Nghịch lý trong sản xuất thức ăn chăn nuôi

Tự Cường 22/06/2013 08:41

Do chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên giá thành thức ăn chăn nuôi của nước ta cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực. Giá thức ăn chăn nuôi đầu vào cao đang khiến ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia, Chính phủ cần có hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ mở rộng vùng nguyên liệu, hạn chế nhập khẩu nhằm giảm giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Vài năm trở lại đây, không ít chủ hộ chăn nuôi điêu đứng bởi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong khi đầu ra thì lên xuống thất thường. Ở nhiều nơi, người nông dân chăn nuôi không có công, thậm chí lỗ vốn, chuồng trại chăn nuôi bị bỏ không. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do giá thức ăn tăng quá cao. Tỷ lệ chi cho thức ăn chăn nuôi luôn chiếm từ 60-70% cơ cấu giá thành của ngành chăn nuôi, chưa kể những rủi ro khác về dịch, bệnh, khi giá tiêu thụ sản phẩm xuống mà giá thức ăn chăn nuôi không giảm thì người dân còn đồng lãi nào, thậm chí còn lỗ.

Sở dĩ giá thức ăn chăn nuôi của nước ta cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực một phần là do ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của chúng ta đang để cho các doanh nghiệp FDI thâu tóm, tính trung bình, 90% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu. Số liệu thống kê của Bộ NN và PTNT cho thấy, giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong 5 tháng đầu năm 2013 là 1,15 tỷ USD, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường nhập khẩu chính là Ấn Độ (24,82%), Mỹ (18,42%), Argentina (13,53%).

Hiện tại, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong các mặt hàng nông nghiệp. Trong đó, các loại nguyên liệu giàu năng lượng như ngô, cám, lúa mì thiếu khoảng 30-40%, thức ăn giàu đạm như đỗ tương, bột xương thịt, bột cá thiếu khoảng 70- 80%, riêng các loại khoáng chất, vi lượng, phụ gia phải nhập khẩu 100%. Có thể thấy nghịch lý là, ở một đất nước nông nghiệp, sản lượng xuất khẩu một số mặt hàng lương thực đứng hàng đầu của thế giới vậy mà lại phải nhập một lượng lớn nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi. Chưa hết, ở trong nước, người dân phải bán nông sản cho các công ty liên doanh chế biến thức ăn chăn nuôi với giá rẻ rồi lại mua thành phẩm rất đắt từ các công ty này.

Nghịch lý kể trên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, là do thiếu quỹ đất, thiếu chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành thức ăn chăn nuôi, trong khi các doanh nghiệp trong nước thì làm ăn chộp giật, manh mún và để 2/3 thị phần thức ăn chăn nuôi cả nước thuộc về các doanh nghiệp FDI. Báo cáo trả lời chất vấn ĐBQH tại Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XIII về xây dựng vùng nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát cho biết, nhiều năm nay, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan quy hoạch mở rộng diện tích trồng ngô vào đỗ tương, năm 2012, diện tích trồng ngô đạt 1,12 triệu ha, sản lượng đạt 4,8 triệu tấn, đáp ứng gần 80% nhu cầu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Về đậu tương, mặc dù có nhiều chính sách khuyến khích song do điều kiện khí hậu đất đai ít phù hợp nên sản lượng chỉ đạt 200 nghìn tấn/năm. Lượng đậu tương này chủ yếu dùng cho người, lượng rất nhỏ dành cho chăn nuôi nên phải nhập khẩu với số lượng lớn. Hiện Bộ đang tiếp tục chỉ đạo các biện pháp để tăng sản lượng các loại nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi trong cả nước.  

Việc nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi đồng nghĩa với việc người chăn nuôi phải gánh thêm chi phí về vận chuyển, kiểm định, thuế, và rủi ro khi thức ăn không đạt chuẩn gây thiệt hại cho sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Giá thức ăn chăn nuôi cao khiến cho giá thành sản phẩm cũng đẩy lên cao, dẫn đến các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam khó cạnh tranh về giá. Thời gian qua, không ít trường hợp người dân mua phải thức ăn chăn nuôi không bảo đảm chất lượng, khiến cho vật nuôi không tăng trưởng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, kết quả kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ 1/7/2012 đến tháng 5/2013 đã phát hiện 34 lô hàng không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn chất lượng công bố và các quy định khác. Đây là con số được phát hiện, thực tế những lô hàng nguyên liệu nhập khẩu không đạt chuẩn có thể còn cao hơn nhiều. Sử dụng thức ăn chăn nuôi không đạt chuẩn, vật nuôi không lớn, hàng xuất khẩu bị trả về do tồn dư các chất cấm, cuối cùng vẫn là người nông dân chịu thiệt hại.

Theo các chuyên gia, trong khi Chính phủ triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường công thương, thị trường bất động sản trong bối cảnh khó khăn hiện nay cũng cần có những hỗ trợ tích cực cho người nông dân. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, cần sớm hạ giá thành thức ăn chăn nuôi bằng cách tự sản xuất nguyên liệu ở trong nước. Một quy hoạch tổng thể phát triển vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi làm sao đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước gắn với quy hoạch phát triển bền vững của ngành chăn nuôi là điều kiện cần thiết. Cùng với đó là các chính sách ưu đãi về vốn, đất sản xuất để các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn cũng như các chính sách ưu đãi để doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất các loại khoáng chất, vi lượng, phụ gia cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chỉ khi nào thức ăn chăn nuôi được sản xuất và cung cấp đến người nông dân với giá hợp lý, cùng với các biện pháp hạn chế các rủi ro từ dịch, bệnh, người chăn nuôi lúc đó mới yên tâm sản xuất, tạo ra động lực để ngành chăn nuôi phát triển bền vững. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghịch lý trong sản xuất thức ăn chăn nuôi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO