Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân:

Nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Theo đó, một trong những mục tiêu cụ thể khi xây dựng dự án luật này là nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế, người phụ thuộc, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến một số khoản đặc thù cho phù hợp với bối cảnh mới.

Nhiều lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Quá trình thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân cho thấy, luật đã thể hiện và phát huy được vai trò của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một sắc thuế quan trọng trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển, hội nhập, và sự phát triển của kinh tế Việt Nam, Luật Thuế TNCN hiện hành đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, bao gồm: các quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, biểu thuế suất TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền thưởng; mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc.

Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn thực hiện thuế thu nhập cá nhân trên ứng dụng eTax Mobile. Nguồn: ITN
Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn thực hiện thuế thu nhập cá nhân trên ứng dụng eTax Mobile. Nguồn: ITN

Theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định... số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.

Trên thực tế, mức thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN đã trải qua nhiều lần điều chỉnh trong thời gian qua. Theo Luật Thuế TNCN (áp dụng từ ngày 1.1.2009) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (tương đương 48 triệu đồng/năm). Đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN năm 2013 (áp dụng từ ngày 1.7.2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (tương đương 108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời bổ sung quy định: trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Trên cơ sở đó, ngày 2.6.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954 Về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN.

Như vậy, với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì hiện nay cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

Mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu”!

Câu chuyện về mức giảm trừ gia cảnh là một trong những vấn đề được người dân quan tâm. Đây cũng là vấn đề “nóng” tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, (sáng 29.5.2024), khi đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay “quá lạc hậu”!

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thực sự không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn đang gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Nếu gia đình có con nhỏ phải thuê người trông thì riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay đã không dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản chi phí cho trẻ. Gia đình có con đi học, chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu của các gia đình. Nếu gia đình có cha mẹ già là người phụ thuộc thì không chỉ là tiền ăn uống, sinh hoạt mà còn các chi phí y tế, thuốc men...

“Quy định về mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và các cá nhân, cũng như chưa phản ánh thực tế cuộc sống hiện nay”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Những chia sẻ của đại biểu Thủy trên nghị trường cũng chính là tâm tư, nguyện vọng của cử tri - cán bộ, công chức, viên chức, khi tiền lương tăng nhưng giá cả chi phí cũng tăng, trong khi chính sách về mức giảm trừ gia cảnh chưa có sự thay đổi cho phù hợp.

Về bản chất, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế bảo đảm nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định, nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như ăn, ở, đi lại, học tập... vì thế thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế. Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế TNCN.

Từ thực tế đó, Bộ Tài chính cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các điều kiện mới. Mức giảm trừ gia cảnh cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, bảo đảm cho phù hợp với biến động của giá cả, sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua, cũng như dự báo trong thời gian tới đây, đồng thời không làm giảm vai trò của chính sách thuế TNCN trong hệ thống thuế. Bộ Tài chính cũng đề nghị, cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để bảo đảm linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Cần nhấn mạnh rằng, việc áp dụng thuế TNCN cần bảo đảm phù hợp với hoàn cảnh sống của người nộp thuế đặt ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể của đất nước. Do đó, ở lần sửa đổi này, Luật cần có điều chỉnh quy định về mức thuế TNCN phù hợp, tránh tình trạng rất nhiều người dân ở trong cảnh phải “thắt lưng buộc bụng”, nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế TNCN.

Tin tức pháp luật

Tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật
Xã hội

Tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật

Theo dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), quy trình chính sách hoàn toàn thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan trình luật, cơ quan trình luật là người đề xuất xây dựng luật cũng là người lựa chọn quyết định thông qua các chính sách. Các cơ quan của Quốc hội chỉ thẩm tra dự thảo luật sau khi đã được hoàn chỉnh, trình Quốc hội. Quy trình mới này vừa đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí, đẩy nhanh quy trình xây dựng luật, tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật.

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật
Xã hội

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật

Chiều nay, 10.2, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân đã tổ chức Talkshow:  Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật – nhìn từ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Thọ tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý cho trẻ em và người chưa thành niên năm 2024
Tin tức pháp luật

Phát huy vai trò "cầu nối" pháp luật

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về tư vấn và trợ giúp pháp lý ngày càng trở nên thiết yếu, đặc biệt là đối với người nghèo, người yếu thế và các đối tượng chính sách. Trong đó, việc nâng cao chất lượng trợ giúp viên pháp lý và truyền thông về trợ giúp pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là "cầu nối" pháp luật nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Lực lượng Công an bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ Nhân dân đón Tết an toàn
Tin tức pháp luật

Lực lượng Công an bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ Nhân dân đón Tết an toàn

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục bố trí cán bộ trực, ứng trực nghiêm túc, với tinh thần làm việc xuyên tết, không ngừng, không nghỉ; công tác đấu tranh trấn áp tội phạm được tăng cường; chủ động nắm chắc tình hình; sẵn sàng các phương án đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ Nhân dân vui xuân, đón Tết an toàn, lành mạnh, nhất là các hoạt động chào đón giao thừa chuẩn bị diễn ra trên cả nước.

Bài 2: “Tấm khiên chắn” trên không gian mạng
Tin tức pháp luật

Bài 2: “Tấm khiên chắn” trên không gian mạng

Trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng phạm tội, bên cạnh việc tung lực lượng theo dấu, truy bắt để triệt phá đến tận cùng “hang ổ”Phòng an ninh mạng còn thường xuyên phát đi những cảnh báo các dấu hiệu phạm tội để người dân, doanh nghiệp đề phòng, cảnh giác.