Ngõ - một không gian văn hóa Hà Nội
Trong giai đoạn phát triển và đô thị hóa sau đổi mới, Hà Nội đã xuất hiện các khu ngõ ngách giữa thành phố. Do điều kiện sống chật chội, khả năng tiếp cận các dịch vụ công hạn chế nên người dân trong từng ngõ phố gặp không ít khó khăn. Song cũng chính vì thế mà nơi đây còn lưu giữ ít nhiều nét văn hóa cộng đồng... Đây cũng là chủ đề của Hội thảo Ngõ Hà Nội: nhân chứng của quá trình đô thị hóa thủ đô Việt Nam được tổ chức chiều 13.10 tại Trung tâm văn hóa Pháp.
|
Thực tế, ngõ Hà Nội đã có từ rất lâu đời, song quá trình đô thị hóa, ngõ lại càng phát triển. Theo TS Phạm Thái Sơn, người từng làm nghiên cứu sinh về ngõ Hà Nội, cho biết hiện có 3 cấp độ chỉ về ngõ Hà Nội, đó là ngõ, rồi đến ngách, và cuối cùng là hẻm. Và “Bằng cách áp dụng các giải pháp thay thế tự thân - những giải pháp mà người dân tự tiến hành cả trên khía cạnh kỹ thuật cũng như ứng xử xã hội - người dân Hà Nội đóng một vai trò chủ động trong quá trình thích nghi với các điều kiện sống mà họ gặp phải”.
Cuộc sống của những người dân nơi đây rất chật chội, đôi khi mặt đường chỉ đủ để dắt một chiếc xe máy. Giữa ban ngày nhưng ở nhiều ngõ ánh sáng khó lọt vào, con ngõ trở nên sâu hun hút. Trong điều kiện sống như thế người dân vẫn chủ động thích nghi. Có lẽ vậy, ở bất kỳ ngõ hẻm nào cuộc sống vẫn hối hả diễn ra. Vẫn có chợ, vẫn những quán hàng ăn nửa trong nhà, nửa ngoài ngõ, xe cộ vẫn len lách... Chật hẹp, thiếu thốn nhưng nhiều người dân hài lòng với cuộc sống như thế. “Ở đâu âu đấy”, có vẻ cam chịu, nhưng đó cũng là bản chất người Việt, chịu khó vươn lên, dễ thích nghi để lạc quan với những mình có.
Tại hội thảo cũng có ý kiến cho rằng, sự nghèo khó, điều kiện sống thiếu thốn nên chăng cần hạn chế và có thể xóa bỏ ngõ? Thực tế, ngõ, ngách, hẻm là sự hình thành tất yếu của quá trình đô thị hóa. Cụ thể là do dân số nhập cư tăng mạnh, nhu cầu ở cũng từ đó tăng lên. Đặc biệt, khi hiện nay đất ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ thì việc xóa bỏ những con ngõ nhỏ là điều gần như không tưởng. Hơn thế, TS Phạm Thái Sơn cho biết, trước khi thực hiện đề tài về ngõ, tác giả từng có tư tưởng ngõ Hà Nội cần được xóa bỏ, thế nhưng sau mấy năm tìm hiểu sâu xa về đời sống trong ngõ bỗng nhận thấy ở đây ít nhiều còn lưu giữ được nếp sống cộng cư khá rõ nét.
Có một điều dễ dàng cảm nhận và cũng là để so sánh khi quá trình đô thị hóa, cổng kín nhà cao, mỗi người mê mải với công việc của mình, người dân ở đô thị có xu hướng “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”. Tính cộng cư giảm đi rõ rệt, không gian văn hóa chung, không gian sinh hoạt tập thể không còn là nơi người dân thường tìm đến. Ở Hà Nội, đến một khu phố để tìm đến nhà ai đó, người hỏi chỉ có thể hỏi theo số nhà mấy, ngõ mấy...? Còn nếu hỏi tên gia chủ chắc chắn sẽ nhận được những cái lắc đầu thản nhiên; trong khi vào các ngõ, ngách, hẻm sâu thì hỏi ai mọi người đều biết. Không phải chỉ vì ngõ nhỏ, ít người nên vậy mà cái chính là do nếp sống cộng đồng…”Cuộc sống cộng đồng tại các ngõ nhỏ có sự liên kết hơn giữa con người với con người, tạo nên một môi trường văn hóa mang tính làng, xã hơn những khu vực khác trong thành phố” - TS Phạm Thái Sơn chia sẻ.
Giữ gìn ngõ nhỏ chính là gìn giữ cuộc sống cộng đồng - một nét văn hóa giữa lòng đô thị. Hơn thế, các ngõ Hà Nội trở thành niềm tự hào, gắn bó với người dân nơi đây. Người đi xa thì nhớ, người đang ở thì tự hào, như nhà văn Hoàng Việt Hằng đã viết trong “Dấu ngõ” đăng trên ĐBND số 282: “Không rõ Hà Nội có bao nhiêu ngõ nhỏ, chỉ biết trong đời tôi đi đây đi đó rồi cũng trở về cái ngõ sâu hút trong một phố nhỏ ngày xưa nối làng Thể Giao và làng Vân Hồ. Hơn nửa thế kỷ mà con đường ngõ hằn sâu trong tôi như một vệt nâu trên bản đồ trí nhớ. Mỗi khi vui buồn, chân tôi lại tìm về lối nhỏ, ngõ nhỏ nhà tôi ở đó, bây giờ vẫn ở đó. Những cơn sốt đất đai, sốt vàng không vướng bận đến tôi”.