Thời sự Quốc hội

Nghiên cứu lộ trình “dài hơn” trong áp dụng thuế suất đối với nước giải khát

Đào Thị Cảnh 09/05/2025 15:50

Thảo luận tại Hội trường sáng 9/5 về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung lộ trình dài hơn trong việc áp dụng thuế suất đối với nước giải khát để giảm áp lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

So với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ Tám, Chính phủ đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 10%, dự thảo Luật chỉnh lý đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 8 lộ trình áp thuế đối với nước giải khát là: Từ 1/1/ 2027 áp 8%” và từ 1/1/ 2028 là 10%” để các chủ thể có liên quan có thêm thời gian chuẩn bị.

202505091043066049_z6583450731940_296c2b3bbd9fa7797f4620e12b2c12e5.jpg
ĐBQH Cầm Thị Mẫn phát biểu thảo luận tại hội trường sáng ngày 9/5

ĐBQH Cầm Thị Mẫn tán thành với việc quy định lộ trình áp thuế đối với mặt hàng mới, đặc biệt mặt hàng nước giải khát có đường là mặt hàng có mối liên hệ với 25 ngành nghề liên quan trong chuỗi giá trị, như: ngành bán lẻ, du lịch, nhà hàng, khách sạn và hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng mía, công ty sản xuất đường. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc áp thuế đối với mặt hàng mới cần phải có lộ trình chuẩn bị dài hơn, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và gánh nặng thuế phí, đặc biệt khi Hoa Kỳ đang có động thái áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Cũng theo đại biểu Cầm Thị Mẫn, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (CIEM) cũng khuyến nghị nên áp mức thuế suất 5% đối với nhóm sản phẩm lần đầu tiên bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến nền kinh tế. “Tôi cho rằng, phương án thuế 5% sẽ bảo đảm thực hiện các mục tiêu như dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề ra, bao gồm: Điều tiết tiêu dùng, điều tiết sản xuất; đảm bảo sức khỏe của người dân; đảm bảo nguồn thu ngân sách; đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp thích ứng với sắc thuế mới, tái cơ cấu kinh doanh, duy trì hoạt động sản xuất cũng như đảm bảo cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động.

Trên cơ sở đó, ĐBQH Cầm Thị Mẫn đề xuất 2 phương áp dụng thuế suất đối với nước giải khát. Cụ thể:

Phương án 1: Lộ trình áp thuế sau khi Luật có hiệu lực 1 năm: từ ngày 1/1/2027 đến ngày 31/12/2027, áp dụng mức thuế suất 5%; từ ngày 1/1/2028 đến ngày 31/12/2028, áp dụng mức thuế 8%; từ ngày 1/1/2029, áp dụng mức thuế suất 10%.

Phương án 2: Lộ trình áp thuế sau khi Luật có hiệu lực 2 năm: từ ngày 1/1/2028 đến ngày 31/12/2028 áp dụng mức thuế suất 8%; từ ngày 1/1/2029, áp dụng mức thuế suất 10%.

“Việc quy định lộ trình và thuế suất như vậy sẽ bảo đảm quá trình triển khai không có tác động quá lớn đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế; đồng thời, các doanh nghiệp có thời gian thay đổi chiến lược sản xuất sản phẩm, hướng sang các sản phẩm tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng mà vẫn bảo đảm mục tiêu kinh doanh và tăng trưởng của nền kinh tế” - ĐBQH Cầm Thị Mẫn nhấn mạnh.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghiên cứu lộ trình “dài hơn” trong áp dụng thuế suất đối với nước giải khát
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO