Ngoại trưởng Mỹ lần đầu công du châu Á dưới cái bóng của căng thẳng thuế quan
Các mức thuế quan toàn diện mà Tổng thống Donald Trump dự kiến áp dụng vào đầu tháng 8 có thể phủ bóng chuyến công du chính thức đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ tới châu Á, trong bối cảnh Washington đang tìm cách thúc đẩy quan hệ với các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương...
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã đặt chân tới Malaysia sáng 10/7. Dự kiến, ông sẽ tham dự Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 58 (AMM-58) của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các sự kiện liên quan tại Kuala Lumpur trong hai ngày 10-11/7.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, một trong những trọng tâm của chuyến công du là tái khẳng định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Washington, không chỉ vì lợi ích an ninh mà còn vì sự thịnh vượng lâu dài của nước Mỹ.
Mặc dù chuyến công du diễn ra chỉ một ngày sau khi Mỹ gửi hai lượt thư thông báo áp thuế quan mới với các đối tác thương mại, trong đó có nhiều nước sẽ tham dự sự kiện ở Malaysia, song các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, thuế quan và thương mại sẽ không phải là trọng tâm của ông Rubio trong các cuộc họp, thay vào đó ưu tiên lớn hơn của Mỹ là vấn đề an toàn và an ninh hàng hải ở Biển Đông.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nhà ngoại giao Mỹ khó có thể tránh vấn đề thuế quan, đang gây khó khăn cho một số đồng minh và đối tác thân cận nhất của Mỹ tại châu Á, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước mà ông Trump vừa gửi thư thông báo mức thuế quan mới họ sẽ phải đối mặt là 25%. Cả hai quốc gia này đều không phải là thành viên của ASEAN, nhưng cả hai đều sẽ có đại diện tham dự các cuộc họp ở Kuala Lumpur.
Danny Russel, Phó chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á, đồng thời là cựu Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời chính quyền Obama cho biết: "Những luận điểm của ông Rubio về vấn đề an ninh sẽ không gây được tiếng vang với các nước đang phải chứng kiến ngành công nghiệp chịu thiệt hại do mức thuế quan 30-40%".
Trong số các quốc gia ASEAN, cho đến nay, ông Trump đã công bố áp thuế đối với hầu hết 10 thành viên của khối, bao gồm cả nước chủ nhà Malaysia - sẽ phải đối mặt với mức thuế 25%, có thể ảnh hưởng cụ thể đến hoạt động xuất khẩu sản phẩm điện tử và điện máy sang Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Malaysia Zafrul Aziz cho biết hôm 9/7 rằng, mặc dù Malaysia sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán thuế quan, nhưng nước này sẽ không vượt qua các ranh giới đỏ, bao gồm cả yêu cầu của Mỹ về những thay đổi đối với hoạt động mua sắm của chính phủ, chứng nhận halal, tiêu chuẩn y tế và thuế kỹ thuật số.
Ngoài Malaysia, hai quốc gia mới nhất của ASEAN vừa được thông báo mức thuế mới trong đợt công bố thứ hai là Brunei 25%, Philippines 20%. Trong đợt thư đầu tiên, Lào chịu mức thuế cao nhất với 40%, Campuchia và Thái Lan 36%, Indonesia 32%. Việt Nam được cho là đã đạt được một thỏa thuận với Mỹ, trong khi Singapore không nằm trong danh sách áp thuế ban đầu của ông Trump vào ngày 2/4.
Tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Rubio dự kiến cũng sẽ có cuộc gặp trực tiếp với người đồng nhiệm của hai quốc gia đối thủ lớn nhất là Trung Quốc và Nga.
Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp thứ hai giữa ông Rubio và Ngoại trưởng Nga Lavrov, diễn ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ý thất vọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài và vừa tuyên bố sẽ nối lại cung cấp vũ khí cho Ukraine.