Chiều 14.10, tiếp tục Phiên họp thứ 38, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu.
Tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu
Tờ trình dự án Luật Dữ liệu do Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày và nêu rõ, việc xây dựng dự án luật nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội và phát triển Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm Dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Liên quan đến việc bảo đảm nguồn lực triển khai thi hành luật, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, về cơ bản do ngân sách nhà nước bảo đảm và nguồn thu từ việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu. Việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia hiện đang triển khai thực hiện trên cơ sở thi hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30.10.2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia nên không làm phát sinh đột biến chi ngân sách nhà nước (dự kiến chi phí xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia trong giai đoạn 1 (đến năm 2025) là khoảng 20.000 tỷ đồng).
Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia số 1, căn cứ vào tình hình và nhu cầu thực tế, Bộ Công an sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các dự án xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia trong các giai đoạn tiếp theo phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp nhất với sự phát triển của công nghệ. Do vậy, việc triển khai thi hành luật là hoàn toàn khả thi.
Theo Báo cáo thẩm tra dự án luật do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, nội dung của dự thảo luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có những dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để xác định nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất phương án xử lý để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Trùng lặp nhiệm vụ chi
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã khẩn trương, tích cực xây dựng, hoàn thiện dự án luật; kỳ vọng dự án luật này khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tạo nên hệ thống dữ liệu tập trung, thống nhất, đồng bộ và có thể nói là “rất khổng lồ”, trở thành kho tài sản vô giá của nước ta.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, theo Tờ trình của Chính phủ, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác và sử dụng dữ liệu. Quản lý, khai thác, vận hành dữ liệu cũng không phải vấn đề mới đối với nước ta, nhưng quy định tập trung, thống nhất trong một đạo luật là vấn đề mới. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thêm kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là những nước có thể chế chính trị, kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam, làm cơ sở nghiên cứu, áp dụng trong quá trình xây dựng dự án luật này.
Về phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị có sự phân biệt giữa các luật, dự án luật một cách thật rõ ràng, cụ thể để khi luật được thông qua không rơi vào tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, khó triển khai và khó thực hiện.
Dự thảo luật quy định có 2 vấn đề mới, đó là Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia tại Điều 20 và Sàn giao dịch dữ liệu tại Điều 53. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong một chừng mực phạm vi, lĩnh vực nhất định, đặc biệt là liên quan đến dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo lập bằng ngân sách nhà nước trong những lĩnh vực như tài nguyên thì dữ liệu cần được xem là tài nguyên quan trọng quốc gia, cần được khai thác, quản lý và bảo vệ theo những cơ chế đặc thù. Do đó, việc xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu cần hết sức cân nhắc, nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng để quy định cho phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật quy định nội dung chi của Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia còn trùng lặp với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước. Về nguyên tắc, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thì nhiệm vụ chi không được trùng lặp với nhiệm vụ chi từ ngân sách. Chẳng hạn, chi hỗ trợ đào tạo nhân lực làm công tác xử lý, quản trị dữ liệu tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia hoàn toàn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách. Nếu quỹ cũng chi cho hoạt động này thì bị trùng lặp, không phù hợp.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu. Hồ sơ dự án luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đây là dự án luật khó, tác động sâu sắc đến quá trình chuyển đổi số, nhiều vấn đề mới đang hình thành, phát triển, chưa có nhiều cơ sở thực tiễn, vì vậy Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án luật xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám theo quy định. Trong trường hợp cấp thẩm quyền quyết định, cho phép thông qua tại một kỳ họp thì tập trung, dồn sức để thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quy định trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.