Ấn Độ

Thúc đẩy quảng cáo có trách nhiệm

- Chủ Nhật, 12/11/2023, 07:08 - Chia sẻ

Ở đất nước có lượng người tiêu dùng rộng lớn và đa dạng như Ấn Độ, việc bảo đảm các quảng cáo không gây hiểu lầm và không lợi dụng niềm tin mà người tiêu dùng đặt vào những người nổi tiếng mà họ yêu thích là hết sức quan trọng. Vì vậy, Ấn Độ muốn thắt chặt các quy định liên quan để thúc đẩy các hoạt động quảng cáo có trách nhiệm, mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Khi công nghệ thâm nhập vào mọi khía cạnh của thế kỷ XXI, cách tiếp thị và bán sản phẩm, dịch vụ có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Người nổi tiếng thường trở thành mục tiêu của các công ty/thương hiệu lớn khi muốn hướng tới đối tượng phù hợp để quảng bá sản phẩm. Họ được mong đợi tăng thêm giá trị cho thương hiệu, đồng thời đóng vai trò không thể thiếu trong việc nâng cao nhận thức, cũng như tác động đến sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Có thể nói, niềm tin khiến nhiều người tiêu dùng lựa chọn và cuối cùng mua những sản phẩm, dịch vụ do người nổi tiếng mà họ yêu thích giới thiệu. Do đó, người nổi tiếng cần phải bảo đảm rằng quảng cáo mà họ tham gia phải đúng sự thật, không ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng nói chung.

Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có luật toàn diện để quản lý/giám sát các quảng cáo gây hiểu lầm của người nổi tiếng, Bộ quy tắc của Hội đồng Tiêu chuẩn quảng cáo Ấn Độ đã cung cấp một số nguyên tắc nhất định cho người nổi tiếng. Theo đó, những quảng cáo của người nổi tiếng không được gây hiểu lầm, sai sự thật hoặc vô căn cứ. Người nổi tiếng phải có kiến thức về Bộ quy tắc, ngược lại nhiệm vụ của nhà quảng cáo, công ty quảng cáo hoặc cơ quan khác là thông báo cho những người nổi tiếng biết về những nguyên tắc đó. Bộ quy tắc cũng yêu cầu những người nổi tiếng tiến hành thẩm định đầy đủ các tuyên bố liên quan đến sản phẩm/dịch vụ được quảng cáo để bảo đảm tính xác thực trong các tuyên bố của họ. Trong mọi trường hợp, Bộ quy tắc về bản chất là tự nguyện, không đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với bất kỳ tuyên bố sai lệch do người nổi tiếng quảng cáo.

Người nổi tiếng quảng bá cho các thương hiệu ở Ấn Độ. Nguồn: skyevents.in
Người nổi tiếng quảng bá cho các thương hiệu ở Ấn Độ. Nguồn: skyevents.in

Ngoài ra, Ấn Độ đã sửa đổi Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 1986 và ban hành mới vào tháng 8.2019 để củng cố khung pháp lý vững chắc hơn trong việc quản lý các quảng cáo của người nổi tiếng và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2019 thành lập Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng trung ương (CCPA) “để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến vi phạm quyền của người tiêu dùng, hành vi thương mại không công bằng và quảng cáo sai sự thật hoặc gây hiểu lầm gây hại đến lợi ích của công chúng lẫn người tiêu dùng”. Theo Mục 21 của Luật này, CCPA có thể ra lệnh ngừng/sửa đổi quảng cáo gây hiểu nhầm/sai, gây phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng hoặc trái với quyền của người tiêu dùng. Ngoài ra, cơ quan này cũng có thể áp dụng hình phạt đối với người quảng cáo sai sự thật hoặc gây hiểu nhầm, có thể lên tới 10 vạn rupee (khoảng 14.000 USD) và lên tới 50 vạn rupee (khoảng 70.000 USD) cho mỗi hành vi vi phạm tiếp theo và phạt tù lên tới 5 năm. CCPA thậm chí có thể cấm thêm người quảng cáo sai sự thật hoặc gây hiểu nhầm được quảng bá bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào trong khoảng thời gian lên tới 1 năm và tối đa 3 năm cho mỗi hành vi vi phạm tiếp theo.

Cách bảo vệ duy nhất dành cho người quảng cáo để giúp họ tránh các biện pháp trừng phạt theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2019 là phải chứng minh được rằng bản thân đã thực hiện thẩm định tính xác thực của các tuyên bố đưa ra trong quảng cáo liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ. Thực tế, các trường hợp liên quan đến quảng cáo kem dưỡng da, thuốc lá nhai, rượu, ứng dụng cờ bạc… không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh xã hội của những người nổi tiếng có liên quan mà còn khiến các thương hiệu này đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, các nhà quảng cáo, nhà sản xuất và người quảng bá phải có trách nhiệm kiểm tra lai lịch đầy đủ về thương hiệu, cũng như thận trọng trước các tuyên bố phi thực tế, vô lý về một sản phẩm, nhất là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thể chất… Danh sách kiểm tra thẩm định pháp lý có thể bao gồm hồ sơ công ty, uy tín tài chính, hoạt động được cấp phép của thương hiệu, các chính sách hiện hành của công ty, quyền sở hữu và kiểm soát thương hiệu…

Những sửa đổi trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2019 của Ấn Độ về cơ bản sẽ thay đổi cách thức đàm phán và ký kết hợp đồng giữa những người nổi tiếng và các công ty/thương hiệu muốn quảng bá sản phẩm. Vì người nổi tiếng giờ đây sẽ có trách nhiệm lớn hơn so với tình hình trước khi sửa đổi, luật sư đại diện cho họ sẽ yêu cầu các thương hiệu trình bày chi tiết về chất lượng sản phẩm lẫn việc tuân thủ các quy định liên quan đến quảng cáo sản phẩm. Người nổi tiếng cũng sẽ tìm kiếm các điều khoản bồi thường mạnh mẽ từ các thương hiệu để trang trải các hình phạt tiềm ẩn và chi phí pháp lý mà họ có thể phải gánh chịu trong tương lai.

Ấn Độ cũng có quy định cấm quảng cáo thay thế, lách luật cấm hoặc hạn chế đối với một số hàng hóa và dịch vụ nhất định. Hình thức này liên quan đến việc quảng cáo một sản phẩm hoặc dịch vụ không được phép bằng cách ngụy trang nó thành một sản phẩm khác. Quảng cáo rượu thường khuyến khích những hoạt động như vậy - dưới chiêu bài bán soda, CD và thậm chí cả các gói kỳ nghỉ. Ở nước này, quảng cáo hợp lệ là quảng cáo trung thực, không phóng đại tính chính xác, giá trị khoa học hoặc tính hữu ích thực tế. Chúng không được che giấu những sự kiện hoặc rủi ro quan trọng liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ…

Linh Anh