Ngoại giao hai mặt của Trung Quốc
Nhật báo Le Monde của Pháp có bài bình luận với tiêu đề Hai bộ mặt trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Hai bộ mặt cụ thể ở đây là bộ mặt của quốc gia giữ vai trò quan trọng trong các vấn đề thế giới và bộ mặt của nước lớn đang bành trướng, ngạo mạn với các đối tác nhỏ. Theo các nhà phân tích, chính sách ngoại giao của Bắc Kinh thời gian vừa qua tỏ ra chưa xứng với vị thế đang lên của Trung Quốc.
Hiểu rộng ra thì bộ mặt nước lớn của Bắc Kinh là muốn ganh đua vị thế siêu cường với Washington. Bộ mặt này thể hiện rõ qua ba hình ảnh được đăng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh vừa qua. Thứ nhất, hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng trong tư thế đầy vinh dự với tư cách nước chủ nhà cùng với 21 nguyên thủ quốc gia khác, đặc biệt bên phải là Tổng thống Mỹ Barack Obama còn bên trái là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thứ hai, cảnh quan chức Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận về việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là một thỏa thuận mang tính lịch sử bởi đây là hai nước gây ô nhiễm nhất thế giới. Mỹ chưa từng ký Nghị định thư Kyoto, còn Trung Quốc thì chỉ xuất hiện với tư cách là nước mới nổi trong nghị định thư này. Với việc ký kết nói trên, Trung Quốc muốn khẳng định tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình. Cuối cùng, hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề hội nghị APEC. Đây là cuộc gặp lần đầu tiên kể từ khi hai chính khách theo đường lối dân tộc này lên nắm quyền điều hành ở mỗi nước. Cái bắt tay dù có phần kém mặn mà giữa Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tạo hình ảnh một Trung Quốc ôn hòa.
Với ba hình ảnh trên, có thể thấy giới chức Bắc Kinh đang quảng bá vị thế của Trung Quốc ngang bằng với các cường quốc tế giới ở các châu lục - những nước có tiếng nói và tầm ảnh hưởng lớn trong các vấn đề chung của thế giới. Tuy nhiên, song hành cùng bộ mặt cường quốc lớn có trách nhiệm, Trung Quốc đồng thời phô bày bộ mặt khác, chân dung của một nước lớn ngạo mạn, trịnh thượng với tham vọng bá quyền, bành trướng, thể hiện rõ nét trong năm qua, thông qua các hành động khiêu khích tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Theo tờ Le Monde, chính sách ngoại giao của Bắc Kinh đã cho thấy nước này hành động cụ thể chưa tương xứng với vị thế đang lên trên trường quốc tế. Bài viết nhấn mạnh đến hồ sơ tranh chấp lãnh thổ. Tác giả nhắc lại, Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các quốc gia ven Biển Hoa Đông và Biển Đông. Trong hồ sơ này, Trung Quốc không chấp nhận đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý quốc tế La Hay vì muốn giải quyết tranh chấp trên sân nhà, đàm phán tay đôi với các nước nhỏ hơn và khẳng định vị thế là đệ nhất cường quốc châu Á. Việc đẩy mạnh hiện đại hóa bộ máy quân sự cũng là nét lớn trong bức chân dung Trung Quốc bề trên này. Bài viết cũng phê phán thái độ thiếu hội nhập quốc tế của Trung Quốc trong hồ sơ tài chính và tiền tệ khi cố tình điều khiển đồng nội tệ theo hướng có lợi cho nền kinh tế trong nước. Le Monde kết luận, chính sách ngoại giao của Trung Quốc là chính sách hai mặt khi Trung Quốc vừa lớn tiếng tuyên bố hội nhập quốc tế nhưng bản thân thì vẫn là một cường quốc ngạo mạn, chỉ biết có mình.
Đánh giá về chính sách đối ngoại trong hai năm qua của Trung Quốc dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, giới phân tích quốc tế cũng chia sẻ nhận định rằng, Bắc Kinh đã gạt bỏ phương châm đối ngoại giấu mình chờ thời mà nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra hai thập niên trước. Sau khi lên cầm quyền, Chủ tịch Tập đã liên tiếp công du châu Á, châu Âu và châu Phi. Gần đây, Bắc Kinh tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC, cố gắng tạo dựng cho Trung Quốc một vai trò cường quốc cả về kinh tế lẫn an ninh sau nhiều năm phải chấp nhận sự thống trị của Mỹ trong khu vực.
Theo một giáo sư Trung Quốc về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh được hãng tin Bloomberg trích dẫn, rõ ràng nhà lãnh đạo hiện nay không muốn thực hiện phương châm giấu mình chờ thời nữa và đây là dấu hiệu rất quan trọng cho thấy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trong một thế giới ngày càng hội nhập như hiện nay, chung sống hòa bình và tôn trọng lẫn nhau là cách tốt nhất để cùng tồn tại. Vì thế, hình ảnh hai mặt của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại tất yếu sẽ tạo ra những nghi kỵ về Bắc Kinh.