Nghịch lý thiếu - thừa giáo viên

- Thứ Bảy, 20/11/2021, 05:50 - Chia sẻ
Không chỉ đối mặt với những khó khăn của dịch Covid-19, ngành giáo dục còn phải đối mặt với tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương. Được đề cập trong không ít kỳ họp Quốc hội nhiệm kỳ trước, một lần nữa tình trạng thiếu thừa giáo viên lại “nóng” lên ở diễn đàn Kỳ họp thứ Hai vừa qua. Câu hỏi đặt ra, giải pháp nào cho nghịch lý thiếu - thừa này?.

Giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm chất lượng giáo dục. Không thể có một kết quả giáo dục tốt nếu như số lượng giáo viên bị “thiếu trước, hụt sau”. Chất lượng giáo dục khó có thể đạt yêu cầu cao nếu như giáo viên phải cùng một lúc gánh nhiều vai khi phải đứng lớp cùng lúc nhiều môn học. Tiếc rằng, thực trạng này đang tồn tại bởi tình trạng thiếu giáo viên ở không ít cơ sở giáo dục.

Hiện nay cả nước thiếu 94.714 giáo viên, trong đó có hơn 1/3 là giáo viên mầm non. Trong khi đó, cả nước lại thừa đến 10.178 giáo viên. Thừa - thiếu giáo viên cục bộ là tồn tại kéo dài nhiều năm nay. Trên diễn đàn của nhiều kỳ Quốc hội, không ít lần đại biểu Quốc hội đã từng lên tiếng về tình trạng này. Trên diễn đàn Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XIV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình đã nêu thực trạng về ngành giáo dục đang vừa thừa, vừa thiếu giáo viên cục bộ. Việc tuyển dụng giáo viên cũng như phân cấp quản lý giáo viên của ngành giáo dục còn nhiều vướng mắc, bất cập. Cũng theo đại biểu Phan Thái Bình, qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển giáo dục và đào tạo, nhiều địa phương phản ánh, các sở giáo dục và đào tạo chỉ quản lý, điều chuyển được giáo viên THPT, còn giáo viên từ mẫu giáo đến THCS thì phân cấp cho chính quyền địa phương cấp huyện quản lý. Đây chính là lý do dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tại các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, nơi thừa, nơi thiếu giáo viên không cùng cấp học, không cùng môn học nhưng ở các địa phương khác nhau không thể điều chuyển từ huyện này sang huyện khác. Từ thực tế này, đại biểu Phan Thái Bình đề xuất theo hướng giao việc quản lý nhà nước về giáo dục cho toàn ngành giáo dục từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến các sở, không phân cấp cho địa phương, để chủ động điều chuyển giáo viên trong biên chế được giao.

Và tình trạng thiếu - thừa giáo viên lại tiếp tục “nóng” ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua. Lý giải về tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, do thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, một số môn học mới được đưa vào chương trình. Ngoài ra, còn có lý do nâng chuẩn giáo viên dạy tiểu học cần phải có bằng đại học, lý do về sắp xếp cơ sở giáo dục... Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên mầm non thời gian qua, Bộ trưởng cho biết, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ cũng đã trình và đã được phê duyệt tuyển thêm hơn 20.000 giáo viên cho 14 tỉnh các khu vực có nhu cầu cao. Hiện Bộ đang trình các cấp có thẩm quyền cho phép tuyển thêm hơn 27.000 giáo viên để giải quyết một phần tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học, trong đó một số lượng rất lớn giáo dục mầm non, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin thêm.  

Về nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên" bởi việc thiếu giáo viên ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục, đào tạo. Tình trạng này cần phải được giải quyết dứt điểm bởi những phương án có tính căn cơ, dài hơi trong việc bố trí, sắp xếp lại giáo viên đứng lớp, tránh tình trạng, “thiếu đâu, xin đó”.

Giải quyết nghịch lý thiếu hụt 94.714 giáo viên nhưng lại thừa 10.178 giáo viên này không phải là điều dễ dàng. Điều này, đòi hỏi cơ quan quản lý cần tập trung cao, quyết liệt thực hiện theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương với mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp, giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách. Cùng với đó, các địa phương phải rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp để giảm điểm trường, số trường. Tập trung đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa giáo dục, nhất là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

Sắp xếp, tinh giản biên chế là một việc khó. Với ngành giáo dục không phải là ngoại lệ. Trách nhiệm phía trước đối với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn rất nặng nề. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại văn bản quy định định mức học sinh trên lớp, giáo viên trên lớp cho phù hợp từng vùng miền. Trên cơ sở đó, khẩn trương cơ cấu lại lực lượng quản lý, giáo viên, gắn với việc nâng cao chất lượng; sắp xếp tinh giản biên chế hợp lý, hiệu quả. Cùng với đó, các bộ, ngành có liên quan phối hợp rà soát các văn bản pháp luật, để hoàn thiện khung khổ pháp lý thuận lợi cho thực hiện tự chủ, xã hội hóa giáo dục. Có như vậy, mới nâng cao chất lượng giáo dục cũng như giải quyết được tình trạng thiếu - thừa giáo viên cục bộ lâu nay.

Song Hà