Nghìn lần mong muốn cho một nền giáo dục nhân bản

- Thứ Bảy, 31/08/2013, 08:25 - Chia sẻ
Câu chuyện kể Quỷ Sphinx chắn ngang đường đi với câu đố: Con gì sáng đi 4 chân, trưa đi 2 chân và chiều đi bằng 3 chân? Người qua đường đáp: Con người (khi còn nhỏ thì bò, trưởng thành đứng trên hai chân của mình và về già thêm một cây gậy để chống). Quỷ Sphinx bỏ chạy. Lời thơ trong câu chuyện vút lên: Hai tiếng con người vang lên mới kiêu hãnh làm sao. Kể từ đó nhân loại coi việc dạy làm người là nghĩa vụ của thế hệ này với thế hệ khác. TSKH, HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN nay là Phó chủ tịch thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trước đó Thầy có hàng chục năm làm Trưởng ban Giáo dục của Giáo hội Phật giáo. Hỏi Thầy về giáo dục là hỏi về sở trường cũng là hỏi về những tâm tư ấp ủ của bậc chân tu là ĐBQH nhiều khóa.

PV: Trung ương sắp tới sẽ bàn về giáo dục – có lẽ sẽ có Nghị quyết về giáo dục – như ta vẫn thường nói giáo dục là quốc sách. Thưa Thầy, nhìn cho thật sâu xa, giáo dục là đưa mọi cá  thể trong xã hội trở về với bản chất Người. Giáo dục là dạy cho con người làm người?

HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN: Giáo dục chẳng những là quốc sách của Việt Nam, mà còn là quốc sách của mọi dân tộc. Thế kỷ XX là thế kỷ phát triển hệ thống giáo dục đến cao điểm, phát triển con người toàn diện và phát triển xã hội.

Nói đến giáo dục là nói đến giáo dục con Người. Đối tượng của giáo dục là con Người. Có ba vấn đề lớn thường được đặt ra đối với giáo dục: Con người thật sự là gì? Để dạy nó những gì? Và dạy như thế nào? Con người thật sự là gì, đó là vấn đề của triết lý giáo dục và Tâm lý giáo dục. Dạy những gì, là nội dung của giáo dục như những nội dung mà các học đường trên thế giới đang giảng dạy. Dạy như thế nào, đó là phương pháp giáo dục và kỹ thuật giáo dục. Vấn đề cơ yếu, nền tảng của một hệ thống giáo dục vẫn là con người thật sự là gì? Vấn đề tưởng là quá giản dị, ai cũng biết cả. Nhưng, thật ra đó là vấn đề khó nhất, khó thống nhất: cho đến nay các nhà tư tưởng giáo dục ở các hệ thống vẫn có những suy nghĩ khác nhau, và khác nhau rất xa, về nội dung trả lời cho câu hỏi ấy: một số nhà tôn giáo lớn và các triết gia vĩnh cửu thì quan niệm, tin tưởng rằng con người là sản phẩm sáng tạo của một đấng tối cao; Các nhà giáo dục về tánh hạnh học (Bihaviourism), nhân bản học (humanism) thì khảo sát con người như con người đang biểu hiện; các nhà lý thuyết nhân tính như Sigmund Freud, Carl jung, Eric Fromn, Adler, Maslow, Lewin, Skinner, Allport, Carl Rogers, Calvin S.Hall, Gardner Lindzey v.v... thì có các thuyết khác. Còn có các quan điểm khác nhau nữa như con người độc lập với thiên nhiên (như văn hóa châu âu quan niệm) hay là con người có mối liên hệ mật thiết, bất khả phân ly, với thiên nhiên? Với xã hội?


Minh họa của Thúy Hằng
Chừng nào mà giáo dục có cái nhìn chân xác con người thật sự là gì, thì chừng đó mới có một đường hướng giáo dục, một hệ thống giáo dục ổn định. Trong hướng giáo dục ổn định còn có vấn đề đặt ra cần được giải quyết: con người sinh ra để hạnh phúc hay để làm việc? để sống tự do và hạnh phúc hay để trở thành công cụ xã hội? v.v...

Giáo dục Việt Nam cần chọn lựa rất nhân bản và thiết thực hiện tại: con người là những gì con người đang là với các nhu cầu vật chất, tinh thần rất thực, với trách nhiệm tự thân để hiểu mình, hiểu xã hội và sống hạnh phúc, với trách nhiệm xã hội phục vụ các nhu cầu phát triển về kinh tế, an sinh xã hội, về an ninh quốc phòng...

Giáo dục Việt Nam cũng cần tham khảo nền giáo dục của Phật giáo của thời Đức Phật, một nền giáo dục phát xuất từ một trí tuệ toàn giác – đỉnh cao của trí tuệ nhân loại - một nền giáo dục định nghĩa rõ sự thật con người là gì với mối liên hệ mật thiết, vô cùng mật thiết, với thiên nhiên, xã hội, một nền giáo dục mở đường đi ra khỏi mọi nỗi khổ đau trần thế để được an lạc, hạnh phúc, tự do, giải thoát, một nền giáo dục xây dựng một xã hội hòa bình lâu dài, xây dựng trí tuệ, từ bi, tình người với tinh thần trách nhiệm cá nhân rất cao. Có thể nói rằng các trường phái tư tưởng của nhân loại tự nghìn xưa đến nay có thể được xếp vào ba nhóm chính:

Nhóm tư tưởng ngôi thứ ba: Các tư tưởng cho rằng có nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ, gọi là nhóm tư tưởng ngôi thứ ba (người mà ta đang nói đến) - Do vì vai trò làm chủ cuộc sống của con người bị đánh mất trong nhóm tư tưởng này, nên tư tưởng của nhóm này bị tha hóa (alienation).

Nhóm tư tưởng ngôi thứ hai: Các tư tưởng cho rằng sự thật chỉ hiện hữu trong thiên nhiên, hay hiện tượng giới, gọi là nhóm tư tưởng ngôi thứ hai (người mà ta đang nói với). Con người cũng bị đánh mất trong nhóm tư tưởng này, nên nhóm này được gọi là tư tưởng tha hóa (alienation).

Nhóm tư tưởng ngôi thứ nhất: Các tư tưởng chủ trương rằng con người làm chủ cuộc đời mình, trở về với chính mình, hay chủ trương cuộc sống là vì hạnh phúc của con người, thì gọi là nhóm tư tưởng ngôi thứ nhất (người đang nói). Đây là nhóm tư tưởng nhân bản, thiết thực.

Nhưng ngay với nhóm tư tưởng này, khi trở về chính mình, con người phải đối mặt với các mâu thuẫn nội tại: các tâm lý tiêu cực và tích cực, các dục vọng phàm trần với các lý tưởng cao thượng... Ở đây, hệ thống đạo đức Phật giáo sống vị tha, chế ngự dục vọng cũng rất hữu ích để tham khảo: Giáo dục Việt Nam sẽ tìm ra lối đi trung đạo, trung dung ở phạm trù tư tưởng ngôi thứ nhất này: Con người cần phải là con người toàn diện; và con người toàn diện là con người vừa vật lý, vừa sinh lý, vừa tâm lý, vừa đòi hỏi tri thức, và có mối liên hệ không thể tách rời khỏi thiên nhiên, xã hội, và các thể chế kinh tế, chính trị của xã hội.

PV: Thưa Thầy, nghệ thuật dạy làm người hay thuật ngữ quen thuộc là giáo dục có lẽ là nghệ thuật khó nhất?

HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN: Nhà báo đã bước nhanh vào phạm trù phương pháp giáo dục và kỹ thuật giáo dục, hay gộp chung vào từ ngữ nghệ thuật giáo dục.

Như vừa đề cập, con người phải là con người toàn diện, một con người đang trở thành (becoming) cả mặt vật lý, sinh lý, tâm lý, tình người và trí tuệ. Con người không phải chỉ là một con vật có lý trí như thường bảo, mà là con vật giáo dục. Vì thế, học đường cần có các công trình nghiên cứu thật kỹ các quá trình phát triển của con người để có các nội dung giáo dục thích đáng và các phương pháp, kỹ thuật giáo dục thích đáng. Không phải học đường truyền đạt kiến thức cho các cỗ máy, mà cho những cá thể tâm lý nhạy cảm, có những vui buồn bất chợt do điều kiện ngoại cảnh tác động. Ở đây, học đường cần những nhà giáo dục mà không phải chỉ giới hạn là những người thầy thuần túy truyền đạt các kiến thức một cách máy móc. Học đường đòi hỏi có vai trò tâm lý giáo dục, đòi hỏi có các trắc nghiệm khả năng, tâm lý và cả kinh nghiệm tâm lý của nhà giáo dục. Vai trò của giáo dục là thế, dù là giáo dục ở học đường, gia đình hay xã hội, là giúp mỗi cá nhân học viên phát triển con người toàn diện, vui vẻ tiếp thu các kiến thức truyền đạt. Giáo dục cũng đòi hỏi các học viên có trách nhiệm nhất định đối với bản thân, và đối với việc tiếp thu kiến thức. Đó là nội dung ứng xử của người dạy và người học: đối tượng nghiên cứu của ngành tâm lý giáo dục của khoa học giáo dục. Ngành học này nói rằng: giáo dục là con đường hai chiều của dạy và học, học và dạy trong một bầu không khí giáo dục đầm ấm sự hiểu biết và tình người. Đấy là vấn đề của trải nghiệm giáo dục: ứng dụng phương pháp, kỹ thuật giáo dục linh động tùy theo đối tượng và thời điểm giáo dục; cũng còn tùy thuộc điều kiện giáo dục của từng xã hội. Rất công phu. Về vấn đề nghệ thuật giáo dục này, Đức Phật có dạy phương pháp “tứ nhiếp pháp” (bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự) cho các cư sỹ lãnh đạo các hội chúng giúp hội chúng đi vào sự tiếp thu chánh pháp và sự thật:

Bố thí: thường giúp đỡ của cải, kiến thức cho đối tượng nghe pháp.

Ái ngữ: dùng lời nói êm ái, hòa nhã để thuyết phục.

Lợi hành: làm các việc hữu ích cho đối tượng nghe pháp.

Đồng sự: dấn thân, cùng làm việc với đối tượng nghe pháp, để tạo sự hiểu biết, thân thiện, để thuyết phục.

Tứ nhiếp này được áp dụng hữu hiệu như thế nào còn tùy thuộc vào tình thương và trí tuệ của người vận dụng.

PV: Chúng ta còn nhớ câu chuyện ngụ ngôn của Edop: Nơi một đám cưới đông vui, có một khúc gỗ chắn ngay cửa đi, mọi người đều bỏ qua. Một bà lão đã nhặt mà dẹp đi để mọi người khỏi vấp ngã. Ý nghĩa của câu chuyện ấy là, chỉ có một con người. Thưa Thầy, bài học luân lý ấy rất gần và rất cần với thời hiện đại dù đó là câu chuyện cách đây đã hơn 3000 năm. Chẳng lẽ gốc của giáo dục hơn 3000 năm cho đến nay không thay đổi sao, thưa Thầy?

HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN: Như đã bàn, chưa có một định nghĩa chung về con người cho các hệ thống giáo dục. Dù vậy, điều dễ được mọi người chấp nhận nhất là con người gồm có tim và óc: tim là phần tình cảm, tình người, tình yêu thiên nhiên, là các phản ứng tâm lý như vui, buồn, ưa, ghét, cá nhân và tương hệ; óc là phần nhận thức biết rằng con người là một cá thể vừa độc lập, vừa tương quan với gia đình, cộng đồng và thiên nhiên (môi trường sống), là phần phân biệt rõ đúng, sai, phải, trái, hay, dở (theo cảm nhận thường tình). Con người phát triển, trưởng thành là phát triển trưởng thành cả tim lẫn óc. Sống mà thiếu nhận thức là đánh mất cái chức năng làm người. Sống mà thiếu tình người (vị tha) là đánh mất giá trị của con người. Câu chuyện ngụ ngôn của Edop giới thiệu là bà già hiện rõ là con người với giá trị đầy đủ của một con người: có tình người và có ý thức cộng đồng. Chừng nào mà con người vẫn còn có tim và óc, chừng đó ý nghĩa làm người nói trên vẫn còn nguyên giá trị. Câu chuyện ngụ ngôn của Edop vẫn còn giá trị giáo dục đạo đức làm người.

Ngày nay, xã hội con người đã phát triển rất nhanh: văn hóa phát triển mạnh, tương giao giữa các cộng đồng - vượt qua cả các châu lục - phát triển nhanh và mạnh, ý nghĩa làm người đã được nâng cao: nâng cao trách nhiệm cá nhân đối với tự thân, gia đình, tập thể và cả đối với môi trường sống (bảo vệ môi sinh và giữ gìn tránh các biến đổi khí hậu), đối với vấn đề an sinh và vấn đề hòa bình lâu dài cho khu vực và thế giới. Vấn đề nghĩa vụ, đạo đức xã hội cần nhấn mạnh hơn bao giờ. Hệ thống giáo dục Phật giáo, qua Kinh tạng, được mệnh danh là có giá trị vượt thời gian (đúng qua mọi thời đại) rất đáng được thời đại quan tâm nghiên cứu. Bài kệ tóm tắt giáo lý nhà Phật ghi rằng:

“Không làm tất cả điều ác (thân, lời và ý)

Làm tất cả việc thiện (thân, lời và ý)

Giữ tâm ý thanh tịnh (trong sạch, rời khỏi tham, sân, si)

Đó là lời dạy của chư Phật”

Và một điểm tối quan trọng mà Đức Phật thường nhắc nhở là “ Ta chỉ nói về khổ và về con đường diệt khổ”. Đó là điểm hạnh phúc duy nhất của con người trong hiện tại và tại đây cần được nhấn mạnh. Giáo dục trí tuệ và nhân bản phải là thế cho mọi thời đại.

PV: Hơn 2500 năm trước, Đức Phật lấy cảm hóa để đưa mọi con người hướng thiện và xây dựng một xã hội, một thế gian hướng thiện. Trả lại bản chất người thật đẹp cho con người. Bài học ấy, thưa Thầy, chúng ta có thể tổng kết và gạch đầu dòng cho dân chúng được không?

HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN: Như vừa đề cập, Đạo Phật chủ trương xây dựng mẫu người hiền thiện, ngoài mẫu người giải thoát của các bậc Thánh, đó là mẫu người miệng nói ra các điều thiện (lợi mình, lợi người); ý chỉ nghĩ đến điều thiện làm lợi mình, lợi người, lợi cho xã hội; thân chỉ hành động các điều thiện làm lợi mình, lợi người, lợi xã hội. Nỗ lực hơn một bước nữa là loại ra khỏi tâm mình các tâm lý cơ bản tham, sân, si (chỉ loại dần ra) là những tâm lý làm động cơ cho mọi hành động gây rối loạn cho mình, cho gia đình, cho xã hội. Cụ thể là có mười điều thiện phải tâm niệm thực hiện trọn đời:

Thân có 3:

Không giết người (không sát sinh),

Không lấy của không cho (không trộm cắp),

Không tà hành (sống theo luân thường đạo lý ở đời),

Lời có 4:

Không nói dối,

Không nói thêu dệt, mị người,

Không nói lời thô ác,

Không nói hai lưỡi,

Ý có 3:

Không tham lam,

Không sân hận,

Không si mê,

Ngược lại 10 điều trên là 10 điều ác cần tránh như tránh thú dữ, dịch bệnh.

Bên cạnh 10 điều thiện trên, mỗi người nên khởi lên niệm từ (từ bi) cầu mong các sự tốt đẹp cho mọi người (theo kinh Từ bi, Tiểu bộ kinh):

Mong rằng không có ai lường gạt ai.

Mong rằng không có ai gây tổn hại ai.

Mong rằng không có ai khinh khi, nhục mạ ai.

Mong rằng tất cả đều có lòng từ bi giúp đỡ nhau vượt qua các khó khăn trong cuộc sống như bà mẹ tận tình chăm sóc, giúp đỡ người con độc nhất của mình thoát khỏi các hiểm nạn ở đời.

Nếu mọi người nuôi dưỡng lòng từ này thì cuộc đời sẽ được an vui, thanh bình hơn. Đây là giá trị rất người, đầy tính chất người vậy. Nghìn lần mong ước cho một nền giáo dục nhân bản như thế.

PV: Chân thành cám ơn Thầy!

Thăng Long - Thanh Tâm thực hiện