Tản mạn

Ngòi bút sau vương miện

- Thứ Ba, 08/06/2021, 06:27 - Chia sẻ
Mọi người hay gọi cô là “Thủy hoa hậu”, nhưng với tôi, Thủy hơn hết là một người viết mà câu chữ làm tôi nể trọng, cả về kiến văn lẫn thái độ làm nghề. Dù rằng, Thủy có lẽ chỉ viết báo một chặp vào cái hồi bị tôi “xúi dại” ấy, lúc Thủy đang trong chuyến đi châu Âu (9 -12.2015).

Thật ra lúc mở lời đặt Thủy loạt bài “Châu Âu du ký” (đăng trên Báo Đại biểu Nhân dân, từ tháng 12.2015 - 1.2016), nhân chuyến đi làm phim tài liệu về người Việt tại châu Âu của Thủy, tôi thật không thể ngờ Thủy hào hứng nhận lời, rồi đều đặn gửi cách tuần lần lượt 9 bài viết công phu, kỹ lưỡng và lôi cuốn. Một cú làm nghề tài tử mà chuyên nghiệp không chê vào đâu được: Bố cục chắc nịch, văn phong duyên dáng, kiến thức rộng dài và được thẩm thấu hết sức nhuần nhuyễn... Và đáng nói, Thủy đúng hẹn kinh khủng, ngày đi làm phim cùng ekip, đêm về cặm cụi viết bài, giữa cái lạnh tháng 12 ở Paris. Nhiều bài, nhiều câu trong số quả thật khiến tôi “ghen thầm” khi trước đó từng chắc mẩm mình sở trường thể loại chân dung - phỏng vấn. 

Tôi nhớ mãi cách Thủy tả “gương mặt lớn của văn chương đương đại Pháp trong căn hộ nhỏ” của bà tại Paris, cách Thủy đặc tả ánh nhìn chưng cất từ im lặng đó: “Còn Linda Lê, bà im lặng và sẵn sàng im lặng rất lâu, lâu cho đến khi nào mỗi đồ vật và con người đang xâm lăng vào thế giới của bà kia tạm yên ổn. Bà hướng ánh mắt ra ngoài cửa sổ, nhưng tôi biết bà không hẳn là đang nhìn ra những thứ bên ngoài cửa sổ, mà chỉ là vì không gian bên trong lúc này chật hẹp đến độ không đủ cho cả một ánh nhìn...”.

Hay cách Thủy tả nụ cười của nghệ sĩ Jazz tài danh, cũng là một người Pháp gốc Việt: “Đối với tôi, Nguyên Lê trước hết là một nụ cười. Một nụ cười không chỉ đẹp, mà hơn thế nhiều, ở đó có một sự ngây thơ mà tôi cho là rất quý giá, một sự ngây thơ mà người ta chỉ có thể đạt đến được sau rất nhiều từng trải...”.

Sau khi biên tập loạt bài đó của Thủy, tôi gần như mất một thời gian để lấy lại được sự tự tin cho mình khi đối diện với những gì mình đứt gãy, trổng troảng, hoặc bị “chai bút”, sau ngần ấy năm mài chữ. Cũng có những điều, tôi mãi mãi không thể học.

Nhớ Thủy, cô bạn cùng tên, cùng tầm tuổi, cùng từng là “người nhà” báo Tiền Phong, tôi nghĩ là tôi sẽ nhớ mãi cái buổi tối chở Thủy về trên con Chaly cúc cu bé tý (mà lẽ thường một hoa hậu mới đăng quang sẽ không chịu “vi hành” thế), chỉ vì hai đứa chung đường về. Hai đứa sinh viên năm nhất, cùng chạy về phía Thanh Xuân, đêm mùa hạ mà không biết sao trời như mù sương, như 20 năm sau đó, từ Paris mùa đông, Thủy tận tụy viết cho bạn đọc của báo tôi những dòng viết thật đẹp về tuổi trẻ: “... Ngay lúc ấy, tôi hiểu, có một điều gì đó rất lạ lùng và nhẹ nhõm đang lan tỏa trong không khí. Tôi gọi nó là tuổi trẻ. Tôi muốn gọi nó là thanh tân. Tôi tin nó có hơi hướm của tự do, và nổi loạn, và nhiều thứ khác...”.

Có phải, đó chính là Thủy đấy không? Ngay cả sự ra đi quá đỗi đường đột này...

Thuỷ Lê