“Ngõ vắng xôn xao”
Đến rạp ngày đó, chúng tôi không có điện thoại thông minh để “seo - phi” như các bạn trẻ bây giờ. Nhưng bù lại, trong khi chờ giờ chiếu, chúng tôi có thể ngồi thư thả nhâm nhi cà phê dưới bóng cây hoàng lan cổ thụ lấp ló những cọng hoa vàng, thả hương man mác vào những đêm thu...
“Một ngõ vắng xôn xao nằm trong lòng phố lớn/ Một tiếng nói yêu thương cho lòng thêm tơ vương/ Một đám lá thu bay rắc vương đầu ngõ vắng/ Một chùm hoa khoe nắng xôn xao cả lòng tôi...” - Chẳng liên quan, nhưng ca khúc “Ngõ vắng xôn xao” cứ như thể được cố nhạc sĩ Trần Quang Huy viết tặng riêng cho con ngõ đặc biệt ấy của Hà Nội: 22A Hai Bà Trưng, nơi có rạp chiếu phim đặc biệt Hanoi Cinematheque, từng là địa chỉ lui tới quen thuộc của những “con ghiền” điện ảnh ở Thủ đô. Vậy mà, vào ngày 30.11 tới, tại đây sẽ diễn ra suất chiếu cuối cùng, sau 14 năm lặng lẽ cống hiến cho những khán giả “ruột” của mình những bộ phim kinh điển của Việt Nam cũng như thế giới.
![]() Nguồn: ITN |
Tựa cảm giác lưu luyến của các bạn trẻ 8X, 9X khi phải chia tay Zone 9, với thế hệ 7X chúng tôi, Hanoi Cinematheque cũng từng là nơi lưu dấu một phần ký ức đẹp của tuổi trẻ, khi được đắm mình vào không gian riêng có của nghệ thuật thứ bảy. Ngày đó, tôi vẫn còn nhớ là trong ví của mình chưa có một cái thẻ ATM nào, nhưng lại có một cái thẻ thành viên của Hanoi Cinematheque, để khi đến rạp, thay vì mua vé, chúng tôi sẽ chìa cái thẻ đó ra, còn tiền đóng góp là... tùy tâm. Bởi rạp chiếu phim “có một không hai” này gần như là hoạt động một cách phi lợi nhuận. Rạp nhỏ, chỉ với sức chứa 89 ghế, nhưng lại chứa đựng tình yêu lớn của ông chủ rạp - một người Mỹ yêu điện ảnh và yêu Hà Nội đến mức cuồng si. Ông Gerald Herman, một “pho từ điển sống” về điện ảnh, và món quà mà ông dành cho những khán giả mê điện ảnh ở Hà Nội là kho phim tư liệu lên tới 3.500 đầu phim, thường được ông chia thành các nhóm chủ đề khác nhau để thay “thực đơn” cho mỗi tuần.
Ngày đó, chúng tôi không có được nhiều lựa chọn như các bạn trẻ bây giờ. Các rạp chiếu bóng nhà nước thì xập xệ, các rạp chiếu hiện đại cỡ như CGV bây giờ cũng chỉ mới manh nha xuất hiện với giá vé khá “chát”. Chưa kể, một địa chỉ tương tự khác là Fansland ở 84 Lý Thường Kiệt cũng đã ngậm ngùi đóng cửa. Hanoi Cinematheque như một “người tình” xuất hiện đúng lúc, đã giúp những con tim đam mê điện ảnh không bị lỗi nhịp, trong suốt 14 năm trời. Ở đó, một chị bạn nhà báo của tôi từng bị trêu là “bom nổ chậm” đã tìm thấy tình yêu của mình với một nhà báo Đức, đại diện cho hãng thông tấn AFP tại Hà Nội. Ở đó, những lớp dạy làm phim do đạo diễn nổi tiếng Trần Anh Hùng đứng lớp cũng đã truyền tình yêu và nhiệt huyết cho những nhà làm phim độc lập ở Việt Nam và về sau đã trở thành những nhân tố tích cực cho điện ảnh Việt như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp... và những học viên của “Gặp gỡ mùa thu” sau này...
Đến rạp ngày đó, chúng tôi không có điện thoại thông minh để “seo - phi” như các bạn trẻ bây giờ. Nhưng bù lại, trong khi chờ giờ chiếu, chúng tôi có thể ngồi thư thả nhâm nhi cà phê dưới bóng cây hoàng lan cổ thụ lấp ló những cọng hoa vàng, thả hương man mác vào những đêm thu, hay ngước mắt nhìn lên giàn gấc trĩu quả đu đưa, phủ bóng lưa thưa trên khoảng sân nhập nhòe sáng tối... - bình yên kỳ lạ! Để rồi, giờ đây, khi phải nói lời tạm biệt, như lâu lâu, vẫn phải ngậm ngùi nói lời tạm biệt những nơi chốn thân yêu trong thành phố của mình, đành chỉ còn biết vịn vào câu hát cũ để ru vỗ lòng mình: “Ai đã từng một lần qua nơi ấy/ Khi xa rồi lòng vẫn thấy xôn xao...”.