Ngôi báu và tổ ấm

06/02/2008 00:00

Nếu như không có vụ “thoái vị vì tình” của vua Edward VIII, thì làm sao cô cháu gái gọi ngài bằng bác ruột lại trở thành đương kim Nữ hoàng Anh?

      Khi Thủ tướng Stanley Baldwin mật báo với nhà vua rằng không một quần thần nào trong triều đình chịu đồng tình với cuộc hôn nhân giữa ngài với quý bà Simpson, Edward VIII vẫn khăng khăng: “Không, không, không được ngăn cản ta!”. Khi đó, họ đưa ra ba phương án để nhà vua chọn lấy một: hoặc bãi bỏ đám cưới; hoặc cứ cử hành đám cưới, bất chấp sự can ngăn của chính phủ; hoặc tuyên bố thoái vị ngay. Song, mọi người đều nhanh chóng hiểu ra rằng, đối với Edward, sự cân nhắc giữa người tình với ngai vàng vốn không hề có. Nhà vua thà từ bỏ ngai vàng chứ không chịu chia tay người tình.    

***

      Năm Edward ra đời, thành người chắt trai đầu tiên của Hoàng gia Anh, thì Nữ hoàng Victoria đã 75 tuổi, trong đó có 57 năm trị vì xứ sở Sương Mù. Nữ hoàng sinh hạ được 9 người con và tổng cộng 40 người cháu. Vị Nữ hoàng trường thọ này tạ thế vào năm 1901, để lại ngôi báu cho người con trai cả. Edward VII lên ngôi được 9 năm thì băng hà (1910), thế là vương miện được truyền cho George V. Tiếp đó là sự ra đời của Thái tử Edward, người chắt trai đầu tiên của Nữ hoàng Victoria, niềm hy vọng và hãnh diện của ngai vàng Anh. 
      Cũng như mọi chàng trai được quyền thừa tự ngai vàng, Thái tử Edward sống một cuộc sống vô tư, thường xuyên chu du thiên hạ và cũng có không ít cuộc tình trăng gió, song vẫn chưa buồn tính đến chuyện kết nghĩa đá vàng với bất cứ một ai. Hơn thế nữa, Thái tử còn có lần buông một câu đùa khiến cả triều đình giật mình, rằng chỉ ham chơi thể thao và thưởng thức nghệ thuật, cho nên chắc sẽ không lấy vợ bao giờ… Nhưng nếu nói Thái tử không tơ vương với bóng hồng nào thì e sai sự thật. Ngược lại nữa là khác – Thái tử rất hay thay đổi sở thích và tạo cảm tưởng là chàng không có khả năng cho những cảm xúc sâu sắc, lớn lao. Trên thực tế đã có trường hợp Thái tử phải lòng Freda Dudley Ward, mà người này lại chính là phu nhân của một vị trong Hội đồng Nguyên Lão. Người phụ nữ đó rất quan tâm đến chuyện triều chính và những bậc quân tử thông minh, nhưng xét về tuổi tác thì hơn chàng Thái tử tay chơi những hai chục tuổi. Nói tóm lại, đấy là một người thâm thấp, nhưng kiều diễm và duyên dáng vô cùng, đặc biệt là rất giỏi giang trong việc chiều chuộng… Thái tử nuôi dưỡng mối quan hệ ngấm ngầm đó đến hơn chục năm trời, vậy mà khi ngỏ lời cầu hôn, chỉ nhận được từ người đàn bà một lời… từ chối. Người đàn bà đó hiểu rất rõ, không đời nào nhà vua chịu chấp thuận cho con trai mình cưới một người đã qua một đời chồng. Sau đó xuất hiện bóng hồng thứ hai - Telma Ferness, một dạng người đẹp hoàn toàn tương phản với người trước - nhan sắc thì có, nhưng đầu óc lại rỗng không, và phần lớn thời gian hò hẹn trôi tuột theo những câu chuyện tầm phào vớ vẩn. Cuộc tình này không chạm gì đến cõi lòng thẳm sâu của Thái tử nước Anh. Cho đến khi chàng gặp Wallis Warfield Simpson, người phụ nữ sinh năm 1896 tại Baltimore (Mỹ) trong gia đình thuộc dòng họ Warfield.

***

      Người đàn bà này từng có chồng, mà lại không chỉ một lần. Người chồng đầu tiên đã mất sớm vì bệnh lao, còn người chồng thứ hai thì đã ly dị, rồi nàng yêu mê mẩn một nhà ngoại giao Argentina, nhưng rốt cuộc vẫn bị ông ta bỏ rơi. Thất tình, nàng bèn sang Trung Hoa giải khuây, đến khi trở về New York, gặp được ngài Simpson và lấy vị doanh nhân này. Họ làm đám cưới năm 1928 và đưa nhau chu du châu Âu hưởng tuần trăng mật, rồi ở lại London. Tại đây, số phận run rủi đã đưa con tàu của Wallis Warfield Simpson vào một vùng vịnh lặng để rồi cập bến hạnh phúc. 

      Một lần, ấy là hồi tháng 11-1930, Wallis được mời tới dự dạ tiệc của một danh gia với thông báo trước: Thái tử Anh quốc cũng sẽ có mặt tối nay. Wallis vô cùng hồi hộp: mình còn chưa biết nghi lễ chào đón Hoàng gia, vậy thì phải học cấp tốc cho phải phép. Thật là đáng ngạc nhiên, đến lúc được dẫn đến chào Thái tử, Wallis đã không còn thấy cảm giác gò bó nữa. Theo lời nàng kể sau này thì ấn tượng để lại tối đó là một chàng Hoàng tử với cặp mắt âu sầu, những lọn tóc ánh vàng, sống mũi hơi hếch và phong thái tuyệt đối tự nhiên. Hình như Thái tử đã có cảm tình với Wallis ngay từ ánh mắt đầu tiên. Khi đó, hình như đã có một tạp chí chiêm tinh học tiên đoán về cuộc tình giông bão sắp tới của Thái tử Edward: “Nếu như đã mang lòng yêu, Thái tử hẳn sẽ hy sinh thứ gì cũng không tiếc, ngay cả vương miện, miễn là đừng đánh mất đối tượng của niềm say đắm”. Hình như đến lúc đó, lời tiên đoán đã bắt đầu trở thành sự thật, linh cảm ban đầu chuyển thành nỗi đam mê. Quý bà Wallis đã mê hoặc thế nào mà Thái tử chẳng còn nghĩ đến điều gì khác nữa. Một sức mạnh ngấm ngầm và dữ dội có khả năng lay chuyển cả vầng hào quang của triều đình Anh… 
      Wallis đâu có đến nỗi là người phụ nữ vô song? Không thể gọi đó là con người có nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành”, không thể gọi đó là người phụ nữ kín đáo đoan trang - thậm chí, phải nói thực là khêu gợi quá mức nữa. Như muốn lý giải nguyên nhân nỗi mê mẩn của Thái tử, một tạp chí hồi ấy đã nhận xét: “Sức cuốn hút của đàn bà chẳng phải lúc nào cũng bắt nguồn từ nhan sắc”. Và mối quan hệ giữa hai người cứ ngày một khăng khít: giai đoạn đầu, Wallis còn giữ gìn ý tứ, biết mình vẫn đang còn là vợ của ngài Simpson, nhưng về sau, thông tin vẫn bị rò rỉ, mặc dù không phải do báo chí Anh loan ra. Vua cha bị sốc nặng, phải ngày đêm cầu đến thần linh, thượng đế làm cho mối quan hệ trớ trêu nọ mau chóng qua đi như những trò nông nổi bốc đồng khác của con trai mình. Nào ai biết được, nếu như vua George V phải tận mắt chứng kiến những gì sẽ diễn ra sau đó thì Ngài sẽ ra sao, nhưng, chẳng hiểu do may mắn hay là bất hạnh, Ngài đã không sống nổi đến ngày vỡ lở mọi chuyện. Tháng 1-1936, George V qua đời. Ngay trong đêm, Edward gọi điện cho Wallis thông báo tin buồn và không quên chêm vào một câu: “Không ai lay chuyển nổi tình cảm giữa ta với nàng đâu”.

***

      Trong những tháng mới lên ngôi, Tân Vương Edward VIII đã gặp vô vàn công việc thúc bách, vì thế những cuộc hẹn hò với Wallis ngày càng thưa thớt, và nàng đã tưởng mối tình của mình đang đi đến hồi kết. Nhưng một lần, giữa thanh thiên bạch nhật, gặp nàng, Tân Vương đề cập chuyện cưới. Tân Vương nói rằng mọi chuyện đã được định đoạt, vấn đề là chờ chọn thời điểm mà thôi, bởi Ngài đã thấm thía một điều: nàng trở nên cần thiết cho Tân Vương hơn bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, Wallis vẫn không thể tin vào tính khả thi của đám cưới. Bậc quân vương ở nước Anh này không thuộc về chính mình, không được phép tự tiện sắp đặt cuộc sống của bản thân. Nhưng đến khi nghe thấy nhà vua gọi nàng là “vợ” thì nàng bắt đầu tin: nhà vua đã nói một cách nghiêm chỉnh.  

      Edward VIII cùng Wallis xuất hiện trước công chúng thường xuyên hơn và những chuyện đàm tiếu về mối quan hệ của hai người ngày một lan rộng. Tình thế của bà Simpson  ngày càng trở nên khó xử, nhất là khi phải đối diện với chồng… Rốt cuộc thì Edward cũng phải đích thân đến nhà ngài Simpson và tuyên bố thẳng: “Ta không thể nghĩ gì đến chuyện triều chính nếu như không có Wallis bên ta”. Ngài Simpson đáp rằng, thôi, cứ để cho Wallis toàn quyền định đoạt. 
      Sự lựa chọn của người đàn bà không khiến phải chờ lâu, vả lại, tất cả những nỗi bất tiện trong quan hệ của họ, những món quà chẳng lấy gì làm hào phóng của người bạn tình đã đẩy Wallis đi đến quyết định dứt khoát. Hai người đều nghĩ rằng Thượng đế sinh ra họ là để gắn bó họ với nhau, một sự gắn bó không chỉ về thể chất, mà hơn nữa - nó là sự tương hợp về cả trí óc lẫn tâm hồn. Rốt cuộc, Wallis quyết định ly hôn với chồng.
      Tòa mất đúng có 19 phút để xử vụ ly dị này. Ngay sau đó, tờ Times tung tin giật gân: “Nhà vua sẽ lấy Wallis làm hoàng hậu” và bình luận về mối tình bốc lửa của nhà vua đối với một người đàn bà không mang trong mình dòng máu hoàng tộc. Báo dẫn ra những trường hợp đã gặp trong lịch sử. Ở thế kỷ XVI, trong số 6 người vợ của vua Henric VIII (1491-1547), có đến 4 bà xuất thân đâu phải dòng “lá ngọc cành vàng”. Vua Lyudovik XIV (1638-1715) buộc phải giấu giếm cuộc hôn nhân không “môn đăng hộ đối” của mình với người tình de Mentenon, sau này trở thành một madam xuất chúng. Rồi cuộc hôn nhân thứ hai của vua Phổ Friedrich Wilhelm III (1770-1840) cũng trong hoàn cảnh tương tự.

      Chuyện dựng vợ gả chồng đối với bất kỳ thành viên Hoàng gia nào ở châu  Âu bao giờ cũng mang sắc màu chính trị, rất hiếm khi xuất phát từ tình yêu đôi lứa. Chỉ có những người xuất thân danh gia vọng tộc tương đương - có đảm bảo chắc chắn về chính trị, quân sự hoặc tài chính - thì mới được nhằm vào vai hôn thê hoặc hôn phu của người sẽ kế vị ngai vàng. Trường hợp người kế vị ngai vàng nặng lòng yêu một phụ nữ thuộc tầng lớp bình dân, cũng có thể kết hôn, nhưng người vợ sẽ không được hưởng quyền phong tước hiệu, thừa kế tài sản và con cái cũng không được hưởng quyền kế vị cha. Vậy cho nên, khi không thể bãi bỏ đám cưới của vua Edward với Wallis, báo chí Anh đã được mùa nhờ những cú giật tít liên tiếp: Tình yêu hay ngai vàng, Wallis khước từ lời cầu hôn của nhà vua, Kết thúc một cuộc khủng hoảng, Vua Edward vẫn tại vị, v.v… Bất chấp mọi sự đoán già đoán non, vào cuối tháng 12-1936, Edward VIII quyết định đặt chữ ký của mình vào bản tuyên bố thoái vị. Ba Hoàng tử em ruột của Edward đều có mặt tại lễ ký. Trong văn bản độc nhất vô nhị đó của lịch sử nước Anh có đoạn viết:
      “Tôi, Edward VIII, nhà vua của nước Anh, nước Ireland và các nước chư hầu khác của Anh, Hoàng đế của nước Ấn Độ, xin trịnh trọng tuyên bố về quyết định cứng rắn và dứt khoát của mình là từ bỏ ngai vàng và mong muốn sao cho tuyên bố này sớm có hiệu lực”. 
      Lạ làm sao – vào thời điểm đó, Wallis đang ở Cannes (Pháp) và đang nỗ lực tìm cách ngăn cản Edward đừng sa chân xuống vực, nhưng đã không thể ngăn được nữa. Wallis nhận được cú điện thoại thông báo sự đã rồi, chỉ biết buông một câu: “Mụ mẫm hết” và nức nở.

***

      Edward VIII giữ ngôi được đúng 325 ngày, 13 giờ 57 phút rồi nhận làm công tước Windsor. Cựu vương lên một chiếc xe bọc thép rời xứ sở. Trước khi xuống tàu thủy, ông còn vái chào Tân Vương George VI là em trai mình và không chần chừ dấn thân vào cuộc sống biệt xứ tự nguyện, vẻ phởn phơ chân thành vì vừa giành lại được tự do. Theo lời kể sau này của đám tùy tùng thì Công tước, sau khi gọi điện cho Wallis, còn vào phòng tắm và nghêu ngao hát một hồi lâu rồi mới chịu tự tay gói ghém đồ đạc. Ông vơ hết 16 bức ảnh của nàng Wallis mọi ngày vẫn bày la liệt trên bàn. 

      Theo phong tục cổ truyền thì vợ của công tước cũng được nhận tước hiệu và các chế độ ưu tiên tương xứng để khi gặp, bất kể người nam hoặc người nữ nào cũng phải chào, thưa kính cẩn. Nhưng đây lại là người đàn bà Mỹ cao kều, một con cái dằm trong mắt nhiều nhân vật cao cấp. Dưới sức ép của nội các, nhà vua buộc phải truất tước hiệu của Wallis, việc đó khiến người anh trai ruột giận đến tím mặt nhưng vẫn chẳng làm gì được. Đã có một sắc chỉ quy định không được dùng nghi thức Hoàng gia đối với trường hợp phu nhân và cái của công tước Windsor. Ngài Edward nghe vậy cười chua chát: “Một món quà cưới không thể chê vào đâu được”, rồi hối thúc làm lễ cưới cho nhanh.
      Đám cưới Edward và Wallis vẫn có nhẫn cưới được chế tác bởi thợ kim hoàn xứ Wales, có phiến gỗ chạm dòng chữ Edward-Wallis - 1937 và một lô ảnh lưu niệm. Khi người phó nháy nhắc: “Tươi lên nào”, Wallis đáp: “Chúng tôi lúc nào chả tươi”. Lâu đài được chọn làm phòng cưới bí mật nằm ở không xa thị trấn Cande là mấy, khách mời có đúng 16 vị, trong đó có con trai của Thủ tướng Anh Churchill, vợ chồng Rotscheld, Tổng lãnh sự Anh tại Nantes và Thư ký Thứ nhất Đại sứ quán Anh tại Pháp. Ai có thể ngờ rằng chú rể chỉ mới nửa năm về trước còn ngự trên ngai vàng nước Anh và trị vì đến nửa tỉ thần dân. Phòng cưới được trang hoàng quốc kỳ Anh và quốc kỳ Pháp, có cảnh sát mặc lễ phục bảo vệ xung quanh. Khi vị linh mục hoàn thành nghi thức nhà thờ Anh và nhắc mọi người cầu nguyện Thượng đế phù hộ cho chú rể cô dâu, tiếng đàn organ cất lên, cặp tân hôn ôm hôn nhau thắm thiết. Sau nghi thức kết hôn là bữa tiệc cưới, và Wallis cắt chiếc bánh cưới 6 tầng mời khách. Mọi người uống rượu champagne mác Lowson cất dưới hầm từ năm 1921... Sau đó Edward có lời đề nghị báo chí hãy để cho hai người được yên để hưởng tuần trăng mật, nhưng xem chừng lời đề nghị ấy chẳng lọt vào tai đám nhà báo tò mò...  
      Bóng mây chiến tranh kéo đen trên bầu trời châu Âu, báo hiệu quân Đức sắp tấn công nước Pháp. Paris, nơi công tước cùng vợ mới cưới cư trú, chắc chắn sẽ bị chiếm nay mai. Công tước chạy vạy đưa Wallis ra vùng an toàn, đến Rivera rồi vượt biên giới sang Tây Ban Nha. Khi quân Đức đầu hàng, họ đang ở New York (Mỹ) và chuẩn bị kỷ niệm 10 năm chung sống bên nhau. Hòa bình, họ lại chuyển về Paris. Thương chồng đã đường đường một thời làm vua, Wallis muốn tậu một lâu đài danh tiếng và tương xứng, và cuối cùng họ dọn đến ngôi biệt thự từng là tư dinh của Tổng thống Charles de Gaulle. Wallis say sưa vun vén cho tổ ấm của mình và cùng chồng dành nhiều thời gian chu du thiên hạ. Tháng 2-1952, vua George VI qua đời, công tước một mình trở về cố quốc dự tang lễ em trai. Người kế vị ngôi báu chính là Elisabeth II, cô cháu ruột, và Tân Nữ hoàng tuyên bố rằng mình rất quý Edward, người bác ruột của mình. Mặc dầu vậy, hôm cử hành lễ đăng quang của Nữ hoàng Anh, cả Edward, cả Wallis đều không nhận được lời mời về dự. Thời điểm đó, người ta vừa làm xong một bộ phim kể về cuộc đời cựu vương Edward VIII, nhan đề Câu chuyện một ông vua. Cả hai vợ chồng đều đến dự buổi công chiếu và có cuộc trao đổi với ông đạo diễn của bộ phim. Edward thú thật rằng ông vừa xem phim vừa khóc suốt. Wallis giải thích: “Các vị thấy không, nhà tôi đã hy sinh đến mức nào”. Edward đáp: “Nhưng thực ra, mất chẳng đáng bao nhiêu so với những gì tôi được”. Sau đó, năm 1970, khi được Tổng thống Nixon thù tiếp, Edward tâm sự: “Tôi là người cực kỳ may mắn, được một người phụ nữ Mỹ trẻ trung và duyên dáng nhận lời làm vợ, và cô ấy đã yêu tôi, chung thủy bên tôi suốt ba chục năm trời”. Đáp lại lời chồng, Wallis âu yếm: “Chắc bây giờ Tổng thống hiểu ra vì sao tôi lại yêu anh ấy”.
      Cuộc sống êm đềm trôi chậm rãi, Công tước thích chơi golf, đọc sách và hút thuốc nhiều. Kết quả là bác sĩ phát hiện ra ông bị ung thư. Nhưng Công tước không sợ chết, chỉ sợ xa người bạn đời, nên ông đặt mua sẵn hai chỗ mai táng ngoài nghĩa trang để vẫn được bên nhau sang bên kia thế giới. Trước khi Công tước mất được ít lâu, Nữ hoàng Anh Elisabeth II có đến thăm bác ruột, nhân một chuyến thăm nước Pháp. Wallis đón tiếp Nữ hoàng một cách xứng đáng, không mảy may động đến chuyện cũ. Chẳng bao lâu sau, báo chí đưa tin: ngày 28-5-1972, Công tước Windsor đã từ trần tại nhà riêng ở Paris.

  ***

      Wallis không còn khóc được nữa, chỉ ngồi im như hoá đá, không chịu tin rằng mình đã mất chồng. Thi hài Công tước được chuyển về nước Anh, trên một chiếc máy bay quân sự, và Wallis cũng được Nữ hoàng đưa chuyên cơ sang đón về làm tang lễ. Wallis được giữ lại trong điện Buckingham, được mời về thăm và dự bữa chiêu đãi tại trang trại của Nữ hoàng. Cũng như mọi lần, Wallis cư xử nhã nhặn, tỏ ý hàm ơn sự quan tâm. Tuy vậy, hôm đưa tang, Wallis nhất quyết không chịu nhìn vào mặt người quá cố - bà giải thích là chỉ muốn nhớ về chồng như một người vẫn sống bên mình. Hôm đó, đúng là ngày kỷ niệm 35 năm hai người kết hôn. Trước quan tài, bà chỉ đứng gục đầu im lặng. Lễ hạ huyệt vừa dứt, Wallis liền xin phép Nữ hoàng cho mình rời nước Anh ngay. Sau đó được 8 năm, Wallis sống trong tình trạng bán thân bất toại. Tại lễ tang đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng, Nữ hoàng Elisabeth II đầm đìa nước mắt và cho biết rằng, Nữ hoàng Anh đã phải chịu mọi chi phí cho những năm tháng đó của Wallis, bằng tiền túi của mình. 
      Nữ hoàng Anh thực hiện nghĩa cử như thế là điều có lý, bởi nếu như không có Wallis trên đời, thì ngôi báu nước Anh đã chẳng bao giờ truyền đến tay bà - một người cháu gái gọi cựu vương Edward VIII là bác ruột.

Đăng Bẩy

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngôi báu và tổ ấm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO