Nghịch lý của thị trường lao động toàn cầu

Nguyễn Long
Theo YG
14/08/2012 08:27

Kể từ khi kinh tế suy thoái, từ duy nhất thống trị các báo cáo kinh tế trong thế giới phát triển là “thất nghiệp”. Hàng triệu người đã bị mất việc hoặc về hưu sớm và tỷ lệ thất nghiệp đã đạt mức cao chưa từng thấy kể từ Đại suy thoái. Nhưng nghịch lý ở chỗ, hàng triệu việc làm vẫn chờ người lao động. Tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng không chỉ cho thấy thách thức mà các quốc gia đang phải đối mặt mà còn chỉ ra những vấn đề sâu xa hơn.

Không tìm được nguồn nhân lực chất lượng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng năng suất, điều rất quan trọng đối với các xã hội chịu gánh nặng dân số già. Đẩy mạnh dạy nghề hay các trường dạy kỹ năng đòi hỏi thời gian và đầu tư. Trừ Trung Quốc, hầu hết các Chính phủ đều đang gặp thâm hụt ngân sách và phụ thuộc vào giới doanh nghiệp tư nhân đứng lên nhận trọng trách này.

Thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng các thợ điện, kỹ sư, thợ cơ khí và các chuyên gia IT. Hãy lấy Mỹ làm ví dụ: khoảng 13 triệu người Mỹ đang thất nghiệp và 8 triệu đang làm bán thời gian. Tuy nhiên dữ liệu của Bộ Lao động cho thấy kể từ tháng hai, 3 triệu vị trí tuyển dụng vẫn chưa tìm được người. Cuộc điều tra gần đây của ManpowerGroup cho thấy 49% nhà tuyển dụng ở Mỹ cảm thấy không hài lòng vì không tìm được nhân sự chất lượng cao.

Bản báo cáo cũng cho thấy sự thiếu hụt tại các nước châu Á Thái Bình Dương. Theo đó, “số công ty ở Ấn Độ khó khăn trong việc tuyển dụng chỉ đứng thứ hai sau Nhật Bản”. Mặc dù tỷ lệ thiếu hụt ở Ấn Độ giảm từ mức 67% cách đây hai năm xuống còn 48% năm nay, nguyên nhân chủ yếu là do suy thoái kinh tế chứ không phải là sự tăng lên của lực lượng lao động tay nghề cao. Một báo cáo gần đây của WB cho thấy “Thiếu hụt nhân sự chất lượng đã khiến ngành xuất khẩu IT của Ấn Độ tăng lương 15%, từ 2003 - 2006”.

Mặt trái khác của chuyện này là gánh nặng ngày càng tăng lên của lao động thiếu kỹ năng. Chỉ trong thập kỷ tới, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với 13 triệu lao động thiếu kỹ  năng, theo một báo cáo của McKinsey. Thực tế, tại Ấn Độ và nhiều nước đang phát triển khác, có đến 68 triệu lao động trình độ thấp “mắc kẹt trong khu vực nông nghiệp hoặc sống nghèo khổ ở thành thị”. Cho dù Trung Quốc đang vượt xa Ấn Độ trong việc đào tạo lao động tay nghề cao, sự thiếu hụt số lượng nhân công có trình độ sẽ khiến Trung Quốc khó leo lên các ngành công nghiệp giá trị cao. Theo ManpowerGroup, trên toàn thế giới có khoảng 1/3 doanh nghiệp thiếu lao động trình độ cao. Vấn đề này còn nghiêm trọng hơn ở các nước phát triển đã đạt năng suất cao nhờ các tiến bộ công nghệ. Cuối thập kỷ 1970, các nền kinh tế phát triển đã phản ứng lại tình trạng thiếu hụt lao động và cạnh tranh toàn cầu bằng cách sử dụng công nghệ tiết kiệm lao động và thuê ngoài những công việc trình độ thấp với mức lương rẻ mạt.

Hiện nay, khi các doanh nghiệp đang phải tranh đấu để phục hồi, tự động hóa và các giải pháp gắn với IT đang tỏ ra hấp dẫn hơn. Giá lao động tăng cao ở Trung Quốc cũng đang khiến nhiều người phải suy nghĩ lại. Nhiều công ty Mỹ đã mang dây chuyền sản xuất về nước nhưng dựa nhiều hơn vào robot và tự động hóa - kiểu sản xuất đòi hỏi các công nhân kỹ thuật cao. Sự thật rằng Mỹ có ít sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học và công nghệ (14%) hơn so với Trung Quốc (42%) hay Đức (28%) cũng là một phần nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt này. Mỹ đã hưởng lợi từ sự nhập cư của những lao động tay nghề cao trong quá khứ khi có 17% công nhân kỹ thuật là người nhập cư. Nhưng hiện giờ xu hướng đó đang giảm dần, nhất là khi có những giới hạn nhập cư.

Trung Quốc đang thành lập các trường đại học mới nhưng dân số đang già đi có thể sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển lực lượng lao động tay nghề cao của nước này. Ấn Độ thì lại có vấn đề khác: nguồn lực. Sự cố mất điện gần đây của Ấn Độ đã lộ ra những thách thức cơ sở hạ tầng của nước này. Người ta đang lo ngại về tính khả thi của kế hoạch xây dựng 70 trường đại học của Ấn Độ trong thập kỷ tới, chứ chưa nói gì đến chất lượng đào tạo của những trường đại học đó.

Thất nghiệp tăng lên và gánh nặng của những lao động trẻ thiếu trình độ sẽ làm Ấn Độ suy yếu trong khi tỷ lệ dân số đang già đi của Trung Quốc có thể sẽ lấy đi lợi thế về trình độ hiện nay của nước này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghịch lý của thị trường lao động toàn cầu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO