thừa tuyên là phủ, huyện, châu, tổng, xã… Trình độ quản lý đất nước đạt đến đỉnh cao, đơn cử việc ông cho vẽ bản đồ quy mô toàn quốc với trình độ đạt đến đỉnh cao của nhân loại đương thời. Đến mức, hai thế kỷ sau, Alexandre de Rhode đến nước ta và vẽ bản đồ, dù có được kỹ thuật đồ bản phương Tây thế kỷ XVII, vẫn phải chịu ảnh hưởng nhiều và trong chừng mực nào đó còn không bằng bản đồ thời Hồng Đức. Bản đồ mà A.Rhode vẽ không đặt theo trục Bắc – Nam mà cũng đặt chiều đứng theo trục Tây – Đông giống như bản đồ Hồng Đức! Đặc biệt, Lê Thánh Tông canh tân mọi mặt từ văn hóa, chính trị, hành chính và kinh tế một cách căn bản. Ông cho mở mang đồn điền, khai khẩn đất đai, khuyến nông, nuôi dưỡng sức dân trong việc làm tăng trưởng sức dân… và hết sức táo bạo là cai trị bằng luật pháp. Đỉnh cao tiêu biểu của pháp trị thời Lê Thánh Tông là ban hành Bộ Luật Hồng Đức. Ông đã nói với các đại thần: Pháp luật là phép công của Nhà nước, ta với các ngươi phải cùng tuân theo. Ngày nay, Gs.Oliver Oldman, Chủ nhiệm Khoa Luật Á Đông, Đại học Harvard, đánh giá rất cao Luật Hồng Đức và coi là hệ thống luật “tương đương về chức năng so với quan niệm luật pháp Tây phương cận, hiện đại…”
Lê Thánh Tông cũng là một nhà văn lớn, với tác phẩm tiêu biểu là Thánh Tông di thảo, gồm 19 truyện có tính truyền kỳ, vừa có tính ngụ ngôn, lại có màu sắc quái đản dị thường, và thảy đều mang bút pháp đại gia. Các truyện như Tinh chuột, Hoa quốc kỳ duyên, Hai phật cãi nhau… có sức cuốn hút cả về nghệ thuật thể hiện và tư tưởng triết học. Thánh Tông di thảo là mốc quan trọng ghi nhận bước trưởng thành của truyện ký nước ta viết bằng chữ Hán, ra đời trước cả tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI). Về thơ, Lê Thánh Tông là một thi nhân mang tầm vóc thời đại. Thơ ông là tiếng nói của một nhân cách lớn, một nhà tư tưởng lớn, một trái tim chứa cả núi sông: Nắng ấm nghìn trượng tỏa trên ngọn cờ…/Phóng hết tầm mắt nhìn núi sông muôn dặm (Bài Buổi sớm từ sông Cấm đi tuần phía Đông).
Ở ngôi chùa cổ Huy Văn, dấu tích về gốc rễ đời Lê Thánh Tông, lời bi ký và ngọc phả là dân gian ghi nhận, vừa có màu sắc thánh thần, vừa sâu thẳm tôn nghiêm. Nhà bác học Phan Huy Chú (1782 -1840) ghi nhận cụ thể về Lê Thánh Tông tay không rời sách, kinh sử, chư tử, dịch số, toán chương đều tinh thông, văn thơ còn giỏi hơn các bề tôi… (là vị vua) văn vũ tài lược hơn cả các đời.