Nghĩa vụ tài chính và trách nhiệm của doanh nghiệp
Một trong những sửa đổi, bổ sung thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là dự thảo đã giãn nghĩa vụ này cho các DN. Tuy nhiên từ thực tiễn thực hiện quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cũng như tình hình hoạt động của các DN trong lĩnh vực này cho thấy, việc bổ sung, sửa đổi này chưa giải quyết được vấn đề còn vướng mắc.
Kết quả 4 năm thực hiện Nghị định 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho thấy, một số mỏ do vướng mắc trong công tác thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt mặt bằng, chưa thể khai thác, chưa có doanh thu nên khó khăn trong việc thực hiện nộp tiền… Trong khi đó, Nghị định lại thiếu các quy định về các trường hợp bất khả kháng (không, chậm giải phóng mặt bằng; thị trường không thuận lợi…) để có thể hoãn, giãn (gia hạn) thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho DN. Đặc biệt là chưa có quy định về việc hoàn trả, đối trừ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp hết thời hạn khai thác nhưng trữ lượng khoáng sản của mỏ vẫn còn hoặc tổng trữ lượng đã khai thác nhỏ hơn trữ lượng được cấp theo giấy phép khai thác khoáng sản (do công nghệ thăm dò còn hạn chế)… Tất cả đã khiến cho việc thực hiện quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn hạn chế.
Thực tế, Nghị định số 203/2013/NĐ-CP đã ấn định thời điểm các DN phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản rất sớm. Cụ thể, đối với các DN xin phép mới thì phải nộp tiền lần đầu trước khi nhận giấy phép và phải nộp lần cuối trước khi kết thúc 1/2 thời gian giấy phép. Trong khi đó, đặc điểm của ngành công nghiệp khai khoáng là các DN phải bỏ ra rất nhiều chi phí trong giai đoạn đầu để thăm dò, đầu tư xây dựng mỏ, mua sắm thiết bị; và không phải lúc nào kết quả thăm dò cũng phản ánh đúng kết quả khai thác. Thông thường, các DN phải mất từ 3 – 5 năm từ thời điểm có giấy phép mới có thể khai thác ổn định. Đó là khai thác, còn có bán được hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào sức mua của thị trường. Như vậy, có thể thấy, giai đoạn đầu là giai đoạn khó khăn nhất của DN, nhưng việc thu cấp quyền khai thác khoáng sản lại được quy định thu vào giai đoạn này.
Hiện, dự thảo đã đề xuất cách giãn nghĩa vụ nộp tiền trong giai đoạn đầu của dự án. Cụ thể, Điều 11.1 giảm những trường hợp phải nộp tiền một lần; Điều 11.2.d giảm số tiền phải nộp lần đầu; Điều 11.3 lùi thời điểm của mỗi lần nộp tiền 90 ngày so với Nghị định 203/2013. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đề xuất này vẫn chưa giải quyết vấn đề mấu chốt của chính sách là gắn trách nhiệm của DN trong hoạt động khai thác khoáng sản thông qua nghĩa vụ tài chính.
Để giải quyết được vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ quy định phải thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lần đầu trước khi nhận giấy phép khai thác. Theo đó, DN nộp tiền cấp quyền lần đầu vào năm tiếp theo sau khi bắt đầu có doanh thu từ việc bán khoáng sản (lấy theo hóa đơn GTGT) - tức là thu sau, tương tự như các nghĩa vụ tài chính khác. Số tiền nộp mỗi năm bằng tổng số tiền cấp quyền chia đều cho số năm tính từ thời điểm có doanh thu cho đến hết thời hạn khai thác ghi trên giấy phép.