Phát biểu trước sự kiện này, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Khi chúng ta đối mặt với một thế giới nguy hiểm hơn, mối liên kết giữa châu Âu và Bắc Mỹ chưa bao giờ quan trọng hơn thế”.
Theo đề xuất của ông Stoltenberg, NATO sẽ tiếp quản công việc do Mỹ dẫn đầu trong Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (còn gọi là nhóm Ramstein), một phần để đề phòng bất kỳ sự cắt giảm hỗ trợ nào nếu có sự thay đổi chính trị tại Mỹ.
Ngoài ra, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đề xuất thành lập một quỹ do các đồng minh đóng góp trị giá 100 tỷ Euro trong vòng 5 năm dành cho Ukraine, với hy vọng gói viện trợ này có thể được các nhà lãnh đạo liên minh ký thông qua khi họ tập trung cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Washington DC vào tháng 7 tới.
Theo nguồn tin của Bloomberg, đại diện các quốc gia thành viên vẫn đang thảo luận về đề xuất của ông Stoltenberg và cách tính viện trợ, bao gồm cả việc liệu có đưa viện trợ song phương cho Ukraine vào gói trên hay không.
“Chúng ta cần thay đổi động lực hỗ trợ của mình”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên trước khi phiên họp của các Ngoại trưởng NATO bắt đầu tại Brussels.
“Các Bộ trưởng sẽ thảo luận về cách NATO có thể đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong việc điều phối thiết bị quân sự và huấn luyện Ukraine, đưa việc này vào một khuôn khổ vững chắc. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận về cam kết tài chính nhiều năm để duy trì sự hỗ trợ của chúng tôi”, người đứng đầu liên minh cho biết.
Như mọi khi, đề xuất cần giành được sự chấp thuận từ toàn bộ 32 thành viên của liên minh xuyên Đại Tây Dương. Nhưng có khả năng trở ngại đến từ Hungary sẽ là rất lớn.
Trong cuộc họp ngày 4.4, các bộ trưởng ngoại giao NATO cũng thảo luận với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thảo luận về việc cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot cho nước này.