Nghiên cứu thấu đáo để bảo tồn văn hóa làng
Tâm huyết nghiên cứu về làng xã Việt Nam hơn 40 năm qua, PGS.TS. BÙI XUÂN ĐÍNH đã lưu giữ nhiều khía cạnh đời sống vật chất, tinh thần của làng Việt cổ truyền trong các công trình nghiên cứu của mình. Quá trình nghiên cứu cũng khiến ông trăn trở về sự mai một, thậm chí biến mất của nhiều nét văn hóa làng và việc giữ gìn chúng trong xã hội đương đại.
Thủy chung với đề tài làng xã
- Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, cuốn sách về làng Việt như “Lệ làng phép nước”, “Hương ước và quản lý làng xã”, “Hành trình về làng Việt cổ”, mới đây nhất là hai cuốn sách dày ”Làng Việt ở Bắc Bộ - truyền thống và biến đổi” và “Bách khoa thư làng Việt cổ truyền”… Điều gì khiến ông dành nhiều thời gian nghiên cứu về làng Việt như vậy?

- Việc tôi đến với nghiên cứu về làng Việt là một chuỗi cơ duyên. Trước hết, tôi sinh ra ở một làng quê Xứ Đoài. Làng tôi xưa có nhiều tục hay. Từ bé, tôi rất hay hóng chuyện của bố và các bậc cao niên kể về đời sống, phong tục của làng xưa kia, nhiều cái rất lạ mà tôi không thể hiểu được với cái tuổi trẻ con của mình. Chẳng hiểu vì sao mà khi đó, tôi đã muốn được khám phá các tục ấy. Sau này, cơ duyên đưa tôi vào học ngành Dân tộc học, nghe bài giảng của các thầy về tộc người Việt và làng xã càng giúp tôi nuôi ý định nghiên cứu về làng, nếu có điều kiện. Và may mắn, sau khi tốt nghiệp khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm 1978), tôi được về làm việc ở Phòng Nghiên cứu các dân tộc thuộc ngôn ngữ Việt - Mường (sau đổi thành Phòng Nghiên cứu tộc người Việt) của Viện Dân tộc học. Tôi được các thầy giỏi trong ngành như Nguyễn Khắc Tụng, Từ Chi định hướng đi vào nghiên cứu làng Việt.
Còn việc tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu về chủ đề này cũng có nhiều duyên do, mà căn bản nhất là được thầy Từ Chi (nhà dân tộc học Trần Từ) khuyên: “Phải thủy chung với đề tài, không đứng núi này ngó núi kia, nay hào hứng làm đề tài này, mai không thích lại bỏ sang đề tài khác; làm như vậy chẳng khác nào đang đào củ mài ở đồi này, thấy ở đồi bên kia cũng có người khác đang đào mà bỏ sang, khi sang đến nơi thì người ta đã đào hết cả rồi. Hãy cố gắng gắn bó cả đời, hay ít nhất là một thời gian dài với đề tài, sống với nó, vinh nhục vì nó, giàu nghèo cũng vì nó, từ đề tài này mà chuyển sang các đề tài khác, giải quyết các vấn đề khoa học khác một cách chắc chắn, trở thành người có kiến thức rộng và sâu thật sự”. Tôi đã làm theo lời thầy, suốt mấy chục năm qua, thủy chung với đề tài làng xã và đã gặt hái được những kết quả.
- Làng Việt thân thuộc với người Việt Nam, đã xuất hiện trong nhiều công trình khoa học. Trong quá trình nghiên cứu của mình, ông tập trung vào các vấn đề gì của làng?
- Tôi vẫn theo lời khuyên, cách làm của thầy Từ Chi, vừa nghiên cứu rộng (tìm hiểu nhiều khía cạnh của làng Việt khi đến bất kỳ làng nào, nếu có điều kiện), vừa nghiên cứu sâu (tập trung vào một hai khía cạnh, trong đó “tổ chức làng xã” là trọng tâm, mấu chốt); vừa nghiên cứu diện (nhiều làng ở nhiều vùng, thuộc các loại hình làng khác nhau), vừa nghiên cứu điểm (tìm hiểu sâu, kỹ một làng cụ thể). Nhờ đó, dần dà, tôi có thể giải quyết được nhiều khía cạnh về làng Việt, song khía cạnh cơ cấu tổ chức làng xã vẫn là nội dung nổi bật trong nghiên cứu và tôi đã có một số khám phá, đóng góp mới. Từ khía cạnh này, tôi còn có thể giải quyết được nhiều khía cạnh khác.

Quy hoạch để "bảo tồn sống"
- Nhiều năm gắn bó, nghiên cứu về làng Việt, chứng kiến những đổi thay nhanh chóng của làng, đặc biệt thời gian gần đây, điều gì khiến ông trăn trở nhất trong bảo tồn văn hóa làng xã hiện nay?
- Trăn trở thì nhiều lắm, chỉ xin nêu mấy điểm. Một là, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, văn hóa làng của chúng ta đã bị đứt đoạn một thời gian dài, nhiều yếu tố đã bị mất hẳn, nhiều yếu tố mới được phục hồi, nhưng không đồng bộ, đôi khi không chuẩn xác.
Hai là, cuộc sống ở nông thôn đã và đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, khiến cho văn hóa làng bị tác động ghê gớm. Không chỉ những mặt thuộc về đời sống xã hội của làng cổ truyền đã lui về quá khứ từ rất lâu mà lớp người sinh ra từ đầu thập niên 1970 trở đi không thể biết được, hiểu được, cả những mặt tưởng như sẽ gắn bó rất lâu dài cùng đời sống nông dân cũng nhanh chóng biến mất vài năm gần đây, như nông cụ, gia cụ…, làm cho không chỉ những người ở đô thị, mà cả những người sinh ra và lớn lên ở các làng quê ấy giờ cũng không biết, không hình dung được nhiều thứ; trong khi đó, chúng ta lại không có chiến lược bảo tồn.
Ba là, việc nghiên cứu về làng Việt cổ truyền thiếu hệ thống, thiếu tập trung, thiếu bài bản, làm cho các thế hệ hậu sinh hiểu biết không thấu đáo về làng và văn hóa làng, nhất là về ứng xử xã hội và tâm linh, dẫn đến những quá đà, những giá trị tốt đẹp của cha ông không còn mang giá trị định hướng nữa, mà nhiều khi bị những phi lý, mù quáng dẫn dắt, dẫn đến xung đột xã hội.
- Tại Hội nghị Văn hóa 2022 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp tổ chức, vấn đề văn hóa nông thôn được nhiều đại biểu đặt ra. Dưới góc độ nhà nghiên cứu, làm thế nào để bảo tồn văn hóa làng trong bối cảnh hiện nay?
- Theo tôi, Nhà nước, trực tiếp là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan. Các ngành khoa học xã hội nhân văn cần tiếp tục đi sâu vào các khía cạnh của làng Việt còn bị bỏ ngỏ, hoặc chưa được nghiên cứu thấu đáo, làm cơ sở cho việc bảo tồn văn hóa làng.
Về phương diện bảo tồn, cần khẩn trương xây dựng khu làng Việt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với các loại hình làng, nếu có thể; hoặc có thể quy hoạch để bảo tồn sống một làng đồng chiêm (như huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã có kế hoạch), hoặc một làng ven biển, một làng nghề thủ công… Còn về phương diện văn hóa tinh thần, tiếp tục khẩn trương nghiên cứu, sưu tầm thêm vốn văn hóa đang có nhưng nhiều khía cạnh chưa được làm sáng tỏ để có hướng bảo tồn.
- Và ông vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu về làng Việt chứ?
- Hiện tôi đã nghỉ hưu và cũng đã cao tuổi, nên không còn điều kiện để mở rộng nghiên cứu; song tôi còn nguồn tư liệu rất lớn về làng xã đã sưu tầm được từ điền dã, từ đọc sách; các ý tưởng khoa học cũng còn, sắp tới sẽ tập hợp, sắp xếp lại để hình thành một số cuốn sách, trước mắt là tổng tập “Hành trình về làng Việt cổ truyền” giới thiệu các làng xã tiêu biểu của bốn xứ Đông - Nam - Đoài - Bắc bao quanh Thăng Long - Hà Nội.
- Xin cảm ơn ông!